Theo trình bày, đồ án này có diện tích mặt nước khoảng 20-30 ha. Khi được hoàn thành sẽ đảm bảo cho hàng trăm tàu thuyền của TP và cả miền Trung cập bến buôn bán và trú bão.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT, hiện nay khu vực vịnh Mân Quang và Âu thuyền Thọ Quang (hiện là điểm nóng môi trường) đang ô nhiễm, ông nói: “Nếu tàu thuyền của 6, 7 tỉnh tập trung về đây sẽ khiến mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng”.
Khu vực Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã quá tải . Ảnh: Lê Phi
Trong khi đó, ông Huỳnh Vạn Thắng (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng) lại cho rằng : “Hiện tại TP có 1.800 tàu lớn nhưng chỉ có 1.200 tàu có chỗ neo đậu, còn lại 600 tàu không biết neo đậu ở đâu. Nếu không khẩn trương xây dựng khu neo đậu này thì tới mùa mưa bão sẽ rất nguy hiểm. Việc xây dựng cảng và khu neo đậu này là cần thiết”, ông Thắng nói.
Ông Thắng dẫn chứng Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ chọn để xây dựng thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước. Chính phủ cũng đã phê duyệt cho phép TP xây dựng thêm một cảng cả để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Nếu không có thêm cảng cá và khu neo đậu thì sẽ rất khó phát triển nghề cá.
“Còn về vấn đề ô nhiễm môi trường là do chúng ta quản lý chứ không thể nói có thêm cảng cá này là sẽ ô nhiễm thêm được”, ông Thắng nói.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng băn khoăn giữa lựa chọn quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường, phát triển du lịch . Ảnh: Lê Phi
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng nếu làm cảng cá và nơi trú bão cho tàu thuyền thì sẽ giải quyết được việc phát triển nghề cá nhưng lại ảnh hưởng đến ngành du lịch của TP.
Kết luận, chủ tịch UBND TP, ông Văn Hữu Chiến nhận định: “Nếu không cẩn trọng sẽ phá vỡ hết cảnh quan, môi trường, đề nghị Sở Xây dựng tích cực nghiên để tìm ra giải pháp thích hợp nhất”.
Cũng tại Tại cuộc họp này, Bí thư Thành ủy Trần Thọ thống nhất chọn khu vực dưới chân cầu Thuận Phước, rộng 4-5 ha để xây dựng Trung tâm Văn hóa và Nhà hát TP.
LÊ PHI.