Chiều 7-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM làm việc với thanh tra TP về tình hình thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về công tác thanh tra và các kiến nghị sửa đổi Luật Thanh tra 2004. Các ý kiến kiến nghị cần sửa Luật Thanh tra theo hướng giao quyền chủ động cho chánh thanh tra ra quyết định thanh tra, thanh tra đột xuất và tự chịu trách nhiệm; giao cơ quan cụ thể theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý…
Chỉ đâu đánh đó
Ông Hoàng Đức Long, Phó Chánh thanh tra TP, cho biết công tác thanh tra vừa qua còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế về chính sách pháp luật như: chưa thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra; chưa thể hiện tính chủ động và tính tự chịu trách nhiệm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tính hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra chưa cao, việc xử lý, thu hồi tài sản vi phạm sau kết luận thanh tra còn thấp…
Theo Luật Thanh tra 2004, chỉ có Thanh tra Chính phủ mới được quyền thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền giao. Còn thanh tra cấp tỉnh, bộ, sở, ngành, thanh tra cấp quận, huyện phải xin ý kiến của thủ trưởng hoặc chủ tịch UBND cùng cấp. Với quy định như vậy, thanh tra TP cho rằng sẽ làm cho vụ việc không được giải quyết kịp thời hoặc khó phát hiện vì trong thời gian chờ phê duyệt thì đối tượng thanh tra sẽ đối phó bằng cách tẩu tán tài sản, hợp thức hóa chứng từ… “Chánh thanh tra các cấp phải được quyền chủ động thanh tra chứ với những vụ việc cần thanh tra đột xuất mà xin ý kiến lâu quá thì mất ý nghĩa của đột xuất” - ông Long kiến nghị.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội trong một lần tiến hành kiểm tra đột xuất việc niêm yết giá thuốc và quy chế chuyên môn dược tại một trung tâm mua bán thuốc Tây. ảnh minh họa: CTV
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Chánh thanh tra TP, với quy định như luật hiện hành thì cơ quan thanh tra chỉ mới giống người giúp việc, chỉ cái gì làm cái đó. “Dự thảo có nói đến thanh tra đột xuất nhưng không thể hiện tính chủ động của chánh thanh tra. Nếu chủ động thì chánh thanh tra phải được quyền ra quyết định thanh tra và tự chịu trách nhiệm về việc ra quyết định thanh tra của mình” - ông Nhân nói.
Thiếu chế tài
Luật Thanh tra 2004 quy định khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo ông Long, thời gian cơ quan điều xem xét hồ sơ quy định trong luật (tối đa là 60 ngày) thường không được đảm bảo. Nhiều vụ việc kéo dài cả năm rồi im luôn, không xử lý gì. “Từ năm 2009, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra xem xét các hồ sơ chuyển sang, nếu không có dấu hiệu hình sự thì trả lại để chúng tôi xử lý hành chính” - ông Long cho biết.
Thanh tra TP cho biết vừa làm 11 kết luận thanh tra về việc thực hiện kết luận thanh tra từ năm 2009 đến nay. Kết quả cho thấy chỉ có ba đơn vị có thực hiện từ 70% đến 80%, còn tám đơn vị chỉ làm từ 20% đến 70%. “Luật hiện hành thiếu chế tài với đối tượng phải chấp hành kết luận thanh tra có kiến nghị xử lý mà không thực hiện. Trong dự thảo sửa đổi có nói đến việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng không giao cho cơ quan nào làm. Luật cần phải chỉ rõ cơ quan nào theo dõi việc thực hiện kết luận đó và xử lý trong trường hợp không thực hiện như thế nào. Kết luận thanh tra cũng cần phải có thời hạn thực hiện để cơ quan được giao theo dõi biết mà xử lý” - Chánh thanh tra TP Nguyễn Hữu Nhân đề xuất.
NHẪN NAM