Giáo sư Hoàng Tụy, cây đại thụ của toán học Việt Nam qua đời

Thông tin này được GS.TS Khoa học Hà Huy Khoái, một học trò thân thiết của GS Hoàng Tụy xác nhận với PLO

Cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành toán học của Việt Nam. GS Hoàng Tụy được coi là cha đẻ của lĩnh vực tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization) trong toán học ứng dụng. 

GS Hoàng Tụy sinh năm 1927 tại làng Xuân Đài, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng - em ruột của tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Các anh em ông có bảy người đỗ đạt thì năm người làm giáo sư đại học như Hoàng Phê (Ngôn ngữ học), Hoàng Quý (Vật lý), Hoàng Kiệt (Mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (Toán học)…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của GS Hoàng Tụy tại Viện Toán học Việt Nam. Ảnh: VGP

Năm 1951, ông theo học Trường Khoa học cơ bản do Lê Văn Thiêm phụ trách. Năm 1954, Hoàng Tụy bắt đầu dạy toán tại Trường ĐH Khoa học, sau là Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Tháng 3 năm 1959, ông trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học Toán - Lý tại ĐH Lomonosov tại Moskva.

Từ năm 1961 đến 1968 ông là Chủ nhiệm Khoa Toán của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ năm 1980 đến 1989.

Năm 1964, ông đã phát minh ra phương pháp "lát cắt Tụy" (Tuy's cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization).

Vào tháng 8-1997, Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển) đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục" để tôn vinh GS Hoàng Tụy, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát" và nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi.

Năm 2007, ông cùng các cộng sự thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện, chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội.

Tháng 9-2011, ông là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng trong lĩnh vực này.

Ông đã có trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học; là tổng biên tập của 2 tạp chí toán học tại Việt Nam (1980-1990), ủy viên ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế.

Với nhiều thành tựu xuất sắc, GS Hoàng Tụy được trao các danh hiệu như tiến sĩ danh dự Trường ĐH Linköping, Thụy Điển (1995); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010); Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011).

Không chỉ là một nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam, ông còn có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.Trong suốt mấy chục năm, theo chiều dài lịch sử, Giáo sư Hoàng Tụy thường xuyên tranh luận, lên tiếng trên các diễn đàn để thẳng thắn chỉ ra những điều bất cập, lệch lạc, gây trở ngại cho sự tiến bộ của khoa học, giáo dục, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.

Bìa cuốn sách "Xin được nói thẳng" tập hợp những bài viết của GS Hoàng Tụy trên báo chí trong hơn 20 năm. 

Những ngày trước khi ông mất, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp ở Viện Toán học, Tạp chí Tia sáng và nhà sách Omega đã kịp tập hợp các bài viết của ông và cho ra mắt cuốn sách "Xin được nói thẳng".

Cuốn sách này là sự tổng hợp và chỉnh lý từ những bài viết của Giáo sư Hoàng Tụy đã đăng trên phương tiện thông tin đại chúng trong hơn 20 năm qua, kèm theo đó là ý kiến thể hiện tình cảm và sự đánh giá từ các nhà trí thức, bạn bè thân thiết của Giáo sư dành cho ông.

Sách bao gồm 49 bài viết, được sắp xếp theo trình tự thời gian và chủ đề, từ đó độc giả có thể nhìn xuyên suốt cả quá trình phát triển của nền khoa học – giáo dục trong nước, thấy được những thay đổi cũng như tồn đọng trong các chính sách và việc thực hiện chúng ở nước ta.

Trong sách, có đoạn ông viết: “Trong cuộc chiến để dành chỗ xứng đáng với tầm vóc dân tộc, trong một thế giới nhiều biến động, chỉ có một chiến dịch khả dĩ thành công, đó là dựa vào trí tuệ và tài năng để khắc phục những yếu kém khác. Như vậy, lẽ sống còn của dân tộc kêu gọi ta hãy chăm lo đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nhân tài”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm