Đây là nhận xét của cô Phan Thị Kim Loan, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Hệ thống trường Việt-Mỹ VA School.
Theo cô Loan, nhìn tổng thể đề thi có sự phân hóa về từ vựng, đọc hiểu. Còn phần ngữ âm, nhấn âm, giao tiếp, ngữ pháp nằm ở mức độ cơ bản, dành cho học sinh xét tốt nghiệp. Phần bài tập đọc hiểu khá nhẹ nhàng đối với học sinh. Đặc biệt đoạn văn cuối cùng có sự phân hóa, thể hiện rất rõ, dành cho thí sinh xét ĐH, CĐ. Theo cô, học sinh trung bình có thể đạt 6 điểm môn tiếng Anh.
Tổ Tiếng Anh – Hệ thống giáo dục HOCMAI cũng nhận định: Việc điều chỉnh hình thức thi, thời gian thi, nội dung của kì thi THPT quốc gia năm 2017 so với các năm trước kéo theo việc điều chỉnh lại cấu trúc đề thi/độ khó của đề thi môn Tiếng Anh. Sự phân bổ mức độ câu hỏi cũng tương đối rõ ràng với khoảng 30 câu hỏi ở mức độ cơ bản thuộc các chuyên đề ngữ âm, ngữ pháp, chức năng giao tiếp....Các câu hỏi ở mức độ trung bình thuộc các phần như phát hiện lỗi sai; tìm câu đồng nghĩa. Các câu còn lại có độ khó tăng dần và đặc biệt thuộc các câu hỏi liên quan đến từ vựng và một trong hai bai đọc hiểu, dùng để phân loại giúp các trường đại học có thể tuyển chọn được thí sinh. Tuy nhiên, các dạng bài từ vựng, điền từ và đọc hiểu có xu hướng giảm về độ khó so với các năm 2016 trở về trước.
Mỗi đề thi đều xuất hiện các câu hỏi “khó” là các câu có tính phân loại, dùng để lấy điểm 9,10 nhưng hầu hết không có câu hỏi xa lạ, đánh đố. Cụ thể là các câu rơi vào bài Đọc hiểu số 2 (câu 43 đến 50 của mã đề 405, câu 35 đến 42 của mã đề 416). Tuy nhiên, các chủ đề xuất hiện trong đề thường là các chủ đề quen thuộc, không xa lạ với quá trình học và ôn tập của học sinh.
Với đề thi này, không khó để học sinh đạt điểm 6,7 nhưng để đạt được điểm tuyệt đối (10) yêu cầu thí sinh cũng phải có thêm tư duy đánh giá, tổng hợp.