Theo cáo trạng, Tân và Tuấn rủ nhau đi chơi game từ 10 giờ đêm hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau… Cả hai đói bụng mà túi lại rỗng nên đã bàn nhau cách “kiếm” đồ ăn…
Cả hai đến tiệm tạp hóa hỏi mua hai bịch chuối sấy, một ổ bánh mì Đức Phát, một bịch đậu phộng và ba bịch me trộn đường (trị giá 45.000 đồng).
Chủ quán đưa hàng, cả hai vẫn ngồi trên xe nổ máy sẵn cầm lấy gói đồ và… vọt lẹ mà không trả tiền. Cả hai ngay lập tức đã bị người dân truy đuổi bắt được.
VKSND quận Thủ Đức truy tố Tân và Tuấn theo khoản 2 Điều 136 BLHS về tội cướp giật tài sản với mức hình phạt từ 3 đến 10 năm tù. Dự kiến ngày 17-5 tới đây tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Hiện
dư luận đang xôn xao bày tỏ quan điểm về vụ án này. Rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến về
PLObày tỏ ý kiến với hai luồng quan điểm rõ rệt: Cả hai có dấu hiệu phạm tội, chỉ là nên xử án thấp và cả hai tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng hành vi không nguy hiểm nên không phải là tội phạm.
Việc truy tố quá nặng, hình phạt không tương xứng với hành vi
Bạn đọc cho rằng chỉ giật gói đồ ăn có giá trị chỉ 45.000 đồng vì đói thì không đáng phải xử tù, việc truy tố như vậy là quá nặng nề gây ảnh hưởng đến tương lai sau này của cả hai vi khi phạm tội cả hai chỉ mới 17 tuổi.
Có ý kiến còn cho rằng đây chỉ là hành vi mua hàng rồi ăn quỵt tiền chứ không phải cướp, mức hình phạt như đề nghị là quá nặng (bạn Hà Nam).
"Tân và Tuấn khi phạm tội mới 17 tuổi chưa nhận thức được pháp luật, không tiền án, tiền sự, phạm tội không nguy hiểm với giá trị tài sản (thực phẩm 45.000 đồng) không đáng kể... Hành vi của Tân và Tuấn không đáng truy cứu trách nhiệm hình sự mà nên phạt vi phạm hành chính là thuyết phục”, bạn đọc Anh Bảy viết.
Bạn Bùi Anh Lân cũng cho rằng trường hợp của Tân và Tuấn không gây nguy hiểm tính mạng, sức khỏe hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì truy tố như vậy là không hợp lý. Tuy nhiên, trả lời ý kiến này, bạn Người học luật đáp: “Trong trường hợp này theo mình nghĩ tinh thần của điều luật muốn hướng đến giải thích rõ (việc dùng mô tô, xe máy cướp giật đã là dùng thủ đoạn nguy hiểm mà không cần thiết phải có hậu quả nghiêm trọng xảy ra! Bởi lẽ, nếu có hậu quả nghiêm trọng người ta sẽ bị truy tố theo hai tình tiết tăng nặng (là dùng thủ đoạn nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng). Trong thực tiễn việc dùng xe máy (nguồn nguy hiểm cao độ) cướp giật đã là đe dọa gây nguy hiểm cho người bị hại hoặc người khác ngay tức khắc. Có nghĩa nếu bạn dùng xe máy cướp giật tức là bạn đã có khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm (người bị giật có thể bị ngã, kéo theo xe gây nguy hiểm tính mạng, mất an toàn giao thông), do đó người làm luật áp dụng tình tiết này là nhằm răn đe giáo dục để hạn chế việc cướp giật bằng xe máy nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra cho xã hội!”
Chỉ cần có hành vi cướp là thành tội
Tuy nhiên, nhiều hơn vẫn là quan điểm nên xử tội để pháp luật được thực thi nghiêm minh. Các bạn cho rằng đã thực hiện hành vi "Cướp" thì tội phạm đã hoàn thành. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Khi xét xử thì căn cứ nhân thân, điều kiện phạm tội mà có bản án phù hợp nhằm răn đe,
giáo dục người phạm tội trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Nếu là cướp thì dù 1 đồng cũng phạm tội. Pháp luật là pháp luật. Chúng ta muốn hướng đến nhà nước pháp quyền thì phải nghiêm chỉnh tuân thủ...
Bạn Văn Đoàn viết “Cướp giật 1.000 đồng cũng là cướp vì luật đã quy định thế. Cứ lấy lý do nghèo đói mà đi cướp thì xã hội sẽ loạn. Phải xử theo quy định, tuy nhiên nên áp dụng luật như thế nào để vừa đủ răn đe thể hiện sự nhân đạo của pháp luật”.
Bạn
Đức Thọ đồng ý với ý kiến này và
bình luận “
Về mặt pháp lý, cướp giật 1.000 đồng cũng bị tội, dùng xe máy khi cướp giật là bị quy vào khoản 2 Điều 136. Vấn đề còn lại là có đáng xử lý hình sự hay không? Người lương thiện cùng khổ nó khác với bọn ăn chơi lêu lổng. Trộm cắp vặt, cướp giật vặt không trị rồi sẽ đến trộm cắp lớn, cướp giật lớn. Bao nhiêu tội phạm làm bất an xã hội cũng từ đó mà ra. Lúc đó đừng kêu ra đường bất an quá, công an ở đâu, chính quyền ở đâu...”. Ý kiến này đã nhận được khá nhiều Like đồng tình.
“Theo mình, pháp luật trước hết phải được thực thi nghiêm chỉnh! Giữa đúng và sai không có chỗ cho tình cảm (yếu tố hợp tình mà người ta hay nhắc đến đó là các tình tiết giảm nhẹ mà VKS, HĐXX cân nhắc áp dụng các quy định pháp luật xem xét cho bị can, bị cáo). Nếu người ta thấy pháp luật quá nghiêm khắc hoặc không đủ tính răn đe thì phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Pháp luật phải được thượng tôn thì mới có một xã hội pháp trị, công bằng, dân chủ và văn minh!”, một bạn đọc tự nhận mình là Một người học luật bày tỏ.
Bạn Chung Tình cũng cảnh báo, nếu luật pháp mà nghiêm minh thì các loại tội phạm sẽ giảm và hết ngay. "Luật có nghiêm, có trị tội thích đáng tội phạm mới sợ, chứ kiểu bắt như bắt cóc bỏ dĩa, phạt hành chính thì tôi đảm bảo không ăn thua, mà ngược lại sẽ còn hoạt động mạnh hơn nữa…. Tuy việc này xem là nhỏ nhưng sâu xa hơn nó sẽ trở thành lớn đấy, không đơn giản như chúng ta hiểu, thấy như vậy đâu, vì đây là "mầm móng" của tội phạm cướp giật, giết người nếu không có tiền để tiêu xài đấy”.
Nhiều luật gia, luật sư cũng sôi nổi tham gia phân tích về vấn đề pháp lý vụ án này. Bạn đọc cho rằng trong trường hợp của Tân và Tuấn, cả hai đều đã có hành vi phạm tội, tuy nhiên nên cân nhắc nhiều yếu tố để pháp luật được thực thi thấu tình mà vẫn đạt lý, vẫn nghiêm minh, răn đe mà vẫn có giá trị nhân đạo.
Bạn Tân viết: “Pháp luật Việt Nam vẫn mang tính giáo dục làm đầu và đậm tinh thần nhân đạo. Nên chăng trong quá trình xử lý cần áp dụng Khoản 4 Điều 8 BLHS để xem xét thấu tình đạt lý hơn” (Khoản 4 Điều 8 BLHS quy định: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác).
“Cả hai có đủ nhận thức về hành vi phạm tội của mình, và cố ý phạm tội; phạm tội có tổ chức, có bàn bạc, phân công nhau. Dùng xe gắn máy, biết rằng người bán hàng không thể đuổi theo... Nếu xét ra thì có thể truy tố theo khoản 2 Điều 136 (mức phạt từ 3 đến 10 năm) cũng ko sai. Tuy nhiên trong trường hợp này nên xét giảm nhẹ, vì hành vi chưa gây hậu quả nguy hiểm, có thể truy tố theo Khoản 1 Điều 136 (Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm )”, luật sư Quang phân tích.
Kết thúc vụ án sẽ như thế nào, chúng ta vẫn phải chờ phiên tòa xét xử diễn ra mới biết được. Tuy nhiên, hiện tại bạn vẫn có thể chia sẻ với chúng tôi ý kiến của bạn về vụ án này.
Bạn đồng tình với quan điểm nào trên đây hay bạn còn có những ý kiến riêng khác? Xin gửi ý kiến vào ngay ô bình luận dưới bài viết, PLO trân trọng đón nhận các ý kiến của bạn đọc.