Sau vụ việc hai cô gái đi uống cà phê bị đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM vì không xuất trình được giấy tờ tùy thân, nhiều bạn đọc lo lắng đặt câu hỏi: Pháp luật có quy định công dân Việt Nam khi ra đường phải mang theo CMND không? Khi bị kiểm tra thì phải làm thế nào để không bị rắc rối?
Không đơn thuần là kiểm tra hành chính
Giải đáp những thắc mắc trên, luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, cho biết Nghị định 03/2013 có nêu CMND là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng, nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Công dân không xuất trình được CMND (hoặc thẻ căn cước công dân) khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-200.000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013).
Theo LS Đặng Thành Trí, Đoàn LS TP.HCM, thông thường không phải công dân nào cũng có thể bị cơ quan thẩm quyền yêu cầu xuất trình CMND mà chỉ những đối tượng có nghi vấn vi phạm pháp luật mới bị kiểm tra. Việc mang theo CMND trong người khi ra đường là rất cần thiết bởi đây là một loại giấy tờ để người dân chứng minh nhân thân của mình và dùng để thực hiện mọi giao dịch dân sự khác.
Cần lưu ý, khi được các cơ quan thẩm quyền yêu cầu xuất trình CMND thì người dân nên hợp tác bởi đây không đơn thuần là kiểm tra hành chính mà là để giải tỏa những nghi vấn về tội phạm. Trong trường hợp không mang theo hoặc không có CMND, người dân có thể đưa ra những giấy tờ khác như bằng lái xe… để chứng minh nhân thân của mình. Tuy nhiên, những giấy tờ trên không thể thay thế CMND mà chỉ là căn cứ để các cơ quan xác minh về nhân thân mà thôi.
Người dân phải luôn mang theo giấy tờ tùy thân để xuất trình với cơ quan công quyền khi cần thiết.Ảnh: HTD
Có quyền cầu cứu người thân
Theo một cán bộ điều tra của Công an quận 1, các đoàn liên ngành khi kiểm tra những địa điểm nghi vấn có tệ nạn xã hội sẽ làm theo chuyên đề. Tại địa điểm, thời điểm kiểm tra có thể mời những người liên quan về trụ sở để làm rõ.
Dù người được mời không liên quan nhưng khi có yêu cầu thì phải xuất trình được giấy tờ, nơi đăng ký thường trú, tạm trú để công an xác minh. Nếu cần làm rõ hơn vai trò liên quan đến địa điểm kiểm tra có nghi vấn, công an vẫn có thể mời người đó về trụ sở.
Khi đã về trụ sở, người dân cũng phải cung cấp được giấy tờ tùy thân, nơi đăng ký thường trú, tạm trú để công an làm rõ. Khi cần thiết, công an có thể kiểm tra ma túy, xác minh lai lịch rõ ràng, chính xác. Nếu là người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định thì sẽ bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội.
Công dân có quyền “mượn quyền trợ giúp” gọi điện thoại cho người thân nhờ mang giấy tờ tùy thân đến để xuất trình tại trụ sở công an. Giấy tờ này có thể là bản sao y chứ không nhất thiết phải là bản gốc.