Gần 60 năm trước Sài Gòn đã có khoa Guitar tại Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM) nhưng cho đến hiện tại, trên bản đồ guitar quốc tế, Sài Gòn hay rộng ra là Việt Nam vẫn rất hiếm hoi nghệ sĩ guitar từng đoạt các giải thưởng danh giá về guitar quốc tế.
Bài học lớn từ Thái Lan
Guitar là nhạc cụ phổ biến nhất tại Việt Nam, từ quán vỉa hè, cà phê cóc, phòng trà hay sân khấu lớn đều có guitar hiện diện. Lịch sử guitar cổ điển cũng đã có mặt qua khoa guitar từ năm 1956 ở Sài Gòn… nhưng chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã thua sút các nước như Thái Lan, Singapore... về sự hiện diện tại các giải thưởng danh giá của guitar. Đơn cử như ở giải thưởng guitar cổ điển lớn nhất thế giới hiện nay là Guitar Foundation of America (GFA), nghệ sĩ Việt Nam lẫn nghệ sĩ gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài vẫn chưa đủ trình độ để đặt chân đến; trong khi đó quán quân GFA năm 2014 là người Thái Lan và năm 2013 Singapore có nghệ sĩ trẻ chiến thắng ở GFA.
“Có những điều thuộc về lịch sử mà mình phải chấp nhận nhưng muốn có một vài nghệ sĩ guitar đạt dấu ấn nào đó thì ngay từ bây giờ chúng ta phải làm. Vì thế, chúng tôi tổ chức Liên hoan guitar quốc tế Sài Gòn với mong muốn tìm kiếm những hạt mầm guitar sẽ nảy nở trong mươi, mười lăm năm nữa” - nghệ sĩ guitar Nguyễn Thanh Huy, Trưởng khoa Guitar-Accordion (Nhạc viện TP.HCM - đơn vị tổ chức SIGF), cho biết.
Theo chia sẻ của nghệ sĩ Thanh Huy thì khoảng 20 năm trước, ở Thái Lan guitar cổ điển chưa phổ biến, chưa có nhiều khán giả đến xem các buổi diễn guitar như ở Việt Nam hiện nay nhưng để có một Thái Lan có tên trên bản đồ guitar quốc tế như hiện tại thì từ khoảng 15 năm trước họ bắt đầu gầy dựng những kỳ liên hoan guitar. “Hiện tại mỗi năm chỉ riêng Bangkok đã có tới sáu kỳ liên hoan guitar khác nhau, chưa kể các TP như Changmai, Pattaya… Trong đó lớn nhất là Asia International Guitar Festival and Competition đã tổ chức được 14 kỳ thường niên. Từ liên hoan thường xuyên đã gầy dựng được một lớp người chơi guitar, họ cạnh tranh nhau và dần có nhiều người giỏi đoạt giải guitar quốc tế” - nghệ sĩ Thanh Huy nói.
Nghệ sĩ guitar Salvatore Foderà (Ý) trong một buổi workshop tại Liên hoan guitar quốc tế Sài Gòn mùa đầu tiên. Ảnh do ban tổ chức cung cấp
Cơ hội xem các danh thủ biểu diễn
Sau một mùa đầu tiên mò mẫm tổ chức, học hỏi từ Thái Lan và nhiều liên hoan guitar quốc tế khác rồi cũng đã có những thành công nhất định. Ba đêm diễn trong mùa đầu của liên hoan đều cháy vé. Đặc biệt đó là những đêm diễn của các cầm thủ danh giá trên thế giới như: Paul Cesarczyk (Mỹ), Harris Becker (Mỹ), Salvatore Foderà (Ý), Simon Cheong (Malaysia)… mà nếu không có liên hoan guitar thì Việt Nam khó có cơ hội nằm trong lịch trình lưu diễn của các nghệ sĩ này. Sự có mặt của các cầm thủ này ở mùa một đã góp phần bảo chứng cho uy tín của liên hoan mùa hai. Từ đó mà mùa hai đã mời được các nghệ sĩ như Anton Baranov (Nga) người từng đoạt GFA 2013, Jérémy Jouve (Pháp) từng nhận GFA 2003, Kozo Tate (Nhật Bản), Padet Netpakdee (Thái Lan), Rene Izquierdo (Mỹ), Thanh Hằng Nguyễn (Pháp)…
Điều đáng để hy vọng cho tương lai guitar Việt là khi các nghệ sĩ đến liên hoan họ không phải đến chỉ để trình diễn mà còn có các lớp học trao đổi (master class) với các học viên, nghệ sĩ guitar trong nước; các buổi thuyết diễn (lecture recital) và các buổi nói chuyện chuyên đề (workshop) với các nghệ sĩ, học viên và công chúng.
“Các nghệ sĩ đó, xưa nay các bạn chỉ được xem qua các video trên mạng, bây giờ được xem, nghe nói trực tiếp. Và từ những buổi nói chuyện như thế các học viên đang học guitar, giảng viên lẫn nghệ sĩ hiểu được thế giới hiện chơi đàn kỹ thuật như thế nào, chơi nhạc gì… Bởi từ trước đến nay chúng ta chỉ chơi theo lối mòn, tập những kỹ thuật khó mà không nghĩ làm gì hấp dẫn, phong phú hơn… cho tác phẩm trong khi trình độ guitar thế giới đã tiến rất xa” - nghệ sĩ Thanh Huy nói thêm.
Thi sơ khảo liên hoan qua mạng xã hội Liên hoan guitar quốc tế Sài Gòn lần thứ hai diễn ra tại Nhạc viện TP. HCM (112 Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM) từ ngày 11 đến 15-11 với bốn buổi hòa nhạc; 11 buổi master class, workshop… và một buổi các nghệ sĩ khách mời giao lưu với công chúng tại Cà phê thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ. Đây cũng là năm đầu tiên liên hoan có tổ chức một phần thi sơ khảo liên hoan qua mạng xã hội. Từ ba tháng trước, các thí sinh dự thi quay video clip biểu diễn của mình gửi về ban tổ chức (thí sinh chuyên và không chuyên được chia làm hai bảng thi), sau đó các nghệ sĩ quốc tế sẽ chọn lựa những gương mặt trẻ biểu diễn tại liên hoan. “Năm nay chúng tôi chọn được năm gương mặt để trình diễn trong liên hoan ở kỳ thi sơ khảo liên hoan. Nhưng trong các hoạt động chính của liên hoan không có phần thi đấu bởi mặt bằng tài năng guitar hiện tại chúng ta chưa có nhiều gương mặt để thi đấu và nếu mở rộng thi đấu quốc tế thì nghệ sĩ guitar Việt cũng chưa đủ sức thế nên vấn đề thi đấu ở liên hoan sẽ dành lại sau” - nghệ sĩ Thanh Huy nói. |