Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc thai phụ gặp tai nạn thương tâm khi di chuyển trên đường. Các vụ tai nạn đã khiến không ít người càng lo lắng hơn khi tham gia giao thông, đặc biệt trong giai đoạn bầu bí.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề vấn đề này, BS-CKII Huỳnh Thanh Liêm - Trưởng khoa Sanh - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ đã đưa ra một số lời khuyên đối với việc tham gia giao thông của thai phụ:
Tai nạn trong thời kỳ mang thai là một trong những nỗi kinh hoàng đối với các thai phụ và người thân của họ, có thể để lại hậu quả nặng nề hoặc gây lo lắng bất an cho tinh thần thai phụ trong một thời gian dài sau tai nạn.
Như chúng ta đã biết, đặc điểm của các thai phụ trong giai đoạn mang thai là trọng lượng cơ thể tăng lên do tăng cân trong thai kỳ, đặc biệt vào tam cá nguyệt thứ 2 và 3. Bên cạnh đó, trọng lực dồn về phía trước nhiều hơn làm căng cứng cột sống. Điều này khiến cho hệ thống dây chằng và các khớp xương của bà mẹ trở nên lỏng lẻo, yếu ớt.
Do trọng tâm trong cơ thể thay đổi nên thai phụ dễ té ngã hơn bình thường. Thông thường trong những trường hợp này, chủ yếu gây thương tích cho bà mẹ vì thai nhi được bảo vệ một phần nhờ vào nước ối.
Các thai phụ khi đi xa nên có người thân đi cùng. Ảnh: Internet
Chính vì vậy, một số thai phụ gặp nhiều vấn đề khó khăn trong di chuyển, đặc biệt là tham gia giao thông trong điều kiện không đảm bảo. Do đó, các chị em cần chú ý, cẩn trọng gấp đôi trong việc di chuyển vào các tháng cuối của thai kỳ.
Tại Việt Nam, các phương tiện giao thông chủ yếu vẫn là xe máy, đa số các bà bầu dùng xe máy làm phương tiện di chuyển để đi làm, đưa rước con, thậm chí chở hàng buôn bán đôi khi khá cồng kềnh. Điều này rất nguy hiểm, đặc biệt là trong những giờ cao điểm, nguy cơ mất kiểm soát và dễ xảy ra tai nạn.
Do vậy, các thai phụ có thể chuyển qua tham gia giao thông bằng các phương tiện khác như taxi, xe buýt, đi xa thì tàu hỏa hoặc máy bay. Khi đi cần thắt dây an toàn cẩn thận, chọn chỗ ngồi rộng, thoáng, không ngồi gần chỗ đông người đi lên đi xuống thường xuyên như cửa xe và tốt nhất nên có người thân đi cùng.
Dù là đi bộ hoặc dùng các phương tiện khác và có thắt dây an toàn đầy đủ nhưng việc bảo vệ phụ nữ mang thai trong một tai nạn vẫn là một thách thức. Khi tai nạn xảy ra nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ và thai rất cao. Khi té ngã có thể gây va đập trực tiếp lên bụng thai phụ, dẫn đến chuyển dạ sinh non hoặc nhau bong non.
"Mặc dù vậy, không có nghĩa là các thai phụ phải nghỉ ngơi hoàn toàn, không tham gia giao thông hay làm việc. Vận động trong thai kỳ nếu hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các thai phụ mà không tăng nguy cơ gặp tai nạn.
Các thai phụ chỉ cần tránh làm việc nặng, không tập thể dục cường độ cao, tránh di chuyển đến những nơi đông người. Tốt nhất là cần hạn chế tham gia giao thông và dự phòng té ngã. Cần nhất là có một người cùng đồng hành trên đường để xử lý vấn đề bất ngờ xảy ra. Đối với các sản phụ có nhau tiền đạo hoặc có chiều dài kênh cổ tử cung ngắn qua kết quả siêu âm tầm soát độ dài kênh cổ tử cung ngắn, các nhà sản khoa khuyến cáo không nâng các vật nặng hoặc tập thể dục với cường độ cao vì dễ gây chảy máu hoặc sinh non", bác sĩ Liêm nhắn nhủ.