Với khả năng tiếp cận biển và liên kết với các tỉnh, TP lân cận, sông Sài Gòn là nhân tố quan trọng, đủ điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các bến du thuyền hiện đại. Đây là một ngành công nghiệp mới, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Phát triển du thuyền không chỉ mang lại nguồn thu cho TP.HCM mà còn góp phần vào việc thu hút khách du lịch từ khắp nơi đổ về, tạo cơ hội cho nhiều lĩnh vực khác đi lên. Tuy nhiên, môi trường đầu tư ngành công nghiệp này của chúng ta đang gặp nhiều vấn đề cần được nhanh chóng tháo gỡ, nếu không thì cơ hội tỉ đô sẽ vuột khỏi tầm tay.
Ba nút thắt khiến doanh nghiệp đóng tàu chật vật
Việt Nam (VN) có một vị trí tuyệt vời để trở thành trung tâm hàng hải quốc tế, phát triển mạnh tàu bè và du thuyền giải trí. Những năm gần đây, một số công ty đóng tàu nổi danh trên thế giới như Corsair Marine, Yanmar, Yamaha… đã đến đặt nhà máy sản xuất ở VN. Lý do là chúng ta có nguồn nhân lực tay nghề cao, vị trí địa lý thuận lợi và đường bờ biển dài hơn 3.000 km tuyệt đẹp, rất thích hợp để phát triển ngành đóng tàu.
Theo Bộ GTVT, du thuyền là một loại phương tiện thủy đã được sản xuất và đưa vào khai thác từ lâu ở nhiều nước trên thế giới, phục vụ hoạt động du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển, ven biển, hồ, đầm, vịnh… Theo quy định của pháp luật VN, du thuyền có thể đăng ký theo quy định là tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa và chịu sự quản lý của Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa hoặc Sở GTVT tương ứng với hình thức đăng ký.
Tuy nhiên, sự chuyển dịch này không phải dễ dàng và vướng mắc đầu tiên chính là nhà xưởng. Ông Richard Ward, CEO Công ty TNHH Corsair Marine International, cho biết VN thiếu các mặt bằng đất đai có mặt nước được dành để làm kho, xưởng đóng tàu. Đây là khó khăn lớn và rất khó giải quyết. Corsair Marine là hãng du thuyền ba thân danh tiếng đã chuyển cơ sở sản xuất từ San Diego, Mỹ đến hoạt động tại TP.HCM vào năm 2007.
“Năm 2011, Seawind Group Holdings (công ty đóng tàu hàng đầu của Úc) mua lại Corsair Marine. Từ năm 2012, Seawind di chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất của mình sang VN. Khoảng 95% sản phẩm của Corsair Marine xuất khẩu dưới dạng du thuyền hoàn chỉnh” - ông Richard Ward nói về hành trình đóng du thuyền của công ty tại VN.
Đơn hàng của công ty này đã kín đến năm 2029. Khách hàng tăng vọt, đẩy nhu cầu mở rộng sản xuất lên cao. Công ty đã dự đoán được tình hình và đi “săn đất” từ lâu nhưng sau sáu năm vẫn chưa tìm được. Không thể chờ đợi thêm, giữa năm 2023, công ty đã quyết định chuyển hướng mở nhà máy sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Vướng mắc thứ hai là vấn đề giao - nhận, thử thuyền buồm tại VN. Đại diện một hãng du thuyền nêu thực trạng khách hàng thường muốn đến nhà máy ở VN nhận thuyền rồi giong thẳng ra biển về nước. Tuy nhiên, quy định đối với thuyền buồm còn vướng mắc nên công ty đành hẹn khách nhận thuyền tại biển Pattaya (Thái Lan).
Một nữ doanh nhân kinh doanh du thuyền đánh giá sức hút của sông Sài Gòn là rất lớn. Thời điểm kinh tế sôi động, du thuyền của các đại gia chạy hết công suất trên sông. Đặc biệt, Việt kiều rất thích du thuyền. Trong thời gian lưu trú khá lâu ở VN, họ muốn đem du thuyền về nước để giải trí nhưng không đơn giản do thủ tục đăng kiểm, nhập cảnh hiện khá phức tạp.
Khó khăn thứ ba là điểm nhạy cảm nhất chính là vấn đề đăng kiểm. Đại diện một hãng du thuyền nước ngoài có nhà máy sản xuất tại TP.HCM cho biết: “Khách hàng đặt một du thuyền hạng sang phục vụ dự án tại Nha Trang. Tàu hoàn thành 100% nhưng lại “đứng hình” vì không thể đăng kiểm. Thời điểm đó có nhiều vụ tiêu cực trong ngành đăng kiểm nên mọi việc trì trệ, sau đó chúng tôi được biết hồ sơ đã… thất lạc”.
Sau đó, dù làm lại hồ sơ nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thể đăng kiểm được con tàu sau hơn nửa năm. Không chỉ tàu thuyền sản xuất trong nước mà hàng loạt tàu thuyền nhập khẩu cũng bị tắc do xếp hàng chờ đăng kiểm.
Một số hãng tàu chỉ sản xuất tại VN rồi đóng đi nước ngoài chứ không bán trong nước hay giao hàng tại VN được. Thực tế, khách hàng đến VN nhận du thuyền là cơ hội quảng bá cực kỳ tốt cho ngành công nghiệp đóng tàu và cả du lịch, mua sắm nhưng vì nhiều vướng mắc mà chúng ta mất cơ hội.
Không có bến đậu, thiếu cơ chế quản lý phương tiện
Sông Sài Gòn ôm trọn TP.HCM với chiều dài khoảng 80 km. Khu vực bến Bạch Đằng - Thủ Thiêm - Thanh Đa - Bình Quới được ví như viên ngọc trong lòng TP. Địa thế thuận lợi như vậy khiến những nhà làm du lịch phải thốt lên: Có phương tiện, có bến tàu thuận lợi chắc chắn sẽ thu hút du khách quốc tế trên trục đường biển Singapore - Hong Kong.
Ông Lưu Văn Đức, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đóng tàu Lưu Gia, nhận xét: “Còn dư địa rất lớn để phát triển ngành du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn. Với bờ sông trải dài, chúng ta không chỉ phát triển công nghiệp đóng tàu thuyền, giải quyết việc làm mà còn thúc đẩy được phát triển du lịch sông nước, hậu cần sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ ẩm thực… Đây đều là những lĩnh vực mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Từ đó kích thích phát triển kinh tế ven bờ với các điểm neo đậu, tham quan, mua sắm, giải trí, thể thao...”.
Vấn đề là làm sao để hướng người dân hứng thú với hoạt động trên sông nước thay vì chỉ tập trung không gian trên bộ vốn chật hẹp, ùn tắc. Theo ông Đức, thực tế nhu cầu của người dân đối với du thuyền các năm qua đều tăng nhưng TP lại thiếu bến đậu. Việc thiếu bến đậu dẫn đến chi phí gửi tàu thuyền tăng cao. Từ đó, ông cho rằng TP cần có cơ chế cởi mở để phát triển bến đậu cho cả nội địa và du khách quốc tế đến VN. Đây là nguồn khách hàng có mức chi tiêu cao, giá trị quảng bá du lịch cũng rất tốt.
“Không ít khách hàng hào hứng đặt đóng du thuyền nhưng khi hỏi đến thủ tục bến đậu, thấy quá nhiêu khê, họ đành bỏ cuộc chơi” - ông Đức nêu thực tế.
Một số hãng tàu thuyền cũng phàn nàn các cơ sở neo đậu hiện có tại TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu không đạt tiêu chuẩn, nguy hiểm cho cả tàu thuyền và thủy thủ đoàn.
CEO Corsair Marine International Richard Ward nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng để VN, đặc biệt là TP.HCM phát triển ngành du thuyền, xây dựng trung tâm hàng hải tiếp nhận giới chơi du thuyền trong nước và nước ngoài. Theo ông Richard Ward, nhiều khách hàng từ các châu lục, trên hải trình di chuyển muốn đem du thuyền đến nhà máy sản xuất ở VN để bảo dưỡng, sửa chữa nhưng lại không có bến đậu đáp ứng nhu cầu. Ông Richard Ward nhận định tiềm năng lớn nhưng khai thác không đúng tầm đã gây ra sự lãng phí đáng tiếc.
Mới đây, Câu lạc bộ (CLB) Du thuyền TP Thủ Đức đã có chuyến du khảo sông Sài Gòn để tìm hướng khai mở cho bến đậu, nhà máy bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền. Trên du thuyền, ông Phạm Văn Việt, Chủ nhiệm CLB Du thuyền TP Thủ Đức, phải công nhận: “Dòng sông quá đẹp, cần có những bến đậu xứng tầm để dân chơi du thuyền các nơi đổ về”.
Thực tế là chúng ta đã có một số bến đậu du thuyền nhưng chưa đáp ứng đúng và đủ nhu cầu. Lý do là các bến này mới chỉ phục vụ khách hàng trong nước, chưa có bến cho du thuyền nước ngoài cập bến, lưu lại giải trí thời gian dài.
Hiện nay, VN chưa có quy định rõ ràng về quản lý và sản xuất thuyền buồm. Chúng ta đã có quy phạm dành cho phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước. Trong đó, quy định phương tiện chở dưới năm người được xem là giải trí. Khi có phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước và có vùng hoạt động vui chơi sẽ được đăng kiểm, cấp phép bình thường. Tuy nhiên, với các loại tàu thuyền thương mại như thuyền buồm thể thao, du lịch thì phải có những quy định khác điều chỉnh.
Giữ vị trí tuyến giao thông thủy huyết mạch, khả năng tiếp cận biển và liên kết với các tỉnh, TP lân cận, sông Sài Gòn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống bến du thuyền hiện đại. Đây là một hướng đi phù hợp với thời đại và có khả năng phát triển mạnh trong tương lai.
Sẵn sàng nguồn lực cho cơ hội tỉ đô
Các chuyên gia hàng hải, nhà sản xuất du thuyền chia sẻ họ cảm thấy đáng tiếc khi các trung tâm hàng hải lớn của châu Á có mặt ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc mà lại không có VN.
Mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kéo theo tầng lớp trung lưu trở lên ở VN ngày càng nhiều. Thế nhưng tàu thuyền giải trí lại chưa phổ biến dù đã bắt đầu xuất hiện các tàu thuyền được nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, người lao động VN được đánh giá là có kỹ năng, tay nghề cao. Đội ngũ sản xuất trong nước đã làm ra những du thuyền sang trọng xuất khẩu được sang châu Âu, Mỹ, Úc.
Từ kinh nghiệm của các nước, lãnh đạo Công ty Đóng tàu Vina Yatch nhận định để ngành đóng tàu VN vươn ra biển lớn, cần phải đẩy mạnh hạ tầng gồm bến đậu, đa điểm đến, đem lại tiện ích cho người sử dụng phương tiện. Vị lãnh đạo dẫn chứng một số nước như Thái Lan, Hà Lan. tàu thuyền có thể cập bến ngay trước nhà, rất linh hoạt để di chuyển.
Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan đến đầu tư bến đậu, sản xuất tàu thuyền hiện do nhiều cơ quan quản lý như đăng kiểm, du lịch, giao thông, quy hoạch… Cần có cơ chế liên thông giữa các cơ quan để nhà đầu tư không mất nhiều thời gian cho khâu thủ tục.
Khách hàng mua tàu thuyền thường là những người giàu có và họ muốn tận hưởng việc lái tàu thuyền mới của mình để du ngoạn VN. Họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho du lịch. Đây là một cơ hội tốt để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, ngành công nghiệp du thuyền, điểm đến lý tưởng trên hành trình quốc tế. Khi có hạ tầng tốt, thủ tục đầu tư, thông thoáng thì sẽ gỡ được rất nhiều vướng mắc, doanh nghiệp yên tâm xuống tiền đầu tư còn khách hàng nội địa, quốc tế cũng sẽ tự nhiên tìm tới.
“Ngành công nghiệp đóng tàu hạng sang sẽ là cơ hội để VN thể hiện cho thế giới thấy tay nghề, kỹ thuật cao cũng như nguồn nhân lực trong nước hoàn toàn đáp ứng được dòng sản phẩm cao cấp. Khả năng thu về nguồn ngoại tệ từ du thuyền là không thể đo đếm được” - ông Richard Ward khơi gợi.•
Nâng chất du lịch đường thủy để thúc đẩy ngành du thuyền
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM đánh giá TP có lợi thế về một mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với hơn 100 tuyến và khoảng 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy.
Một hạn chế lớn được sở này chỉ ra là chưa có cơ chế về giao, cho thuê đất để xây dựng bến thủy nội địa, số lượng du khách đường thủy chưa cao, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu dịch vụ bổ trợ. Bên cạnh đó, du lịch biển chưa có nhiều dịch vụ bổ sung, thời gian lưu trú ngắn.
Để kích thích du lịch tuyến sông phát triển, trong năm 2023 ngành đã bổ sung dịch vụ vui chơi, giải trí mặt nước như chèo thuyền, hoạt động văn hóa sông nước...
Giai đoạn 2024-2025 sẽ nâng cấp bến thủy nội địa, làm mới tuyến du lịch nội đô. Đồng thời hình thành các tuyến du lịch mới như tuyến Bình Chánh (làng mai…), Bình Lợi, quận 12, quận Gò Vấp...
Về lộ trình quy hoạch bến thủy nội địa, Sở Du lịch kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở QH-KT với vai trò triển khai thực hiện đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045” chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tích hợp các nội dung liên quan đến phát triển du lịch đường thủy, triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đã được TP phê duyệt. Đồng thời, báo cáo và tham mưu các nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng hạ tầng xanh, phục vụ phát triển du lịch đường thủy.
Ông TRẦN VĂN AN, CEO Công ty CP Mekong Herbals:
Chi phí gửi du thuyền quá cao
Chúng tôi có dự án nông nghiệp tại huyện Củ Chi, cần sắm du thuyền hạng trung để phục vụ khách hàng. Nhiều lần đặt đóng du thuyền trong nước vì phù hợp với năng lực tài chính nhưng oái oăm là du thuyền dễ sắm, còn bến đậu thì trần ai, nhiều nơi lắc đầu do bến đậu chưa có giấy phép. Một số nơi khác thì đưa ra giá rất cao.
Sông Sài Gòn đi qua nhiều quận, huyện có nhiều điểm lý tưởng để phát triển bến thủy. Nếu có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia theo hình thức đối tác công tư thì điều này sẽ trong tầm tay. Từ đó phát triển cả các dịch vụ đi kèm như ăn uống, giải trí, bảo dưỡng tàu thuyền phát triển song hành. Đặc biệt, tuyến sông Sài Gòn kết nối với Bình Dương, Đồng Nai sẽ mở ra đa điểm đến, không gian rộng lớn, phát triển du lịch tầm xa.
Ông NGUYỄN HỮU ÂN, Phó Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch Sở Du lịch TP.HCM:
Cần sự thống nhất, đồng bộ liên ngành
TP.HCM có lợi thế về một mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, có hơn 100 tuyến với tổng chiều dài 913 km.
Tuy nhiên, để phát huy lợi thế đòi hỏi phải có các bến tàu, cảng đủ tiêu chuẩn cho nhiều loại tàu. Cần mở rộng quy định, thông thoáng cho doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư bến bãi. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ của các ngành liên quan như GTVT, QH-KT, TN&MT… để có hướng đi đồng bộ đảm bảo quy hoạch, bảo vệ môi trường nước, tính toán độ tĩnh không của các cầu để quy hoạch lộ trình cho các loại tàu, không cản trở việc di chuyển trên sông.
Bên cạnh đó, cần đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch như tầm ngắn, tầm trung, tầm xa qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến và ngay trên phương tiện thủy.
Ông ĐẶNG TIẾN DŨNG, Chủ tịch Vina Yatch:
Tiệm cận công nghệ đóng tàu thế giới
Tay nghề của kỹ sư, công nhân Việt Nam (VN) đủ khả năng làm ra những chiếc thuyền sang trọng, xuất khẩu đi nước ngoài. Nhiều nước phát triển đã đi trước về công nghệ đóng tàu nhưng VN cũng đang nhanh chóng tiệm cận với thế giới. Sản phẩm tàu thuyền trong nước sản xuất có thế mạnh cạnh tranh về giá cả do lợi thế về công nhân.
Một số khách hàng còn có tâm lý du thuyền nhập khẩu mới sang, mới đẳng cấp. Du thuyền VN vẫn chưa ra biển lớn còn do cách tiếp cận với khách hàng, quảng bá thương hiệu chưa được tốt.
Ông NGUYỄN TRẦN HỮU THẮNG, CEO Công ty CP Hàng hải Thủ Đức:
Phát triển ứng dụng Green Water Taxi
Dự án Green Water Taxi trong đề án kinh tế ven sông khá thú vị, vừa làm giảm áp lực giao thông đường bộ vừa góp phần phát triển du lịch đường thủy. Dịch vụ này cung cấp phương tiện vận chuyển hiệu quả, thuận tiện và thân thiện với môi trường. Đề án sẽ kết nối các TP có sông, tạo ra một mạng lưới taxi đường thủy và phát triển ứng dụng để gọi Green Water Taxi.
Việc phát triển taxi trên sông Sài Gòn chạy bằng điện và năng lượng mặt trời mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, bao gồm kinh tế, môi trường và xã hội, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Việc sử dụng năng lượng mặt trời giúp giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống và hỗ trợ trong việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo.