Gốc cây cao su gợi nhắc về một vĩ nhân - bác sĩ Yersin

(PLO)- Con đường vào viếng mộ Yersin tĩnh lặng và bình yên. Trên con đường đó có một cung đường gợi nhắc tên tuổi và công lao của bậc vĩ nhân, bởi vì trên đó có di tích hai hàng cây cao su. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên con đường dẫn vào khu mộ bác sĩ Alexandre Yersin (1863 – 1943), có một cung đường còn khá nhiều cây cao su cao niên, trong đó có một gốc cây còn sót lại từ một cổ thụ đã chết.

Nhìn gốc cây cao su u sần đó, so với những cây đang sống, có thể đoán đó là dấu tích của một trong những cây cao tuổi nhất còn tồn tại đến nay. Vì thế, nó gợi nhắc về bậc vĩ nhân Yersin.

Gốc cây cao su u sần, dấu tích của con đường ghi dấu chân vĩ nhân. Ảnh: CDT

Gốc cây cao su u sần, dấu tích của con đường ghi dấu chân vĩ nhân. Ảnh: CDT

Con đường dẫn vào khu mộ bác sĩ Yersin thuộc Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (trên địa phận huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hoà), tiền thân là Trại chăn nuôi Suối Dầu do bác sĩ Yersin thành lập, đặt nền móng cho ngành thú y Đông Dương.

Đây là nơi bác sĩ nuôi ngựa, trâu, bò, lừa, thỏ, chuột,… để sản xuất huyết thanh trị bệnh, trong đó phải kể đến việc đặc trị bệnh dịch hạch mà chính ông là người có công phát hiện vi khuẩn dịch hạch – vi khuẩn Yersinia Pestis (vi khuẩn được đặt theo tên ông).

Nơi bác sĩ Yersin yên giấc ngàn thu. Ảnh: CDT

Nơi bác sĩ Yersin yên giấc ngàn thu. Ảnh: CDT

Để có kinh phí phục vụ khoa học, Yersin đã nhập cây cao su về trồng tại Suối Dầu. Ngoài cây cao su, ông còn có công di thực nhiều loại cây khác nữa (như cây canh-ki-na, cà phê, trà, ca cao,…) nhưng cao su vẫn là loài cây chính yếu mang lại lợi nhuận kinh tế để phục vụ cho y khoa và hoạt động nhân đạo. Ở ông, tinh thần tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng, nghiên cứu và kinh doanh luôn song hành. Đó chính là sự vĩ đại của một nhà phát minh - nhà khoa học tôn trọng thực chứng.

Yersin đã đặt chân lên mảnh đất Nha Trang – Khánh Hoà năm 1891. Năm 1895, ông thành lập Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu. Hai năm sau, năm 1897, Yersin cho nhập cây cao su về trồng thí nghiệm tại Suối Dầu. Vì vậy, những gốc cây cao su cổ còn lại đến nay có thể đã tồn tại trên trăm năm. Hiện nay, quanh ngôi mộ, nơi ông yên nghỉ nghìn thu là cả một vườn cao su, che bóng mát cho ngôi mộ giản dị, nhắc cho hậu thế nhớ công lao của một công dân danh dự đã cống hiến trọn đời cho khoa học và sự phát triển của một xứ sở bấy giờ còn nghèo khó.

Cây cao su gần ngôi mộ Yersin. Ảnh: CDT

Cây cao su gần ngôi mộ Yersin. Ảnh: CDT

Con đường vào viếng mộ Yersin tĩnh lặng và bình yên. Trên con đường đó có một cung đường gợi nhắc tên tuổi và công lao của bậc vĩ nhân, bởi vì trên đó có di tích hai hàng cây cao su. Giữa những cây cao su xanh tốt, có một gốc cây sần sùi từ một cây đã mục, đã đổ ngang thân. Gốc cây cao su ấy tự nó mang thông điệp về quy luật thời gian. Thời gian sẽ làm cho những giá trị vật chất không còn nữa nhưng những giá trị tinh thần đích thực thì vẫn bất tử. Bác sĩ Yersin không còn nữa nhưng sự vĩ đại của ông thì nhân loại nhắc nhở mãi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm