Đội tuyển Malaysia tại AFF Cup 2018 này vẫn còn hỏa lực rất mạnh. Đó là Talaha, cầu thủ đã ghi ba bàn ở AFF Cup 2018; ngoại binh nhập tịch Mohamedou Sumareh (Gambia); tiền vệ tấn công Safawi Rasid và tiền đạo đội trưởng Zaquan.
Trong bốn cá nhân này vẫn chưa thấy họ ăn ý nhau như kiểu bộ ba Talaha, Safiq, Safee từng làm khốn khổ hàng thủ Việt Nam 8-9 năm trước nhưng đó là nguồn hỏa lực rất mạnh của đội tuyển Malaysia trong cuộc đối đầu với tuyển Việt Nam tối 16-11. Mỗi cá nhân trong bốn cầu thủ này có thể độc lập tác chiến và ghi bàn. Riêng lão tướng Talaha thì thường nhận được những đường chuyền tinh tế từ đội trưởng Zaquan để ăn bàn kiểu một chạm.
Nhìn cách ghi bàn của Talaha ở AFF Cup này khác xa hồi AFF Cup 2010. ở AFF Cup 2010, Talaha có tốc độ cao, khỏe, tì đè tốt và mạnh dạn rê dắt, đi bóng xoay trở để ăn bàn. Còn bây giờ khi đã sang tuổi “băm”, Talaha đá theo cách khác. Anh thường di chuyển trong khu 16,50 m, chọn vị trí, chọn điểm rơi để ăn bàn theo kiểu một chạm. Ba bàn thắng của Talaha vào lưới Campuchia (một bàn) và Lào (hai bàn) đều là những bàn thắng một chạm thể hiện sự khôn ngoan và từng trải của một cầu thủ lớn tuổi biết tận dụng thời khắc quyết định.
Dàn hỏa lực Malaysia chuẩn bị làm khách trên sân Mỹ Đình. Ảnh: NGỌC DUNG
Đây sẽ là một tiền đạo khó lường cho hàng phòng ngự Việt Nam, nhất là Talaha thoắt ẩn thoắt hiện và thường bất ngờ xuất hiện từ sau hậu vệ rồi cắt mặt tận dụng khoảng trống để ăn bàn.
Hỏa lực Malaysia còn đến từ tuyến giữa, nơi có Sumareh và Safawi. Đây là hai cầu thủ có khả năng tác chiến độc lập và ăn bàn rất cao nhờ sức mạnh, sức bật và kỹ thuật.
Sumareh chơi tiền vệ biên, một vị trí như kiểu Văn Quyết của tuyển Việt Nam. Anh thường từ cánh cầm bóng đâm chéo vào cầu môn hoặc vào sát vùng cấm rồi dọn cỗ cho đồng đội ăn bàn. Trong khi đó, cầu thủ trẻ Safawi dù chơi ở giữa nhưng không phải là mẫu tiền vệ nhạc trưởng mà chỉ là tiền vệ tấn công và mang chức năng ghi bàn.
Trong màu áo U-23 và Olympic Malaysia, Safawi rất hay ghi bàn nhưng qua hai trận ở AFF Cup 2018 này, Safawi vẫn chưa “nhả đạn”. Tuy nhiên, đây là mẫu cầu thủ hoạt động dẻo dai không mệt mỏi và có những cú sút xa uy lực.
Trong khi đó đội trưởng Zaquan lại giỏi đột phá dọc sườn lẫn tận dụng vào “khe” của trung vệ và hậu vệ cánh. Zaquan dù tuổi đã trên 30 nhưng tốc độ và sự tinh tế vẫn rất cao, kỹ thuật đi bóng rất khó chịu và khó lường.
Nếu để Zaquan cầm bóng phối hợp với Talaha thì rất nguy hiểm.
Thầy trò HLV Park Hang-seo muốn thực hiện được việc đánh bại Malaysia thì trước mắt phải vô hiệu hóa “dàn hỏa lực” mạnh của Malaysia rồi mới tính đến chuyện ghi bàn vào lưới đối thủ.
Malaysia chưa “nóng máy” Malaysia dù đã thi đấu hai trận và “rửa nòng” với bốn bàn thắng nhưng vẫn chưa cho thấy sự bắt nhịp. Theo giới chuyên môn thì họ vẫn còn xoay trở chậm và đặc biệt là để lỗi vị trí dù hai trận qua họ gặp những đối thủ không mạnh. Malaysia có thể hình đẹp, “dày cơm” nhưng cũng chưa cho thấy lối chơi dựa nhiều vào sức mạnh như hồi AFF Cup 2010 họ từng thắng thầy trò HLV Calisto bằng lối chơi giàu sức mạnh và tiểu xảo. Lịch sử với hai lần đăng quang của Malaysia tại SEA Games 2009 và AFF Cup 2010 đều cho thấy họ bắt nhịp rất chậm nhưng càng vào sâu họ càng thể hiện lối chơi tập thể và giàu sức mạnh lẫn giàu tinh thần chiến đấu. Đ.TRƯỜNG |