Góp ý chương trình phổ thông mới: Môn lịch sử sẽ… biến mất?

Góp ý chương trình phổ thông mới: Môn lịch sử sẽ… biến mất? ảnh 1
 

Pháp Luật TP.HCMtiếp tục giới thiệu ý kiến của Tiến sĩ giáo dụcLê Vinh Quốc góp ý Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mà bộ GD – ĐT đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi.

Sai lầm khi tách dạy nghề khỏi phổ thông

Kiểu chương trình học được thể hiện trong bản dự thảo này cũng có những vấn đề cần xem xét. Khoa học giáo dục hiện đại đã chỉ rõ ba kiểu đang được áp dụng trên thế giới là chương trình học đồng nhất (uniform curriculum), chương trình phân ban (divisional curriculum) và chương trình tự chọn (elective curriculum). Chương trình THPT dự thảo lần này cũng không vượt khỏi giới hạn của ba kiểu chương trình trên.

Ở bậc tiểu học và THCS vẫn áp dụng chương trình đồng nhất (có thêm chút ít nội dung tự chọn) nên không có nhiều vấn đề phải bàn. Đáng lưu ý là chương trình THPT được thiết kế theo kiểu chương trình tự chọn của Hoa Kỳ (nhưng có nhiều bất cập) và có thêm sự lẫn lộn với chương trình phân ban đã thất bại ở Việt Nam trong thời gian qua. Chương trình dự thảo này vẫn giữ nguyên quan niệm sai lầm xưa cũ là tách rời dạy nghề ra khỏi GDPT và giáo dục ĐH nên bộ môn “công nghệ” trong chương trình chỉ là để định hướng nghề nghiệp, mà lẽ ra - như chương trình của các nước tiên tiến - đó phải là những môn dạy nghề để HS có thể hành nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

Môn Lịch sử sẽ đứng ở đâu?

Cách tích hợp các môn trong hai lĩnh vực khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (văn, sử, địa) để HS chọn học (như chương trình phân ban đã sụp đổ) dẫn tới những sai lầm khi xác định các môn bắt buộc (cốt lõi) với các môn tự chọn. Một thí dụ để so sánh: Chương trình tự chọn của Hoa Kỳ tích hợp lịch sử với giáo dục công dân thành bộ môn tìm hiểu xã hội (social study) và coi đây là môn cơ bản, đồng thời là cốt lõi nên bắt buộc toàn thể HS phải học. Còn cách tích hợp và phân loại trong chương trình dự thảo của Bộ sẽ biến lịch sử thành môn tự chọn (mà rất ít người chọn!) khiến môn cơ bản này có khả năng biến mất trong chương trình học. Cách tích hợp đó làm nảy sinh hai môn hỗn hợp từ nhiều môn: Môn khoa học tự nhiên và môn khoa học xã hội. Đây là những môn tích hợp thiếu cơ sở khoa học và giáo viên cũng không đủ khả năng để tiến hành giảng dạy. Tương tự như vậy, việc tách hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật ra khỏi các môn học truyền thống sẽ đặt ra vấn đề: Ai sẽ dạy các hoạt động này và dạy như thế nào (đội ngũ giáo viên hiện có chỉ quen với các môn học truyền thống; còn các trường sư phạm hiện hành không đào tạo giáo viên dạy các môn mới lạ này).

Bên cạnh đó việc xác định bốn môn học bắt buộc trong chương trình THPT đã giảm bớt số bộ môn mà HS phải học nhưng chỉ có tác dụng tích cực trong việc luyện thi tuyển sinh ĐH-CĐ, mà chưa chắc đã đủ để đáp ứng mục tiêu GDPT về phát triển nhân cách con người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm