GS Hồ Ngọc Đại tặng bản quyền SGK cho nhà nước và nhân dân Việt Nam

(PLO)- Sáng 23-9, Công ty TNHH phát hành sách Anbooks tổ chức lễ ra mắt và giao lưu về cuốn sách Giáo dục hiện đại của GS Hồ Ngọc Đại.

Video: GS Hồ Ngọc Đại tặng bản quyền SGK cho nhà nước và nhân dân Việt Nam

Sách là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm về hành trình nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển công nghệ giáo dục của ông, mà mỗi thầy cô có thể áp dụng vào giảng dạy học sinh.

d2.jpg
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ tại lễ ra mắt sách.

Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, GS Hồ Ngọc Đại kể ông vinh dự được nhà nước cử đi du học học ngành Tâm lý học tại Trường Đại học tổng hợp Lomonosov (Liên Xô cũ) vào năm 1968.

Trong quá trình học tập, ông có thời gian đọc kỹ các tác phẩm triết học của Marx, Hegel, Kant, Platon và ấn tượng với triết lý của Marx về vai trò xã hội trong quá trình hình thành và phát triển của cá nhân.

Năm 1976, ông hoàn thành luận văn Tiến sĩ khoa học về "Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học cho học sinh cấp 1".

Về nước, GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục nghiên cứu vấn đề "xây dựng xã hội công bằng, hòa bình, nơi mà tri thức và đạo đức đóng vai trò quan trọng" trong triết học Khổng Tử.

Sở dĩ nói đến triết học Đông Tây bởi vấn đề triết học là cơ sở vững chắc và không thể thiếu trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục chiếm dung lượng lớn trong suốt 153 trang sách đầu tiên.

Theo GS Hồ Ngọc Đại, sự giao thoa giữa triết học của Khổng Tử và Marx có thể rút ra một số kinh nghiệm quan trọng để phát triển con người, đồng thời cải thiện xã hội. Từ việc đúc kết giá trị đạo đức và xây dựng một xã hội công bằng, giáo dục hiện đại có thể thúc đẩy sự phát triển cá nhân học sinh, mà đặc trưng nhất là "giúp cho mỗi em trở thành chính mình".

d1.jpg
Cuốn sách khổ 11x18 cm, dày 309 trang là những chia sẻ chân thành, sâu sắc và đầy cảm xúc từ một người thầy.

"Quan điểm của tôi về triết học và tâm lý học cho rằng: Trẻ em là một thực thể độc lập. Mỗi một em tự trở thành chính mình. Phụ huynh hay so bì học lực của con mình với con người khác, như thế là sai lầm. Mỗi em có một cá tính riêng và môi trường phát triển hoàn toàn khác biệt nên không ai giống ai" - GS Hồ Ngọc Đại nói.

Phần thứ 2 của cuốn Giáo dục hiện đại, GS Hồ Ngọc Đại đề cao vai trò của người thầy là yếu tố không thể thiếu trong môi trường học tập với quan niệm "Thầy thiết kế/Trò thi công".

d7-1101-7894.jpg
Theo GS Hồ Ngọc Đại, giáo dục là một quá trình hai chiều, mà vai trò của thầy giáo và học sinh đều đóng góp vào sự phát triển toàn diện của nhau.

"Thầy thiết kế/Trò thi công" là nguyên lý cơ bản của nghiệp vụ sư phạm hiện đại. Trong đó người thầy có nhiệm vụ thiết kế chương trình sách giáo khoa, thiết kế từng việc làm cho học sinh trong giờ học. Học sinh sau khi tiếp nhận khung mà thầy đã thiết kế sẽ tiến hành tự làm ra sản phẩm giáo dục cho mình, vì mình.

"Thầy Khổng Tử đã để lại công thức được xem là 'di sản' mà nước ta vẫn còn ảnh hưởng, đó là: Thầy giảng bài - Trò ghi nhớ. Ngày nay, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cần có cái mới đó là: Thầy thiết kế - Trò thi công. Đổi mới như vậy thì người thầy giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người đồng hành, động viên học sinh trong khám phá và phát triển bản thân" - GS Hồ Ngọc Đại tâm niệm.

Những điều GS Hồ Ngọc Đại ghi chép trong Giáo dục hiện đại tưởng chừng như mơ hồ, khó thực hiện, nhất là quan niệm "Thầy thiết kế - Trò thi công", tuy nhiên tất cả đã được kiểm chứng từ khi ông thành lập Trường Thực nghiệm tại phố Liễu Giai (Hà Nội) với mô hình Công nghệ giáo dục.

Đến nay đã gần 90 tuổi, GS Hồ Ngọc Đại và Công nghệ giáo dục vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi, người ủng hộ nhiều, người phản đối cũng không ít. Và chắc chắn, cuốn sách vừa ra đời mới đây sẽ gây ít nhiều dư luận về tính thực tiễn.

Trả lời cho câu hỏi: "Đến bao giờ Giáo dục hiện đại của thầy sẽ quay trở lại, sẽ phát triển rực rỡ như những năm đầu?" - GS Hồ Ngọc Đại trả lời: "Không chỉ riêng cuốn sách mới phát hành sẽ có ít nhiều ý kiến mà ngay cả mô hình công nghệ giáo dục của tôi từ khi triển khai đã vấp nhiều lời ra tiếng vào. Tuy nhiên, điều gì cũng cần có thời gian để mọi người hiểu rõ và chấp nhận cái mới.

Kể như bố vợ tôi là Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng cho rằng mô hình mà tôi triển khai rất mới mẻ, đi ngược với xã hội nên cần vài chục năm mới có thể chấp nhận được" - ông bày tỏ.

d4-1207-1662.jpg
Khách mời đặt câu hỏi tại lễ ra mắt sách.

Tâm sự về quãng thời gian đã 45 năm trôi qua của công nghệ giáo dục, có lúc gặt hái được nhiều thành công, nhưng có lúc đối mặt với chỉ trích và từng có thời điểm bị phản bác khi GS Hồ Ngọc Đại đem ra hội đồng biên soạn sách giáo khoa, ông vẫn rất tin tưởng vào mô hình này. Đến một ngày không xa, khi xã hội phát triển, đời sống nâng cao, người dân sẽ thay đổi cái nhìn về giáo dục đổi mới của ông, lúc đó vẫn chưa muộn. Vì giáo dục và làm giáo dục cần thời gian để thẩm thấu, thay đổi.

"Nền giáo dục của chúng ta như ở bên này sông, còn nền giáo dục hiện đại như ở bên kia sông. Nếu chúng ta muốn vượt sông thì phải đi qua cây cầu Công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại" - ôpng dõng dạc nói.

Nhân dịp ra mắt sách và kỷ niệm 45 năm hành trình nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển công nghệ giáo dục, ông dành tặng toàn bộ bản quyền SGK Tiếng Việt 1 cho nhà nước và dân tộc Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm