Ngày 15-9, Sở TT & TT TP. HCM phối hợp cùng Cục Xuất bản, in và Phát hành, Hội xuất bản Việt Nam tổ chức Chương trình Hội thảo quốc tế Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng.
Đây là dịp để ngành xuất bản Việt Nam cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp nhằm tạo kết quả hiện hữu, thiết thực trong việc bảo vệ bản quyền sách nói chung, bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng nói riêng.
Tham dự Hội nghị lần này có sự tham gia của các đại biểu đại diện Hội Xuất bản thuộc Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Campuchia, Philippin…, các đại biểu đại diện cơ quan xuất bản, tổ chức Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng tham gia và trao đổi sôi nổi về vấn đề bản quyền.
Vi phạm bản quyền sách còn phức tạp
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản Việt Nam cho biết tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp.
Các giải pháp của các cơ quan chính phủ, của các Hội và của chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng.
"Trong lĩnh vực xuất bản, hành vi vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng hiện có 3 hình thức phổ biến như bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội phổ biến.
Sử dụng các website, ứng dụng (app) OTT được cấp phép, các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài, các app OTT lậu được chia sẻ trên internet, các mạng xã hội phổ biến... để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn ) và lợi dụng công nghệ số, nhất là công nghệ AI để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan" - ông Nguyên cho hay .
Theo đó, với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và các hình thức truyền thông, thương mại điện tử đã đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bản quyền trên không gian mạng.
"Với sự xuất hiện và phát triển của thời đại kỹ thuật số, trên không gian mạng đã vô tình là môi trường trung gian tiếp tay cho các hành vi xâm phạm bản quyền sách diễn ra phổ biến và dễ dàng hơn. Điều này đã gây ra những thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ bản quyền sách" – bà Oanh cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty sách Thaihabooks ghi nhận tình hình vi phạm bản quyền sách trên mạng từ năm 2019 đến nay đã gia tăng đáng kể. Về sách giấy, cuối năm 2019, hơn 80 quyển sách nhiều thể loại đã được đọc, ghi âm và sản xuất thành audio book bất hợp pháp, sau đó chép vào 1 chiếc USB và phát hành công khai đến bạn đọc... Sau đó được các fanpage trên Facebook rao bán. Bên cạnh đó, những sách điện tử của Thái Hà cũng bị đánh cắp bản quyền trắng trợn, chia sẻ công khai trên mạng.
"Năm 2011 - 2012, có một số cuốn sách của công ty bị sao chép trên mạng qua việc phát tán bản scan, file PDF; nhưng đến nay 70% sách điện tử của Thaihabooks phát hành trên hệ thống đã bị các đơn vị khác làm lậu lại" – ông Hùng trăn trở.
Bên cạnh đó, việc xâm hại bản quyền sách còn ảnh hưởng trực tiếp đến tác giả, gây ra những trường hợp dở khóc dở cười và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một trong những tác giả đã trải qua câu chuyện đó.
"Tặng sách giả lậu cho người yêu như kết thúc cuộc tình đó"
Tại Hội thảo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, mỗi khi phát hiện độc giả mua phải sách giả, ông sẽ ân cần đổi một quyển sách thật cho họ. Tuy nhiên không phải lúc nào ông cũng có sẵn sách thật để đổi cho các em.
"Các em đưa sách cho tôi ký tên nhưng khi nhận ra đó là sách giả, sách lậu, tôi đành phải lịch sự từ chối và nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu tại sao tôi từ chối.
Tác giả ký tên vào một cuốn sách giả, sách lậu chẳng khác nào thừa nhận tính hợp pháp của nó, tự nhiên trở thành đồng lõa với những kẻ làm sách lậu” – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự.
Cần hoàn thiện và thực thi các quy định về bảo vệ bản quyền
Các vi phạm về bản quyền số ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát. Tác giả và các đơn vị xuất bản Việt Nam dù đã chủ động triển khai một số giải pháp nhưng do tính đồng bộ chưa cao, kết quả thu được rất hạn chế.
Trước vấn nạn xâm phạm bản quyền xuất bản phẩm trên không gian mạng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng như hiện nay, bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ cho rằng cần quy định rõ về cách thức, cơ chế quản lý người dùng trên các trang mạng xã hội/ sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó xây dựng một cơ chế phối hợp chung giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với các đơn vị xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền và cuối cùng là tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
"Cần duy trì hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ các đơn vị làm xuất bản trước các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng, đồng thời cần có chế tài, xử lý thật nặng đối với những hành vi xâm phạm bản quyền đã bị phát hiện. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật" – bà Hà đề nghị.
Còn với ông Hoàng Trọng Quang, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết, pháp luật sẽ xử lý nghiêm các đối tượng xâm phạm các quy định được nêu ra trong Điều 225 Bộ luật Hình sự quy định về xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (2015).
“Nếu một trong năm tình tiết định khung tăng nặng nêu ở khoản 2 điều 225 được tìm thấy thì bị pháp nhân thương mại bị phạt tiền từ 1-3 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng - 2 năm” – Ông Quang nhấn mạnh.
Trong vai trò là BTC hội thảo, ông Lâm Đình Thắng, GĐ Sở TT&TT TP. HCM đã đề xuất một số giải pháp trong thời gian sắp tới về hành lang pháp lý, công nghệ, truyền thông cần nâng cao nhận thức
"Chúng tôi xin đề xuất thêm một nhánh nữa về mặt truyền thông là truyền thông trên ngành giáo dục. Đối với các em sinh viên, đặc biệt là các em học sinh, anh Lê Hoàng rất tâm huyết với ý tưởng là tiết đọc sách trong các trường học.
Thì tiết đọc sách này không chỉ dạy cách đọc sách, kỹ năng đọc sách mà còn là thái độ, ứng xử đối với các vấn đề liên quan đến vi phạm bản quyền về sách. Thì chúng ta có thể lồng ghép vấn đề bản quyền trong việc truyền thông về giáo dục" - ông Lâm Đình Thắng
Ngoài ra, ông Thắng cũng đề nghị cần lắng nghe những hiến kế và tập trung, xử lý một số sự việc để làm án điểm để mà đánh động trong ngành xuất bản.