Các nước Đông Nam Á ủng hộ đề xuất giải thưởng sách ASEAN của Việt Nam

(PLO)- Đề xuất giải thưởng sách ASEAN và nghiên cứu thực hiện sáng kiến "One ASEAN" của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-9, trong vai trò Chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2022 – 2023, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA) tại Trung tâm báo chí TP.HCM.

Tham dự hội nghị có đoàn các nước thành viên ABPA: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippine...cùng đại diện các cơ quan, đơn vị trong nước như Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở TT&TT TP.HCM…

hoi-nghi-ban-chap-hanh-hiep-hoi-xuat-ban-dong-nam-a.JPG
Toàn cảnh Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA). Ảnh: VĂN HÀ

Hội nghị tập trung vào 3 chủ đề chính là rà soát thực trạng ngành xuất bản các nước thành viên ABPA, Đề xuất các hướng thúc đẩy hợp tác nội khối. Cuối cùng là thảo luận và quyết định nước nào sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025.

Hội, đơn vị xuất bản các nước cùng vượt khó

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản Việt Nam cho biết báo cáo gồm 3 phần là tổng hợp về kết quả hoạt động của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á thực hiện các nội dung đã thống nhất tại Hội nghị thường niên Hiệp hội năm 2022. Báo cáo về kết quả hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam trong thời gian gần đây và cuối cùng là đề xuất một số sáng kiến của Hội Xuất bản Việt Nam.

nguyen-nguyen.JPG
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Nói về kết quả hoạt động của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, ông Nguyên cho rằng dù đã lùi gần 2 năm nhưng ảnh hưởng tác động tiêu cực hậu COVID-19 vẫn hết sức nghiêm trọng đến nền xuất bản của các quốc gia Đông Nam Á suốt thời gian qua. Và tác động này dự sẽ kéo dài trong cả năm 2023 và 2024.

Tuy nhiên, dù nhiều tác động tiêu cực của COVID-19 và gần đây là những ảnh hưởng từ tình hình chính trị thế gới, xung đột vũ trang ở một số khu vực, cạnh tranh và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng với những nỗ lực rất lớn, xuất bản của một số quốc gia vẫn đạt một số kết quả quan trọng, cho thấy tín hiệu tích cực cho sự phát triển.

"Chúng ta nhìn thấy điều này ở các quốc gia Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Campuchia... và Việt Nam chúng tôi với đa dạng các hoạt động để thúc đẩy văn hóa đọc, thành lập trung tâm giao dịch bản quyền, tăng cường hiện diện tại các hội chợ sách quốc tế, tổ chức các giải thưởng sách quốc gia, hay thúc đẩy việc sử dụng các học liệu điện tử” – ông Nguyên cho hay.

Ông Nguyên cũng chỉ ra rằng bên cạnh nỗ lực của Chính phủ nhiều nước còn là sự chủ động, tạo, nỗ lực vượt khó của các đơn vị cũng như hội xuất bản của các nước.

Hội Xuất bản Việt Nam đề xuất giải thưởng sách Asean

Ông Nguyên cũng đã nêu ra 3 đề xuất của Hội Xuất bản Việt Nam là tiếp tục nghiên cứu thực hiện sáng kiến “One ASEAN”, thông qua Hiệp hội, thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa NXB của các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, thực hiện mục tiêu làm đa dạng bản sắc ASEAN, đưa khu vực này thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới.

Thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin để kịp thời xử lý các vi phạm bản quyền.

Tổ chức Giải thưởng sách ASEAN với Ban giám khảo (Chủ tịch các hội xuất bản thành viên ABPA) sẽ cho ý kiến về các nguyên tắc, quy chế và tiêu chí lựa chọn sách viết về chủ đề ASEAN (bằng tiếng Anh, hoặc bằng ngôn ngữ địa phương kèm bản dịch tiếng Anh); đồng thời tổ chức cuộc bình chọn các tác phẩm hay theo chủ đề chung để cùng nhau xuất bản và công bố ở mỗi quốc gia.

Đối với các đề xuất Hội Xuất bản Việt Nam về giải thưởng sách Asean cũng như nghiên cứu thực hiện sáng kiến "One ASEAN" đa số các nước đều ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, không ít nước lo ngại về vấn đề bất đồng ngôn ngữ.

malaysia.JPG
Đại diện Hội xuất bản của Malaysia phát biểu

Theo đó, đại diện của Malaysia cho rằng: "Mỗi nước trong ASEAN đều có ngôn ngữ của mình, vì thế đây có thể là một trở ngại lớn khi triển khai giải thưởng sách ASEAN. Thay vì tổ chức giải thưởng, tôi cho rằng các nước có thể đề cử các tác phẩm xuất sắc của nước mình theo từng thể loại và hướng đến việc tôn vinh tác phẩm từ tất cả các nước thành viên".

singapore.JPG
Đại diện của Hội xuất bản Singapore

Đại diện Hội xuất bản của Singapore cũng cho rằng đối với giải thưởng sách ASEAN thì Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á nên học hỏi cách chấm giải Nobel Văn học.

"Mỗi nước trong khu vực có thể viết theo ngôn ngữ của riêng mình sau đó sẽ chuyển sang tiếng Anh để tham gia tranh giải. Bên cạnh đó, điều đáng được quan tâm chính là kinh phí giải thưởng cũng như tiêu chí chấm giải sẽ như thế nào" – đại diện Hội Xuất bản Singapore nói.

pham-minh-tuan.JPG
Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam (giữa) trao chứng nhận cho đại diện Hội Xuất bản các nước vì đóng góp cho ABPA suốt thời gian qua.

Cũng tại hội nghị, Việt Nam đã đề xuất Malaysia là Chủ tịch tiếp theo của ABPA trong nhiệm kỳ 2024-2025 và cũng đã được các nước đồng tình. Theo đó, lễ chuyển giao sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.

"Triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước" cũng đã diễn ra vào sáng nay 15-9. Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ các sự kiện chào mừng Hội nghị thường niên Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, TP.HCM.

trien-lam-sach.JPG
Các lãnh đạo, đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Theo đó, triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm thuộc Tủ sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tủ sách trưng bày ấn phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tủ sách về các đồng chí lãnh đạo Đảng và cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Triển lãm diễn ra tại Đường sách TP.HCM đến ngày 16-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm