Đó là ý kiến của GS Ngô Bảo Châu tại buổi họp báo về cuộc gặp gỡ giữa GS Cédric Villani và GS Ngô Bảo Châu (hai giáo sư cùng đoạt giải thưởng Fields Toán học 2010) với chủ đề "Phương pháp giáo dục: Làm thế nào để chuyển lửa? Toán học là một trường hợp cụ thể. Góc nhìn chéo Việt - Pháp", diễn ra ngày 24-8, tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi về việc nhiều thí sinh không chọn được nghề mình yêu thích trong kỳ thi đại học vừa qua, GS Ngô Bảo Châu cho rằng việc quan niệm say sưa bằng cấp, buộc con phải vào trường đại học bằng mọi giá đã tạo áp lực cho học sinh:
"Nên tôi nghĩ các bạn trẻ hoàn toàn có cuộc sống, công việc hoàn toàn ý nghĩa, có niềm vui, niềm từ hào... bằng một nghề nào đó chứ không nhất thiết mọi người đều có bằng đại học và phải học đại học" - GS Ngô Bảo Châu chia sẻ và cho rằng việc đậu đại học không nhất thiết phải ngành nào, tuy nhiên các trường đại học nên có sự mềm dẻo để các em có thể chuyển sang các ngành mình yêu thích.
GS Ngô Bảo Châu trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh: VIẾT LONG
Về quan điểm trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, GS Ngô Bảo Châu nói: "Năm ngoái tôi có phát biểu quan điểm trên của mình về việc thi tốt nghiệp phổ thông. Lý do làm tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là những biểu hiện thiếu trung thực ở kỳ thi này trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng kiểm tra chất lượng dựa vào một quá trình thì tốt hơn là vào một cuộc thi, cho nên học bạ, điểm học trong năm là đủ để quyết định việc lên lớp và việc tốt nghiệp. Bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế. Tuy nhiên, sau đó để tiết kiệm chi phí cho xã hội Bộ GD&ĐT quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi quốc gia, tôi đã mường tượng ra sự phức tạp để tổ chức một kỳ thi như thế. Tuy tôi vẫn ngờ rằng có thể có phương án thi và tuyển sinh ít phức tạp hơn, tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD&ĐT trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể...
Tôi nghĩ sắp tới nếu Bộ GD&ĐT duy trì cách thức tuyển sinh như thế này thì cần phải cải tiến kỹ thuật để làm nó đơn giản nhiều hơn nhằm tránh phiền toái cho thí sinh".
Liên quan đến việc hiện nay nhiều học sinh Việt Nam rất đam mê học toán nhưng sau đó phải chọn ngành khác để làm, GS Ngô Bảo Châu cho biết hiện nay ông cùng các đồng sự sáng lập ra một viện nghiên cứu để giúp học sinh nghiên cứu, tìm các học bổng để giúp các em có cơ hội giao lưu với các nước giúp các em theo đuổi niềm đam mê.
Về vấn đề này, GS Cédric Villani, khẳng định việc học phải đi đôi với hành, nên phải tạo ra được sự liên thông giữa lý thuyết và thực hành. Tuy nhiên, để ứng dụng được những kiến thức toán học vào đời sống thì công nghệ phải phát triển. Do đó, việc nghiên cứu toán học cần phải có đầu ra, nếu không thì khó phát triển được toán học.