Hà Nội ba tháng có 1.206 lễ hội

Cụ thể, ông Động cho hay: Hà Nội có tất cả 1.206 lễ hội vào 3 tháng đầu năm. Tập trung vào tháng 1 và tháng 2 Tết âm lịch, như vậy mỗi một ngày ở thời điểm này Hà Nội có hàng chục lễ hội diễn ra trên địa bàn.

Theo ông Động, với số lượng lễ hội lớn như vậy chúng ta không có cộng đồng, không có trách nhiệm chung thì cơ quan quản lý nhà nước không thể có sức đâu, người đâu quản lý.

Nói về nguyên nhân dẫn tới những bất cập của lễ hội, ông Động cho rằng nội dung của lễ hội đang rất vướng mắc. “Lễ hội của chúng ta nhiều, rất đa dạng, phong phú và cơ bản từ xưa để lại. Mà từ xưa để lại có cái phù hợp có cái không phù hợp. Có những cái cần bảo tồn nhưng có cái cần loại bỏ. Quan niệm về bảo tồn và phát triển cái gì cũng là câu chuyện bàn cãi”, ông Động nói.

Hình ảnh chen lấn cướp lộc trong mùa lễ hội vừa qua ở Chùa Hương

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành VH-TT của Thủ đô cũng chỉ ra công tác thanh tra kiểm tra lễ hội vẫn mang tính hình thức là nhiều. Có những đoàn to hơn đoàn dưới khen tốt nên đoàn dưới nói rất khó.

“Đặc biệt có những ông chủ trì rất có quan hệ to cho nên thường các đoàn kiểm tra bé thì coi thường, không chịu nghe. Có Phó Chủ tịch phụ trách văn xã còn phải nhờ tôi nói hộ chứ ở đây không chỉ đạo được ông chủ trì”, ông Động dẫn chứng.

Liên quan đến các lễ hội chọi trâu, đại diện tỉnh Tuyên Quang đính chính thông tin cho rằng không có việc lễ hội chọi trâu không phép, mà là có phép. Vấn đề đang mắc là cấp phép cho chọi trâu nhưng việc tạm dừng và thu hồi giấy phép như thế nào.

Đại diện tỉnh này cũng cho rằng, Lễ hội chọi trâu ở Tuyên Quang cũng như Đồ Sơn (Hải Phòng), cũng là chuyện hai con trâu lao vào đấu với nhau, tại sao nơi cấm nơi không.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy nêu rõ: Lễ hội chọi trâu được coi là vấn đề “nóng” bởi thực tế cho thấy ở một số nơi việc tổ chức lễ hội không gắn với bất cứ di sản văn hóa cụ thể nào. Việc tổ chức lễ hội thường được giao cho doanh nghiệp như một hình thức kinh doanh.

Châu trọi húc người tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.

Ở một số nơi, Lễ hội chọi trâu gây phản cảm ở chỗ là ngay sau sới trọi trâu là cảnh bán thịt trâu, thậm chí biến cả thư viện, trường học, trụ sở chính quyền địa phương làm nơi xẻ thịt trâu để bán. Đó là hiện tượng, hình thức phản cảm nhất mà loại hình lễ hội này thể hiện. Mặt khác, lễ hội chọi trâu ở nhiều nơi đều có bán vé thu tiền, tức là vi phạm quy định tổ chức lễ hội.

Bên cạnh đó, lễ hội chọi trâu cũng làm nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực, biến tướng như cá cược, gây bất ổn trên địa bàn... Nhiều khi địa phương, ban tổ chức chọi trâu chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không thấy tác động mặt trái của loại hình lễ hội này. Do đó, trong mùa lễ hội năm 2018, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu các địa phương cần kiên quyết xử lý, không để tái diễn loại hình lễ hội này ở địa phương.

Cũng liên quan đến lễ hội chọi trâu, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc đề nghị Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy giao cho Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng xem xét nguyên nhân nhiều doanh nghiệp, đơn vị đua nhau xin cấp phép tổ chức chọi trâu, không cho chọi trâu thì chuyển sang chọi dê, đua ngựa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm