Hà Nội mong thành trung tâm sáng tạo của cả nước

Ngày 2 - 10, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội-Thành phố sáng tạo”. Cuộc toạ đàm có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà đầu tư, cũng như các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước.
Hà Nội mong thành trung tâm sáng tạo của cả nước ảnh 1Toạ đàm “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội-Thành phố sáng tạo” ngày 2-10
Tại cuộc toạ đàm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng Hồ sơ "Hà Nội -Thành phố sáng tạo" đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Vào tháng 10-2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo.
Ông khẳng định, đây cũng là một trong những định hướng mới cho chiến lược phát triển Thủ đô. Điều này nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng cũng như các đối tác quốc tế, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán và các tập đoàn đa quốc gia vốn có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho đổi mới cũng như chiến lược phát triển hướng tới chất lượng sống cao của đô thị.
Bí thư Hà Nội cũng cam kết Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hành động dài hạn, chính sách nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.
Theo đó ông mong muốn các nhà đầu tư, các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp các ý tưởng, sáng kiến để hỗ trợ Hà Nội xây dựng, xác định chiến lược, kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là thành phố sáng tạo UNESCO, cũng như thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước, quốc tế
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh “Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đây phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác. Ông cho rằng việc đầu tư cho văn hoá luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian nhưng rất quan trọng đối với TP, góp phần khẳng định vị trí và tầm vóc của Hà Nội, cũng như Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tại cuộc toạ đàm, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, nhiệm vụ hiện nay là tìm ra phương thức để "Hà Nội - Thành phố Sáng tạo" do UNESCO công nhận có thể trở thành nền tảng hợp tác, hỗ trợ các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thập kỷ tới với tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng cho rằng danh hiệu Thành phố Sáng tạo đóng vai trò là một phương tiện giúp Hà Nội phát triển thành Kinh đô Sáng tạo, trao quyền cho người dân và xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới là giá trị đích thực của danh hiệu này. Nói cách khác, là hướng về phương pháp phát triển bền vững hơn và lấy con người làm trung tâm.
Khi tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các Thành phố Thiết kế khác như Seoul, Singapore, Kobe, Thượng Hải, Bandung trong khu vực và các thành phố như Helsinki, Montreal, Berlin và Turino trên toàn cầu.
Tuy nhiên, với tất cả những tiềm năng có được từ việc gia nhập mạng lưới này, sự hợp lực ở cấp địa phương mới là điều thứ yếu nhất với Hà Nội. Đó là lý do kế hoạch hành động do thành phố đệ trình - phần chủ chốt của hồ sơ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa cộng đồng, chính phủ, các trường đại học, khu vực tư nhân và bạn bè và đối tác quốc tế để hỗ trợ việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của Hà Nội. Qua đó, nhằm thúc đẩy các sáng kiến và kết nối để có được cách tiếp cận tập trung và chặt chẽ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm