Hà Nội nêu giải pháp xử lý rác ùn ứ, mưa là ngập tại nội thành

(PLO)- Đại diện các sở của TP Hà Nội đã nêu giải pháp để xử lý việc rác thải sinh hoạt ùn ứ và cứ mưa là ngập tại nội đô.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-7, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II -2022.

Tại cuộc họp báo, các PV đã đặt nhiều câu hỏi về giải pháp của Hà Nội trong xử lý tình trạng rác thải sinh hoạt ùn ứ và cứ mưa là ngập tại khu vực nội thành.

Trả lời các nội dung xử lý rác thải sinh hoạt, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái, cho biết thời gian qua rác thải sinh hoạt đã ùn ứ tại nhiều tuyến phố nội thành, kéo dài 6-7 ngày.

“Nguyên nhân là do một sự cố xảy ra tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn). Vừa qua do mưa đã làm cho đường lên khu đổ rác không được ổn định, quá trình tiếp nhận rác và duy tu tiếp nhận rác không thông suốt. Tuy nhiên đến nay đã khắc phục nên không còn xảy ra tình trạng ứ đọng rác trên địa bàn” - ông Thái nói.

Ông Thái cũng cho biết một nguyên nhân nữa là dự án nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đang chậm tiến độ, khiến bãi rác Nam Sơn quá tải.

Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội

Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội

“Do tình hình dịch COVID-19 trong hai năm qua nên thời gian nhà máy hoàn thành bị ảnh hưởng. Đến nay, năm lò đốt rác đã đủ điều kiện và chờ Bộ Công Thương, EVN cho phép đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Bởi muốn đấu nối thì phải chạy hết công suất đốt” - ông Thái thông tin.

Theo ông Thái dự kiến trong tháng 7-2022, 2/5 lò đốt rác của nhà máy Thiên Ý sẽ đi vào vận hành với công suất xử lý 1.500 tấn rác/ngày. Ba lò đốt rác còn lại sẽ được vận hành vào thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Bình Minh phát biểu tại buổi họp báo.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Bình Minh phát biểu tại buổi họp báo.

Về giải pháp chống ngập tại nội thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Bình Minh cho hay hệ thống thoát nước của TP đã được đầu tư hoàn chỉnh như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu, mạng lưới mương kết nối cho đến hồ điều hoà. Trong năm 2020-2021 đã xoá được năm điểm úng ngập và giảm mức độ ngập của năm điểm khác.

Trước mắt, Sở đã báo cáo TP triển khai cải tạo thoát nước, bể điều tiết ngầm tại các khu vực bất khả kháng, thoát nước đô thị tại những điểm trũng và hầm chui dân sinh.

“Tuy nhiên về lâu dài cần xây dựng hệ thống thoát nước đô thị, hầm chứa nước tại khu vực trũng thấp để giảm ứng ngập cục bộ, nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực Tả Nhuệ, thoát nước mưa khu vực Hữu Nhuệ, trạm bơm Liên Mạc, trạm bơm Cự Khối, Long Biên…” - ông Minh nói.

Tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, cho biết từ đầu năm 2021 đến nay có hơn 750 nhân viên y tế xin thôi việc.

Theo ông Cương, nguyên nhân khiến nhiều cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc là do dịch bệnh kéo dài, tạo áp lực lớn lên các tuyến y tế.

Bên cạnh đó, nguồn thu của các đơn vị bị sụt giảm do các trung tâm y tế làm công tác dự phòng là chủ yếu. Ngoài ra còn do thu nhập của cán bộ y tế còn chưa tương xứng với sức lao động.

Sở Y tế đã báo cáo TP, và đưa ra giải pháp để giữ chân cán bộ, nhân viên y tế.

Cụ thể, căn cứ vào Đề án vị trí việc làm để ký hợp đồng lao động với các nhân viên y tế. Điều tiết các nhân viên y tế từ các tuyến xuống các đơn vị khó khăn để giảm tải áp lực cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở.

Xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2022 để giữ chân những nhân viên y tế, và nhân viên hợp đồng có nguyện vọng thi tuyển viên chức. Đồng thời có chính sách thu hút cán bộ y tế về tuyến cơ sở...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm