Dân bức xúc
Chiều qua 22/8, chúng tôi có mặt tại khu đất được cho là cách đây 20 năm, nơi ấy sẽ là ngôi trường mầm non mang tên Sao Mai. Nhìn từ phía bên ngoài thì khung nhà của ngồi trường vẫn còn khá nguyên vẹn. Những khoảng đất trống, cây cối mọc um tùm và chỉ có lối đi vào là sạch sẽ. Khi chúng tôi định chụp một vài kiểu ảnh để làm tư liệu bỗng có hai vợ chồng trẻ ra gây sự, họ nói phải có sự cho phép của Bộ Quốc phòng mới được vào khu đất này. Thấy cánh phóng viên nấn ná, người chồng doạ sẽ ra khóa cổng và thả chó ra đuổi…
Cây cối um tùm bao phủ ngôi trường bỏ hoang 20 năm nay.
Trước sự gây khó dễ của đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đành phải khảo sát ngôi trường từ phía sau của khu đất. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là một đống rác khổng lồ lộ ra khi mà bức tường bao quanh khu đất đã bị đổ một góc. Thấy có phóng viên tìm hiểu về sự bỏ hoang của ngôi trường, những người dân ở khu vực này chỉ lắc đầu ngán ngẩm: “Bao nhiêu lần báo chí, truyền hình về đưa tin mà cũng có thấy thay đổi gì đâu. Bức xúc nhiều nhưng không được giải quyết nên giờ ai cũng chán nản”. Bà L.T.M, nhà ở sau khu đất cho biết, do trường mầm non Sao Mai hiện tại quá chật hẹp nên cháu bà đang phải đi học ở trường dân lập Tây Sơn. Bà không lo chuyện tiền nong mà cái chính là trường Tây Sơn nằm ngay mặt đường phố lớn Nguyễn Lương Bằng và phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa. Phương tiện đi lại đông đúc, lại là chỗ nút thắt cổ chai nên rất nguy hiểm. Trong khi đó, đất có bỏ không. Còn bà N.T.H bán hàng nước ngay cạnh khu đất cho biết tổ dân phố muốn thuê để lấy chỗ sinh hoạt cũng không được.
Trải qua năm tháng nhưng phần khung ngôi nhà
vẫn đang còn khá vững chắc (ảnh chụp phía sau khu đất).
Để tìm hiểu sâu thêm vấn đề, chúng tôi đã tìm đến bà Nguyễn Thị Thanh Minh, tổ trưởng tổ dân phố số 16 của phường Nam Đồng. Bà Minh cho biết: “Nhiều năm nay tôi tiếp không biết bao nhiêu nhà báo nhưng sự việc chẳng đi đến đâu”. Bà Minh cũng cho biết thêm, sau khi trường bị bỏ hoang, người dân thường “tiện tay” vứt luôn rác, hay đổ trộm chất thải xây dựng vào khu đất. Chính vì vậy, dù có tường bao nhưng đến cuối năm 2010, bức tường cũng không chịu nổi sức nặng của rác nên đã đổ ập. Tổ dân phố đã làm đơn kiến nghị gửi lên cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, vài hôm sau, thấy có một cán bộ của quân đội xuống nhưng họ chỉ đi một vòng quanh khu đất rồi về. Còn chồng bà Minh thì thật thà nhắn nhủ chúng tôi: “Nếu về để tìm hiểu về ngôi trường bỏ hoang thì tôi khuyên các anh chị không nên mất thời gian vì chẳng đi đến đâu. Vấn đề này không thuộc phạm vi xử lý của phường, quận thậm chí cả UBND thành phố nên có phản ánh thì cũng thế thôi”.
Bỏ hoang lâu năm nên rác thải ngập tràn nhưng chính quyền
địa phương cũng không thể can thiệp vì ngoài tầm khả năng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi xây dựng khu tập thể Nam Đồng, Bộ Quốc phòng đã dành 2.000m2 đất tại tổ 17 để xây nhà mẫu giáo, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ cho cán bộ, sĩ quan quân đội. Năm 1991, Công ty Quản lý nhà số 1 được giao nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà mẫu giáo tại khu đất này. Tuy nhiên, khi mới thi công xong phần khung của tòa nhà 2 tầng, không hiểu lý do gì, việc xây dựng bỗng nhiên bị đình lại cho đến đã gần 20 năm. Liên quan đến việc có một số hộ gia đình đang sinh sống ở trong khu đất này, bà tổ trưởng dân số 16 cho hay: “Họ không phải là người dân ở địa bàn phường “nhảy dù” vào. Đó là những trường hợp được sự đồng ý của phía quân đội cho mượn ở tạm. Sau khi vào ở tạm các hộ này đã được nhập khẩu và về sinh hoạt với tổ dân phố số 17”. Vào cuộc nhiều năm nhưng… bất lựcTheo phản ánh của bà Nguyễn Thị Thanh Minh, tổ dân phố cũng đã gửi nhiều đơn kiến nghị lên các cấp nhưng đến nay vẫn không thấy hồi âm. Hầu hết người dân ở khu vực phường Nam Đồng đều biết, vấn đề giải quyết khu đất bỏ hoang này không thuộc sự quản lý của thành phố Hà Nội bởi nó đã thuộc quyền “sở hữu” của Bộ Quốc phòng. Trao đổi với Dân trí chiều ngày 22/8, ông Vũ Minh Hồng, phó chủ tịch phường Nam Đồng, cho hay: “Trước kia Công ty Quản lý nhà số 1, Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà mẫu giáo tại khu đất này. Sau đó là Công ty đầu tư và phát triển nhà ở Bộ Quốc phòng quản lý. Mặc dù phường và Quận đã nhiều lần làm việc với các đơn vị này để tìm hướng giải quyết tuy nhiên họ nói là đang xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.
Trong khi khu đất bỏ hoang đã lâu thì trường mầm non Sao Mai,
ngồi trường duy nhất thuộc địa bàn vẫn đang phải hoạt động
trong khu nhà tập thể chật hẹp.
Ông Hồng cũng cho biết thêm, ngay cả việc khu đất đang chứa rất nhiều rác thải ảnh hưởng đến những người dân sống xung quanh nhưng cũng không thể can thiệp vì nó đã vượt khỏi tầm quản lý của phường. “Nguyện vọng của dân và của chính quyền phường, quận là muốn có một ngôi trường khang trang để cho trẻ học. Chính quyền địa phương sẵn sàng đầu tư kinh phí để xây dựng trường” - phó chủ tịch phường Nam Đồng chia sẻ. Phường Nam Đồng có 4.456 hộ với 15.820 nhân khẩu, trung bình mỗi năm có 1.611 cháu ở độ từ 0 đến 5 tuổi tham gia bậc học mầm non. Thế nhưng cả phường chỉ có 1 trường mầm non công lập là trường Sao Mai. Chỉ khi tận mắt chứng kiến khuôn viên của trường mầm non Sao Mai hiện tại, chúng tôi mới hiểu tâm trạng của người dân phường Nam Đồng. Lối vào trường là cầu thang chung của khu tập thể. Lớp học của các cháu ở tầng 2 và tầng 3, xen kẽ với nhà dân và không có sân chơi. Trước đây, các cháu còn phải dùng chung nhà vệ sinh của người lớn, mới đây đã được cấp kinh phí để sửa sang lại theo đúng quy định về nhà vệ sinh của trường.
Trẻ không có chỗ chơi, trường học lại xen lẫn
với nhà dân nên cô trò gặp rất nhiều khó khăn.
Theo cô Đỗ Thị Tâm, hiệu trưởng trường mầm non Sao Mai, nhu cầu gửi trẻ ở phường Nam Đồng là rất lớn. Tuy nhiên với cơ sở chật hẹp, không có sân chơi... nên nhiều hộ gia đình đành phải gửi con em đi theo học trái tuyến. Cũng theo cô Tâm, với việc lớp học lại xen lẫn với nhà dân nên trường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các hộ gia đình ở đây đều là những người công tác trong quân đội đã nghỉ hưu. Cho dù rất cảm thông với nhà trường, tuy nhiên khi các cháu hoạt động ngoại khóa ở khu vực hành lang, hay tham gia các trò chơi... thì cũng hay bị nhắc nhở vì làm ồn. Theo thông tin từ lãnh đạo phường Nam Đồng, hiện này ở phường có tới 2/3 nhân khẩu là người trong quân đội. Chính vì thế việc xây dựng ngôi trường phục vụ cho chính con em họ là điều cần thiết. Nhưng vì sao Bộ Quốc phòng lại “thờ ơ” với việc hoàn thiện ngôi nhà đang xây dang dở cách đây 20 năm? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để cung cấp thông tin đến với bạn đọc.
Theo Nguyễn Hùng (Dân trí)