Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ mạnh cho người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết

Theo đó, Hà Tĩnh cho rằng khai thác hải sản các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường nói chung kém phát triển, tập quán và truyền thống đánh bắt ở vùng ven bờ và vùng lộng là chủ yếu (hơn 90% tàu thuyền khai thác có công suất dưới 90 CV). Điều kiện kinh tế của các hộ ngư dân nhìn chung còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo tại các xã vùng bãi ngang ven biển chiếm 15,65%, hộ cận nghèo chiếm 10,27%.

Do vậy, chỉ với gói hỗ trợ tín dụng vay vốn đóng mới tàu cá, chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, khuyến khích tạo việc làm và xử lý nợ như dự thảo của Bộ NN&PTNT, việc hấp thụ chính sách và phát huy hiệu quả trong thực tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thực hiện được.

Đặc biệt, việc chính sách sau khi ban hành không đi vào cuộc sống nhiều sẽ ảnh hưởng đến ngành khai thác hải sản, ổn định sản xuất cho nhân dân bị ảnh hưởng sẽ gây nhiều bất ổn về xã hội.

Để khôi phục và giúp ngư dân miền Trung vươn khơi cần có những con tàu lớn. Ảnh: VIẾT LONG

Để khôi phục và giúp ngư dân miền Trung vươn khơi cần có những con tàu lớn. Ảnh: VIẾT LONG

Vì vậy, Hà Tĩnh đề nghị cần có chính sách mạnh, đặc thù hỗ trợ các đối tượng này đóng mới hoặc cải hoán tàu cá lên công suất trên 90 CV để chuyển đổi ngư trường. Đây cũng là cơ hội cho bà con ngư dân vùng này vươn khơi đánh bắt, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển.

Cụ thể, các hộ gia đình đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90 CV trở lên được ngân sách hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới (bao gồm giá trị con tàu và ngư lưới cụ) nhưng không quá 1 tỉ đồng. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1-7-2016 đến hết 30-6-2019.

Việc hỗ trợ khi được UBND cấp huyện sở tại xác nhận tàu đã hoàn thành; hỗ trợ vay vốn và lãi suất 50% giá trị tàu đóng mới còn lại, với mức hỗ trợ như dự thảo của Bộ NN&PTNT. Mức trần giá trị tàu cá để tính hỗ trợ do Bộ NN&PTNT quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90 CV sang tàu có công suất từ 90 CV trở lên được hỗ trợ 2 triệu đồng cho 1 CV tăng thêm. Thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo cấp chứng chỉ.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí, mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho các tàu có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ một lần cho các hộ nuôi thủy sản trong ao, đầm nước mặn, lợ... kinh phí mua giống, tùy vào mức độ thiệt hại nhưng không quá 120 triệu đồng.

Đặc biệt, Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ 100% các khoản đóng, nộp của học sinh năm học 2016-2017 trong vùng bị ảnh hưởng. Hỗ trợ chuyển đổi nghề tạm thời cho bà con ngư dân không hưởng lợi được từ các chính sách nêu trên, sang các nghề khác phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đến khi bà con quay trở lại sản xuất theo nghề sinh kế truyền thống. Hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng khó khăn vùng bãi ngang ven biển Hà Tĩnh trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm