Hai ẩn số sau cái chết của Otto Warmbier

Ngày 19-6, sinh viên Mỹ Otto Warmbier, 22 tuổi đã qua đời tại Trung tâm Y tế ĐH Cincinnati ở TP Cincinnati, bang Ohio (Mỹ) chưa đầy một tuần sau khi được Triều Tiên trả về trong tình trạng hôn mê hơn một năm trời.

Bác sĩ chăm sóc Warmbier cho biết não anh bị tổn hại nghiêm trọng. Theo các bác sĩ, từ lúc được chuyển về Mỹ, mặc dù vẫn tự thở được nhưng Warmbier không hề có dấu hiệu nào nhận biết được xung quanh.

Không phải lỗi Triều Tiên?

Vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân Warmbier hôn mê dẫn đến tử vong. Hãng KCNA của Triều Tiên nói rằng Warmbier bị ngộ độc thịt và có uống một viên thuốc ngủ, sau đó thì rơi vào hôn mê. Tờ New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ không nêu tên lại cho rằng Warmbier bị đánh đập rất nhiều trong thời gian bị giam. Thậm chí tình báo Mỹ từng lo ngại Warmbier tử vong trong tù.

Tuy nhiên, theo ông Robert R. King, cựu đặc phái viên Mỹ về nhân quyền Triều Tiên, không phải công dân Mỹ nào bị Triều Tiên bắt giam cũng bị đánh đập. Ông cho biết Triều Tiên có quan điểm chung nhất là không sử dụng bạo lực với công dân Mỹ, dù có thể dùng các thủ thuật tâm lý như thẩm vấn kéo dài.

Anh Matthew Todd Miller bị Triều Tiên bắt năm 2014, bị tuyên sáu năm tù khổ sai nhưng được thả sáu tháng sau đó. Nói với NK News, anh Miller cho biết đã chuẩn bị tinh thần bị tra tấn nhưng thực tế đã được đối xử hết sức tử tế, thậm chí còn được cho phép giữ điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad bên mình cả tháng để giải trí. Công dân Mỹ 85 tuổi Merrill E. Newman bị giam 43 ngày ở Triều Tiên, cũng cho biết ông được chăm sóc tử tế trong một khách sạn ở Bình Nhưỡng, thậm chí được điều trị cả bệnh tim.

Warmbier (giữa) bị binh sĩ Triều Tiên áp giải ra tòa vào tháng 3-2016. Ảnh: KCNA

Warmbier (giữa)cùng bạn học trước khi du lịch đến Triều Tiên. Ảnh: USA TODAY

Theo ông King, trong hầu hết trường hợp, tù nhân phương Tây là lá bài chính trị đối với Triều Tiên. Những người này có thể được tự do bất kỳ lúc nào nên các dấu vết tra tấn quá dễ lộ. Ông cho rằng tình trạng bi đát của Warmbier không giống các kế hoạch bình thường của Bình Nhưỡng. Các bác sĩ Mỹ kiểm tra thân thể Warmbier thì không thấy có dấu hiệu bị đánh đập. Các xét nghiệm không kết luận được nguyên nhân hôn mê, cũng không cho thấy bằng chứng ngộ độc.

Một số bác sĩ nhận định có thể Warmbier đã bị một chứng đột quỵ liên quan đến tim hay phổi làm máu không cung cấp đủ đến não, khiến não bị tổn thương nghiêm trọng.

Mỹ sẽ đáp trả thế nào?

Vụ việc Warmbier hôn mê tại Triều Tiên dẫn đến tử vong khiến cả nước Mỹ bàng hoàng và căm phẫn. Trong tuyên bố chính thức do Nhà Trắng công bố, Tổng thống Trump lên án Triều Tiên không tôn trọng luật pháp và quyền cơ bản của con người. Cha của Warmbier cũng lên án Triều Tiên không thông báo rõ tình hình sức khỏe của anh hơn một năm qua để có các biện pháp chữa trị thích hợp, theo ABC News.

Phát biểu sau đó về chuyện Warmbier bị bắt giam ở Triều Tiên, ông Trump lên án Bình nhưỡng là “một thể chế tàn bạo” và “cần xử lý”. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Triều Tiên cần chịu trách nhiệm vì nước này đã bắt giam Otto mà không có lý do chính đáng. Ông cũng yêu cầu Triều Tiên thả ba công dân Mỹ còn lại. Một số nghị sĩ cấp cao Mỹ như John McCain, Steny Hoyer cũng lên án Triều Tiên đã “sát hại”, đề nghị Washington phản ứng mạnh.

Chưa rõ lời nói của Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Tillerson và các nghị sĩ Mỹ có phải là tín hiệu cho thấy chính phủ Mỹ sẽ có hành động với Triều Tiên hay không. Không kể đến vụ việc sinh viên Warmbier hôn mê và tử vong, căng thẳng giữa Mỹ-Triều Tiên thời gian qua đã rất cao vì các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Từ nhiều tháng nay chính phủ Trump xác định kiềm chế Triều Tiên là ưu tiên an ninh quan trọng nhất và không loại trừ bất cứ phương án nào, kể cả đánh phủ đầu.

CNN dẫn nhận định của nhà nghiên cứu cấp cao Bruce Klingner tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Heritage (Mỹ) rằng vụ việc Warmbier có thể sẽ khiến Mỹ cứng rắn hơn với Trung Quốc về Triều Tiên. Nhiều tháng nay Mỹ đang rất tích cực vận động Trung Quốc tăng áp lực với Triều Tiên.

Các quan chức ngoại giao và quốc phòng hai nước sẽ gặp nhau tại Mỹ ngày 21-6 (giờ Mỹ) trong khuôn khổ đối thoại ngoại giao và an ninh. Dẫn đầu hai phái đoàn sẽ là các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước. Và Triều Tiên sẽ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc gặp này, CNN dẫn thông tin từ quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton.

Vụ Warmbier hôn mê và tử vong khiến Hàn Quốc thêm lo lắng về sự an toàn của các công dân mình đang bị Triều Tiên giam giữ. Hàn Quốc có sáu công dân đang bị giam tại Triều Tiên. Ba người trong số này bị tuyên án lao động khổ sai chung thân vì làm gián điệp cho Hàn Quốc.

Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 20-6 cho biết Triều Tiên vừa từ chối yêu cầu kiểm tra sự an toàn sáu công dân nước này đang bị giam tại Triều Tiên.

Trong ngày 20-6, bên cạnh lên án Triều Tiên vi phạm nhân quyền khi không thông báo cho gia đình Warmbier biết về tình trạng hôn mê và chữa trị cho sinh viên này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng yêu cầu Triều Tiên nhanh chóng thả các công dân Hàn Quốc.

______________________________

Chưa từng có phạm nhân nào bị giam giữ ở Triều Tiên chịu kết cục bi thảm như vậy. Vì rủi ro với công dân Mỹ khi đến Triều Tiên quá cao, chúng tôi sẽ không nhận tổ chức cho công dân Mỹ đến Triều Tiên nữa.

YOUNG PIONEER TOURS (Công ty du lịch của Trung Quốc đưa Warmbier đến Triều Tiên thông báo ngày 20-6)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm