Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có báo cáo về một số thông tin liên quan đến Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (Đề án ngoại ngữ 2020) và Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) gửi đại biểu Quốc hội; trong đó nhìn nhận lại các thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai.
Mục tiêu Đề án ngoại ngữ 2020 quá cao
Bộ GD&ĐT nhận định nhiều bộ ngành, địa phương mặc dù có kế hoạch triển khai Đề án nhưng thiếu chủ động, chưa bám sát các mục tiêu của Đề án trong quá trình triển khai. Một số mục tiêu của Đề án được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữ của cả nước.
Việc triển khai Đề án được tổ chức với nhiều hoạt động và yêu cầu thực hiện thống nhất trên toàn quốc, trong khi đó có sự khác biệt lớn về nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học ngoại ngữ giữa các vùng miền cũng như giữa các cơ sở đào tạo; quy mô người học rất lớn, trong khi năng lực và nghiệp vụ sư phạm của người dạy ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu. Đề án chưa bảo đảm về thời gian (mục tiêu đặt ra từ năm 2008 nhưng thực tế mới được triển khai chính thức từ năm 2011) và tài chính (vốn ngân sách nhà nước cấp trong giai đoạn 2008-2015 chỉ đạt 70,3% so với yêu cầu).
Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM được dạy theo mô hình VNEN. Ảnh: Tấn Thạnh
Để thực hiện được các mục tiêu của Đề án đã đề ra, trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ. Rà soát, xây dựng, ban hành chương trình dạy và học ngoại ngữ thống nhất trên toàn quốc, làm cơ sở để phát triển sách giáo khoa, giáo trình, thực hiện các hoạt động kiểm tra đánh giá và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ. Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế, dựa vào nguồn lực chuyên môn trong nước và phối hợp với các chuyên gia, tổ chức tư vấn quốc tế; xây dựng trung tâm khảo thí ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để bảo đảm sự minh bạch, chính xác và thống nhất trong hoạt động khảo thí ngoại ngữ trên cả nước…
VNEN: Hiệu quả không như mong muốn
VNEN là dự án thực hiện theo Hiệp định viện trợ không hoàn lại ký năm 2013 giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ việc cấp vốn cho dự án. Thời gian thực hiện từ tháng 1-2013 đến hết tháng 5-2016. Dự án triển khai tại 1.447 trường tiểu học.
Bộ GD&ĐT cho rằng dự án VNEN phải triển khai đổi mới đồng bộ, trong khi điều kiện áp dụng tại một số trường học ở Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ dẫn tới hiệu quả chưa được như mong muốn. Việc áp dụng mô hình chưa linh hoạt và chưa phù hợp với điều kiện của một số địa phương; việc triển khai nhân rộng đối với các trường học không thuộc danh sách thụ hưởng của dự án là chưa phù hợp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai mô hình trường học mới tại Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập. Lộ trình và bước đi triển khai mô hình chưa phù hợp, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, bảo đảm nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Chủ quan, nóng vội Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa có một số ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về GD&ĐT. Ủy ban đánh giá việc triển khai dự án VNEN trong thời gian qua còn chủ quan, nóng vội, chưa bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục, chưa giải quyết đầy đủ các yêu cầu cần thiết khi triển khai mô hình như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, sách giáo khoa và tài liệu học tập, do vậy hiệu quả triển khai mô hình còn hạn chế. Thường trực ủy ban đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo tổng kết, đánh giá đầy đủ và khách quan công tác triển khai VNEN, từ khâu xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đến công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện và kết quả đầu ra của dự án; phân tích, đánh giá sâu sắc ưu điểm, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, rút kinh nghiệm, từ đó chắt lọc và phát huy những nhân tố tích cực của mô hình này. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học, rút kinh nghiệm từ việc triển khai VNEN để áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến với bước đi và cách thức thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Về việc tổ chức dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông, thường trực ủy ban cho rằng việc đưa nhiều ngoại ngữ vào giảng dạy trong nhà trường là xu thế tất yếu khách quan. Tuy vậy, việc triển khai mở rộng đại trà hoạt động dạy và học đối với bất kỳ một ngoại ngữ nào trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về chương trình, tài liệu giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ một cách thực chất và hiệu quả. |
Theo Bảo Trân - Bảo Lâm/ Người Lao Động