Hải Phòng: Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Truyền thống Nữ tướng Lê Chân

Hải Phòng: Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Truyền thống Nữ tướng Lê Chân

(PLO)- Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của Nữ tướng Lê Chân - người được suy tôn lên bậc Thánh Mẫu, là thành hoàng của đất Cảng Hải Phòng. 

Video: Hải Phòng: Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Truyền thống Nữ tướng Lê Chân.
Hải Phòng: Hàng nghìn người dự khai mạc Lễ hội Truyền thống Nữ tướng Lê Chân
Tối 17-3, quận Lê Chân, TP Hải Phòng tổ chức khai mạc Lễ hội Truyền thống Nữ tướng Lê Chân 2024. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của Nữ tướng Lê Chân - người được suy tôn lên bậc Thánh Mẫu, là thành hoàng của đất Cảng Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Sơn
hai-phong-hang-nghin-nguoi-du-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-nu-tuong-le-chan^1.jpg
Theo dân gian lưu truyền, Nữ tướng Lê Chân sinh ngày mồng 8 tháng 2, vào khoảng những năm 18 đến năm 20 sau Công nguyên, tại làng Vẻn - An Biên, Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bà là người có nhan sắc và giỏi võ nghệ, trong bối cảnh đất nước bị ngoại xâm đô hộ, nợ nước thù nhà chất cao, với tài năng, tâm huyết và ý chí của mình, Bà đã đưa gia binh, họ hàng xuôi dòng ra miền cửa biển. Ảnh: Ngọc Sơn
hai-phong-hang-nghin-nguoi-du-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-nu-tuong-le-chan-2.jpg
Nhận thấy vùng đất phên dậu miền duyên hải phía Đông (nay là thành phố Hải Phòng) có vị trí chiến lược, nên Bà đã quyết định chọn vùng đất này để lập ấp, chiêu mộ dân chúng, quai đê lấn biển lập lên các làng, xã... phát triển sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản, đồng thời rèn quân và luyện mã, chờ thời để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Để nhớ về quê cũ, bà lấy tên quê gốc đặt cho vùng đất mới này là làng Vẻn - Trang An Biên. Ảnh: Ngọc Sơn
hai-phong-hang-nghin-nguoi-du-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-nu-tuong-le-chan-4.jpg
Khi Trưng Trắc dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, Bà được tin, lập tức lựa chọn hơn 100 binh sĩ thân tín, kéo về Sơn Tây. Thấy diện mạo khác thường, đầy dũng khí của Lê Chân, Trưng Trắc đã rất ưng ý và phong cho bà là Thánh Chân công chúa, đem quân cùng Bình Khôi công chúa Trưng Nhị tiến đánh Tô Định. Tô Định thua to, phải trốn về Bắc quốc, nước Nam bình định, Trưng Trắc xưng Vua, khao thưởng quân sĩ, ban khen công thần. Thánh Chân công chúa được phong tiếp là Chưởng quản binh quyền lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, đem binh mã về trang An Biên dựng đồn binh đề phòng giặc Bắc quay trở lại xâm lược. Ảnh: Ngọc Sơn
hai-phong-hang-nghin-nguoi-du-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-nu-tuong-le-chan-5.jpg
Khi trở về làng, Lê Chân Nữ tướng đã dựng đồn, tăng cường chiêu mộ binh sĩ, xuất tiền tài chẩn cấp cho dân. Người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, bình yên. Năm 43, vua Hán sai tướng tài Mã Viện đem quân thuỷ bộ theo đường đông bắc sang đánh, Lê Chân chỉ huy quân chặn giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng do chênh lệch lực lượng, bà phải lui binh về bảo vệ Mê Linh. Sau khi phòng tuyến Cấm Khê vỡ, hai bà Trưng tự tận, Lê Chân phải rút quân vào vùng núi Lạt Sơn (thuộc Hà Nam bây giờ), lập căn cứ chống giặc. Mã Viện sai quân vây chặt căn cứ, chặn đường tiếp tế lương thực. Thế cùng lực tận, Nữ tướng đã gieo mình xuống núi Giát Dâu tuẫn tiết. Ảnh: Ngọc Sơn
hai-phong-hang-nghin-nguoi-du-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-nu-tuong-le-chan-8.JPG
Với những công đức lớn lao của Nữ tướng Lê Chân - Thánh Chân công chúa, trải qua gần hai nghìn năm, bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, người dân Hải Phòng đã lập đền thờ phụng, suy tôn bà lên bậc Thánh Mẫu, là thành hoàng của vùng đất ven biển, công đức của vị nữ tướng còn in đậm trong tâm trí người dân Hải Phòng, những di tích và những huyền thoại về bà vẫn được Nhân dân truyền tụng ghi nhớ. Ảnh: Ngọc Sơn
hai-phong-hang-nghin-nguoi-du-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-nu-tuong-le-chan-7.JPG
Nhớ đến công đức của Bà, từ xa xưa Nhân dân Hải Phòng và các vùng phụ cận tổ chức nhiều hoạt động lễ hội tại đền Nghè, đình An Biên…để bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn một vị tướng tài ba, tâm phúc của Hai Bà Trưng. Những giá trị tinh thần đó trải qua thời gian được kết tinh lại thành giá trị văn hóa vô giá của dân tộc nói chung và của người dân Hải Phòng nói riêng, tiếp nối lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016 và tổ chức hằng năm vào ngày mồng 7, mồng 8, mồng 9 tháng 2 âm lịch. Ảnh: Ngọc Sơn
hai-phong-hang-nghin-nguoi-du-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-nu-tuong-le-chan-6.jpg
Lễ hội Truyền thống Nữ tướng năm nay có các hoạt động chính như lễ, tế và các trò chơi dân gian mà hầu hết ở các lễ hội của Đồng bằng Bắc Bộ đều có như: Cờ tướng, cờ người, bắt vịt, chương trình chợ quê… Trong đó, điểm nhấn là chương trình khai mạc Lễ hội được tổ chức vào tối 17-3. Ảnh: Ngọc Sơn
hai-phong-hang-nghin-nguoi-du-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-nu-tuong-le-chan-9.JPG
Trước khi diễn ra lễ khai mạc, lễ rước bộ được thực hiện theo nghi thức truyền thống. Hai đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.500 người theo đúng nghi lễ truyền thống với các Dàn bát âm, Đội sanh tiền, Dàn bát biểu, Chấp kích, Kiệu hoa, Lọng che, Kiệu võng, Đoàn tế nữ quan… Đám rước xuất phát từ Đền Nghè và Đình An Biên đi qua các tuyến phố về khu vực trước Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Sau lễ rước bộ là lễ dâng hương, dâng rượu, dâng hoa thuỷ tiên lên Nữ tướng Lê Chân. Ảnh: Ngọc Sơn
hai-phong-hang-nghin-nguoi-du-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-nu-tuong-le-chan-10.JPG
Sau bài phát biểu khai mạc là phần hoạt cảnh công phu được biểu diễn bởi hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, kể lại cuộc đời của Nữ tướng Lê Chân - vị Thánh mẫu, Thành hoàng làng của người dân Đất Cảng. Sau lễ khai mạc, Lễ hội Truyền thống Nữ tướng Lê Chân sẽ diễn ra đến hết ngày 18-3. Ảnh: Ngọc Sơn

Đọc thêm