Tám ngày sau vụ tấn công của Houthis vào tàu True Confidence ở Biển Đỏ khiến một thuyền viên Việt Nam tử nạn, tối qua, 14-3, ba thuyền viên người Việt Nam có mặt trên tàu đã trở về nhà an toàn từ Djibouti, sau chặng hành trình hơn 15 giờ bay, quá cảnh tại Ethiopia và Bangkok (Thái Lan).
Chưa bao giờ nghĩ là tàu bị trúng tên lửa
Tối 14-3, các thuyền viên trên tàu True Confidence đã trở về nước. Máy trưởng Phạm Văn Thành (Hải Phòng) và máy ba Phùng Văn An (Thái Bình) được công ty đưa về tận nhà, trong khi máy hai Nguyễn Văn Tảo (Hải Dương) được người nhà đón từ sân bay Nội Bài.
“Chúng tôi từng được tập huấn cách ứng phó với cướp biển, nhưng đây lại là trúng tên lửa, thực sự chưa bao giờ nghĩ tới” – máy trưởng Phạm Văn Thành kể lại.
Trước đó, sau khi đi qua vùng hay có cướp biển, tàu hàng đã dự định đưa cho các cảnh vệ xuống tàu, nhưng không ngờ đến trường hợp bị lực lượng Houthis tấn công.
Anh Thành cho biết, trước khi tàu hàng bị tấn công, khi đi đến địa phận Yemen, qua radio, đã có cảnh báo (chưa rõ của lực lượng Houthis hay của quân đội) về việc tàu chưa được phép qua vùng biển này. Trong khi tàu đang chuẩn bị quay đầu lại thì trúng tên lửa.
“Lúc tên lửa bắn, tôi đang ở dưới buồng máy, tính toán dầu mỡ. Nghe thấy tiếng nổ lớn, tôi chỉ biết gọi hai thuyền viên đang cùng ở trong buồng máy chạy thoát nạn” – Anh Thành nhớ lại.
Sau khi vượt qua đám khói trong buồng máy, đi lên qua một nhịp cầu thang, các thuyền viên đã có mặt trên boong tàu để tập trung, kiểm đếm số người.
“Lúc này, không thấy đại phó Đặng Duy Kiên đâu, mấy anh em Việt Nam mới vội vàng tìm. Đồng hương với nhau phải tìm nhau trước. Khi này, mới thấy phía bên trên hô đại phó bị thương. Mọi người cùng đưa anh Kiên trong tình trạng bị bỏng xuống và dìu lên bè cứu sinh” – anh Thành kể.
Trong khi đó, ở khoảnh khắc tàu trúng tên lửa, máy hai Nguyễn Văn Tảo đang nghỉ trưa trong phòng, anh giật mình bởi tiếng nổ lớn. Anh Tảo nói, cửa chính phòng ngủ bị kẹt không mở được, sức ép của tên lửa làm cửa sổ bị vỡ, anh vội thoát ra ngoài qua lối đó.
"Nhìn qua cửa sổ thấy khói đen bốc lên, tôi không kịp cầm theo đồ dùng cá nhân, vội lấy chiếc áo phao và ra phía sau tàu tập trung. Sau đó chúng tôi thả bè cứu sinh và cùng nhau nhảy xuống" – anh Tảo nhớ lại.
Bè cứu sinh xuôi theo dòng hải lưu trên biển. Trên bè cứu sinh, mọi người cùng động viên nhau hãy bình tình và liên tục dùng thiết bị liên lạc chuyên dụng để phát tín hiệu cầu cứu. Phải hơn một giờ đồng hồ, tàu chiến của hải quân Ấn Độ mới có thể tiếp cận.
“Người mạnh khoẻ được máy bay trực thăng thả dây xuống đưa lên trực thăng. Còn những người bị thương được đưa xuống xuồng rồi đưa lên tàu chiến” – anh Thành nói.
Nói về đại phó Đặng Duy Kiên, anh Thành nói lúc này anh Kiên đã mất rồi.
“Lúc xuống bè cứu sinh thì Kiên vẫn tỉnh táo, tuy nhiên sau đó mệt quá, lịm đi và cứ thế ra đi…” – anh Thành bùi ngùi kể lại.
Thi thể đại phó Đặng Duy Kiên sẽ được đưa về nước trong vài ngày tới
Máy trưởng Phạm Văn Thành kể sau khi lên tàu chiến, chỉ khoảng hơn một giờ tàu cập cảng đất nước Djibouti. Anh cùng các thuyền viên khác đã được đưa về tại một khách sạn. Các nạn nhân khác bị thương, bao gồm cả thi thể ba người thiệt mạng được đưa thẳng vào bệnh viện.
Anh Thành cho biết trong những ngày ở Djibouti, anh cùng các thuyền viên Việt Nam liên tục được Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cũng như các cơ quan hữu quan hỗ trợ để có thể hoàn tất các thủ tục về nước. Do toàn bộ giấy tờ của các thuyền viên đều đã thất lạc sau khi tàu trúng tên lửa nên phải làm lại các giấy tờ cần thiết.
Theo thông tin anh Thành nắm được, nước sở tại cũng đã làm giấy chứng tử cho anh Kiên, các bên liên quan đang làm thủ tục để sớm đưa thi thể anh Kiên về với gia đình.
“Qua điện thoại, họ hỏi tôi phong tục của Việt Nam là như thế nào để có thể đưa anh Kiên về nước. Sau khi tham khảo, họ nói sẽ đưa toàn vẹn thi thể anh Kiên về. Hiện, theo thông tin tôi biết, công ty đang tìm chuyến bay để đưa anh Kiên về nước sớm nhất có thể bởi không phải máy bay nào cũng chở người đã mất” – anh Thành nói.
Như PLO đã đưa tin, ngày 6-3, tàu hàng mang tên True Confidence, số IMO 9460784, treo cờ Barbados đang trên hành trình từ Singapore đến Jeddah, Saudi Arabia, khi cách cảng Aden, Yemen hơn 90km, tàu bị trúng tên lửa và bốc cháy. Trên tàu có 20 thuyền viên, gồm 15 người Philippines, 4 người Việt Nam và một người Ấn Độ. Ba bảo vệ có vũ trang trên tàu gồm hai người Sri Lanka và một người Nepal.
Hậu quả là ba thuyền viên trên tàu đã thiệt mạng gồm đại phó Đặng Duy Kiên (trú tại phường Đằng Lâm, quận Hải An Hải Phòng), hai thuyền viên người Philippines. Nhiều người khác bị thương.