Ba ngày sau vụ tàu hàng bị Houthis tấn công trên biển Đỏ, tâm lý của ba thuyền viên người Việt Nam có mặt trên tàu khi đó đã dần ổn định.
Gọi điện về cho gia đình, máy trưởng Phạm Văn Thành (trú phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng) cho biết sau khi sự việc xảy ra, toàn bộ thuyền viên trên tàu đã phải dìu nhau xuống xuồng cứu sinh để chờ cứu hộ.
Chờ đợi gần 2 giờ đồng hồ, tàu chiến của hải quân Ấn Độ mới có thể tiếp cận và đưa các thuyền viên lên tàu.
Anh Thành cho biết ngay sau được đưa vào bờ, anh cùng các thuyền viên khác đã được đưa về tại một khách sạn ở Djibouti, quốc gia ven bờ Biển Đỏ. Các nạn nhân khác bị thương, bao gồm cả thi thể ba người thiệt mạng (trong đó có một đại phó người Hải Phòng) được đưa thẳng vào bệnh viện.
Anh Thành nói sau khi đưa về khách sạn, đại lý tàu đã sắp xếp phòng nghỉ cho các thuyền viên, sau đó trang bị cho mỗi người một chiếc điện thoại để liên lạc với gia đình. Hiện, tâm lý của các thuyền viên đều đã ổn định và chờ được trở về nước.
Cũng theo anh Thành, trong những ngày vừa qua, anh liên tục làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cũng như các cơ quan hữu quan để có thể hoàn tất các thủ tục về nước. "Toàn bộ giấy tờ của các thuyền viên đều đã thất lạc sau khi tàu trúng tên lửa nên phải làm lại các giấy tờ cần thiết" - anh Thành nói.
Anh Thành được thông báo hộ chiếu mới đã được Đại sứ quán tích cực hoàn thành và dự kiến trong ngày mai (10-3), Đại sứ quán sẽ trực tiếp đến khách sạn nơi anh và các thuyền viên Việt Nam đang ở để đưa tận tay. “Theo thông tin từ đại lý tàu và công ty, đến ngày 13-3, chúng tôi có thể bay về nước” – anh nói.
Chị Mai (vợ anh Thành) cho biết trong số các thuyền viên Việt Nam, chỉ có anh Thành mang theo điện thoại sau khi gặp nạn, vì vậy ngay khi về đến khách sạn anh đã gọi điện về cho chị để gia đình yên tâm. Tuy nhiên, chiếc điện thoại cũng hỏng camera do ngấm nước lâu.
Như PLO đã thông tin, anh Thành cùng ba thuyền viên người Việt Nam khác có mặt trên tàu hàng True Confidence bị tên lửa Houthis tấn công hôm 6-3 vừa qua.
Ba thuyền viên Việt Nam còn lại gồm đại phó Đặng Duy Kiên, 41 tuổi, quê Hải Phòng, máy hai Nguyễn Văn Tảo, 36 tuổi, quê Hải Dương; máy ba Phùng Văn An, 33 tuổi, quê Thái Bình. Trong đó, đại phó Đặng Duy Kiên đã tử nạn do bị bỏng quá nặng.
Về sự việc đại phó Đặng Duy Kiên, anh Thành thông tin đến ngày hôm nay, 9-3, nước sở tại đã làm giấy báo tử.
Liên quan đến sự việc, chiều tối 7-3, bà Phạm Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Yemen và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Djibouti, liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị cung cấp thông tin về tình trạng các công dân Việt Nam trên tàu.
Các cơ quan đại diện Việt Nam sẽ tiếp tục liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, khẩn trương tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân, xử lý các vấn đề hậu sự cho thuyền viên tử vong nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.