Liên bộ Tài nguyên & môi trường – Y tế - Nông nghiệp & phát triển nông thôn sáng nay, 20-9, đã phát đi thông báo khẳng định tất cả các loại hải sản như cá ngừ, thu, nục, chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá trích, cá đối, cá cơm… - là những giống sống ở tầng nổi cũng như các đầm nuôi thuộc bốn tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng thực phẩm.
Theo đó, chỉ những loài sống tầng đáy như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, bạch tuộc, cá đục, cua đá… trong khu vực 20 hải lý kể từ bờ là vẫn còn độc chất, không đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, ba khu vực biển tính từ bờ ra ngoài 1,5km, gồm quanh hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), vùng cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình), và vùng quanh hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế) thì cả hải sản tầng mặt, tầng đáy đều chưa đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là những vùng chịu tác động dòng xoáy cục bộ nên tồn dư độc chất còn lớn, cần tiếp tục được giám sát.
Chia sẻ thêm thông tin, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, kết quả quan trắc môi trường với 19 bãi tắm tự nhiên dọc bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều khẳng định nước biển đạt quy chuẩn số 10 cho bãi tắm, hoạt động thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và phát triển thủy sinh vật.
Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, việc cấm đánh bắt hải sản tầng đáy khu vực 20 hải lý trở vào, ngoài đảm bảo an toàn cho người sử dụng còn có ý nghĩa giúp sớm khôi phục hệ sinh thái vùng biển này: “Hiện đã phát hiện nhiều loài cá sinh sống trở lại, trong đó có nhiều giống giá trị kinh tế cao. Bảo tồn phát triển bây giờ sẽ mang lại lợi ích kinh tế lâu dài sau này”.
Không khai thác hải sản tầng đáy
Ngoài các nội dung nêu trên, thông tin mới nhất được cập nhật trong lần công bố này là Bộ Y tế cho biết đã triển khai đánh giá quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản, được lấy hàng ngày kể từ 22-8.
Các mẫu này được thu thập ở tất cả các cảng cá, gò cá, đầm nuôi thuộc bốn tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng sự cố môi trường nghiêm trọng do Formosa gây ra. Các mẫu được kiểm nghiệm các chỉ tiêu xyanua, phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen, sắt tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Dinh dưỡng – hai nơi đạt tiêu chuẩn quốc tế về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Song song đó là kiểm nghiệm đối chứng với 300 mẫu hải sản lấy từ Hải Phòng, Khánh Hòa, Vũng Tàu – là những nơi không chịu ảnh hưởng vụ Formosa. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, khoa học, các mẫu cũng được gửi tới các phòng kiểm nghiệm ở Nhật Bản, Singapore.
Kết quả: Tất cả các mẫu hải sản tại bốn tỉnh miền Trung và nhóm đối chứng đều không có xyanua – chất được xác định là một nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt. Các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt đều nằm trong giới hạn cho phép. Các kết quả với hải sản tại các đầm nuôi đều đảm bảo an toàn.
Riêng với chỉ số phenol, có kết quả khác nhau: Tất cả các mẫu hải sản sống ở tầng nước nổi đều không phát hiện có phenol. Có 132 mẫu có phenol thì đều là các loài ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá – là các loài hải sản sống tầng đáy. Những mấu có phenol này đều nằm trong vùng gần bờ bốn tình miền Trung, trong khoảng 2,7-13,5 hải lý, trong đó tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất thuộc về Hà Tĩnh, Quảng Bình, và thấp nhất thuộc về vùng biển Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Để tăng tính an toàn, Bộ Y tế đề nghị mở rộng khu vực không khai thác, sử dụng hải sản tầng đáy tới 20 hải lý kể từ bờ.