Hạn bàn thắng và sự thực dụng của V-League

Bảy trận vòng 4 V-League chỉ có 12 bàn thắng được ghi, bình quân hơn 1,7 bàn mỗi trận. Có những đội duy trì tư tưởng ra sân không thua hoặc có cơ hội ăn một bàn thì co về thủ cho chặt để giữ tỉ số mong manh.
SHB Đà Nẵng đầu bảng vẫn không thể duy trì con số toàn thắng với cú ngã ngựa 0-1 trên sân Quy Nhơn, hay bất ngờ Hải Phòng đánh bại chủ nhà B. Bình Dương 1-0 cho thấy sự khắc nghiệt và tương đồng về trình độ rất khó lường ở V-League. Có đến 10 đội chỉ hơn kém nhau sít sao một trận thắng, gồm SHB Đà Nẵng, Hải Phòng (9 điểm), Viettel, HA Gia Lai, Bình Định (cùng 7 điểm), Than Quảng Ninh, Sài Gòn FC, TP.HCM, Hà Nội, B. Bình Dương (cùng 6 điểm). Nghĩa là chỉ cần thắng thua ở một vòng đấu, trật tự trên bảng xếp hạng có xáo trộn đáng kể.

Có những trận và những đội ra sân với tư tưởng quây chặt, “đặt xe buýt” để không thua trước đã. Ảnh: PHƯƠNG NGHI 

Thậm chí, cơ hội cho Thanh Hóa, SL Nghệ An (cùng 4 điểm) hay Nam Định (3 điểm) vươn lên không xa. Ngay cả đội cuối bảng Hà Tĩnh dù toàn thua ba trận mà chơi trên sân nhà vẫn chỉ dám đặt mục tiêu hòa HA Gia Lai (đã hòa 0-0). Những toan tính khiêm tốn và chặt chẽ khiến cho cuộc chơi ngày càng căng thẳng, đặc biệt là khi tất cả đều phải gồng mình từ nay cho đến vòng 13 đầu tháng 5 để đội tuyển quốc gia tập trung.
Mùa này V-League khốc liệt hơn mùa trước, do buộc phải chạy đua với thời gian bị ngắt quãng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khiến 14 đội phải đá với mật độ dày hơn, trong hoàn cảnh CLB không có nhiều thay đổi và hiểu nhau rõ hơn. Bên cạnh đó, tham vọng đua vô địch của các đội bóng gia tăng làm cho cuộc đua vào nhóm trên (sáu đội) sau lượt đi càng thêm chật chội.
Cơn hạn bàn thắng ở V-League đã xuất hiện và nhiều khả năng kéo dài vì toan tính thực dụng của nhiều CLB ưu tiên lối đá phòng ngự để không thua, trước khi nghĩ đến cách lấy 3 điểm. Tuy nhiên, một số ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch sẽ phải táo bạo bứt phá tạo khoảng cách an toàn, gần như chỉ tập trung vào nhóm đội có nhiều tuyển thủ quốc gia, có nội lực cỡ Hà Nội, Viettel, HA Gia Lai hay phần lớn Sài Gòn FC, TP.HCM khi bình ổn đội hình. Cơ hội cho các CLB còn lại nhảy vào tốp trên không quá lớn, do lực lượng chưa đều và thiếu tham vọng.
Trận derby Sài thành được kỳ vọng nhưng khi xem lại rất thất vọng bởi nặng tính chiến thuật cùng tư tưởng không thua khiến người xem không hài lòng với một trận derby được mong đợi. Thậm chí là có hình ảnh cố tình nằm chấn thương để câu giờ sao cho trận đấu kết thúc không bàn thắng. 
Có thể phải chờ ít nhất ba vòng đấu nữa, khi cuộc chơi nửa giai đoạn 1 phần nào an bài, V-League mới có dấu hiệu vào thế được ăn cả, ngã về không để sức hấp dẫn và gay cấn tăng cao hơn.•
Ẩn ức trọng tài
Cứ sau mỗi vòng đấu, giới trọng tài bị than phiền không nhiều thì ít, dù mới chỉ có CLB TP.HCM phản ứng mạnh mẽ hơn với yêu cầu Ban trọng tài VFF không cử nhóm trọng tài bị nghi xử ép bắt trận của mình nữa. Thầy trò HLV Polking vẫn biết không ai có ngoại lệ nhưng khi đã dám phá lệ với đề nghị trái quy định chứng tỏ có những ẩn ức khó giải tỏa. Vấn đề của CLB TP.HCM cũng là nỗi lo ngại chung của hầu hết đội bóng V-League bị oan ức và thiệt thòi vì tiếng còi từ giới trọng tài, không kể chiêu trò của CLB láu cá xem “vua sân cỏ” như nguyên nhân thua cuộc để... đổ thừa. TT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm