Hàn Quốc chuẩn bị kế hoạch xóa sổ Triều Tiên

Mỹ đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan (CVN-76) đến Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân chung từ ngày 10 đến 15-10.

Máy bay ném bom chiến lược

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 11-9 đưa tin đây là hành động biểu dương sức mạnh và cảnh báo trước sự kiện CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân hôm 9-9.

Mục đích tập trận nhằm hình thành lực lượng hải quân đồng minh để tấn công các cơ sở quân sự chiến lược của Triều Tiên và guồng máy chỉ đạo đất nước nếu có chiến tranh xảy ra.

Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), tàu sân bay USS Ronald Reagan có thể tiếp nhận khoảng 80 máy bay chiến đấu và 5.400 nhân viên phi hành đoàn.

Trong nhóm tác chiến tàu sân bay có các tàu khu trục Curtis Wilbur (DDG-54), John S. McCain (DDG-56), Fitzgerald (DDG-62), Stethem (DDG-63) và Barry (DDG-52). Quân đội hai nước Mỹ và Hàn Quốc còn dự tính triển khai các máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1B, B-2 của Mỹ ở đảo Guam đến Hàn Quốc.

Mục đích nhằm chứng tỏ sức mạnh của liên minh Mỹ-Hàn và khẳng định quyết tâm “đáp trả mở rộng” của Mỹ.

Máy bay ném bom tàng hình B-52 trang bị 16 quả bom hạt nhân B61/B83 và tên lửa hành trình không đối đất đã được triển khai đến Hàn Quốc sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư hồi đầu năm nay.

Máy bay này có thể chở theo 31 tấn bom và bay xa đến 12.230 km.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới sau cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Nhật, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim thông báo ngoài biện pháp của Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ và Nhật có thể thực hiện các biện pháp đơn phương, song phương hoặc phối hợp ba bên để trừng phạt Triều Tiên.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan được điều động đến Hàn Quốc tham gia tập trận từ ngày 10 đến 15-10. Ảnh: RIA NOVOSTI

Tên lửa đạn đạo hoặc bom

Tại Hàn Quốc, quân đội đã lập kế hoạch tấn công vào các vị trí của các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên ở Bình Nhưỡng trong trường hợp phát hiện có nguy cơ sắp tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 11-9 dẫn nguồn tin quân sự khẳng định như trên.

Nguồn tin cho biết kế hoạch mang tên “Trừng phạt hàng loạt ở Triều Tiên & Trả đũa (KMPR)” đã được đệ trình Quốc hội nhằm xóa sổ một số khu vực ở Bình Nhưỡng có các nhà lãnh đạo quân sự Triều Tiên.

Vũ khí được sử dụng trong kế hoạch KMPR là tên lửa đạn đạo hoặc bom có độ chính xác cao.

Trong số tên lửa có tên lửa đất đối đất Hyunmoo 2A (tầm bắn 300 km), Hyunmoo 2B (tầm bắn 500 km) và tên lửa hành trình Hyunmoo 3 (tầm bắn 1.000 km).

Quân đội Hàn Quốc đã dự kiến tăng thêm số tên lửa Hyunmoo, đồng thời năm tới sẽ triển khai loại tên lửa có tầm bắn 800 km.

Nguồn tin cho biết: “Đây là lần đầu tiên cơ quan chúng tôi tiết lộ kế hoạch tấn công này… Giải pháp KMPR là kế hoạch tác chiến tốt nhất mà không dùng vũ khí hạt nhân”.

Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc cũng đã thành lập các toán đặc nhiệm phụ trách tiêu diệt các nhà lãnh đạo quân sự của Triều Tiên tương tự trung đoàn biệt kích 75 của Mỹ.

Giải pháp quân sự

Ngày 11-9, văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo chính phủ đã sẵn sàng sử dụng “các giải pháp ngoại giao và quân sự” đối với Triều Tiên.

“Giải pháp quân sự” sẽ bao gồm thực hiện nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ, củng cố năng lượng quốc phòng chung với Mỹ như triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa, triển khai các biện pháp “đáp trả mở rộng” như ô hạt nhân (quốc gia sở hữu hạt nhân sẽ bảo vệ đồng minh không có vũ khí hạt nhân).

Một số nhà nghiên cứu còn chủ trương Hàn Quốc phải có vũ khí hạt nhân.

Ngày 11-9, chuyên gia Cheong Seong-chang ở Viện Nghiên cứu Sejong cho biết lần đầu tiên nhóm chuyên gia về hạt nhân và quốc phòng đã thành lập một tổ phản biện.

Ông giải thích: “Tổ nghiên cứu hạt nhân gồm 10 chuyên gia về Triều Tiên, hạt nhân và an ninh được thành lập vào đầu tháng 9… Các thành viên sẽ thảo luận sâu về các biện pháp phát triển vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc”.

Ông đánh giá biện pháp cấm vận Triều Tiên không hiệu quả nên Hàn Quốc cần sở hữu vũ khí hạt nhân.

Yonhap nhận định nếu Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến hậu quả như sau: Vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, bị quốc tế trừng phạt, ảnh hưởng đến hiệp ước quốc phòng Mỹ-Hàn.

Chỉ có một giải pháp khác là triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Hàn Quốc.

• Ngày 11-9, hãng thông tấn KCNA (CHDCND Triều Tiên) đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố: “(Tổng thống) Obama làm hết cách để từ chối trao (cho Triều Tiên) tiêu chuẩn quốc gia có vũ khí hạt nhân. Đây là điều ngốc nghếch khi cố lấy tay che mặt trời”.

• Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại đã triệu Đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh Ji Jae-ryong đến và nhấn mạnh nếu Triều Tiên tiếp tục phát triển hạt nhân thì sẽ gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Yonhap nhận định Trung Quốc triệu đại sứ Triều Tiên thay vì chỉ đưa ra tuyên bố nhằm chứng tỏ quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên.

• Ngày 10-9 (giờ địa phương), sau cuộc họp khẩn, Hội đồng Bảo an LHQ công bố thông cáo báo chí lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ và cho biết sẽ nhanh chóng soạn thảo nghị quyết trừng phạt mới.

• Sau cuộc họp khẩn vào chiều 10-9, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se thông báo chính phủ đã quyết định không đàm phán với Triều Tiên, đồng thời sẽ gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên. Các biện pháp tăng sức ép mạnh gồm gia tăng cấm vận nặng hơn, triển khai các biện pháp “đáp trả mở rộng” của Mỹ như ô hạt nhân và lá chắn tên lửa.

______________________________

55 quốc gia và năm tổ chức quốc tế đã tuyên bố phản đối vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên hôm 9-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm