'Hằng Marin'- Người đi tìm thân nhân cho liệt sĩ

'Hằng Marin'- Người đi tìm thân nhân cho liệt sĩ

(PLO)- Với mong muốn thân nhân các gia đình liệt sĩ tìm lại được mộ người thân, chị Ngô Thị Thúy Hằng đã đi tìm thân nhân cho liệt sĩ ở khắp mọi miền tổ quốc. 

Trên đất nước của chúng ta hôm nay, có rất nhiều gia đình vẫn mải miết đi tìm mộ của liệt sĩ vẫn nằm lại đâu đó trong rừng xanh, núi đỏ. Nhưng cũng trên dải đất hình chữ S này, 13 năm qua có một người phụ nữ làm điều ngược lại: Đi tìm thân nhân cho liệt sĩ.

Chị là Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Trung tâm Marin), nhiều người quen gọi chị là "Hằng Marin".

hang-marin-nguoi-di-tim-than-nhan-cho-liet-si-5.JPG
Chị Ngô Thị Thúy Hằng (áo đỏ) bên các hài cốt liệt sĩ vừa được quy tập. Ảnh: NVCC.

Cuộc gọi cuối năm

Ông Nguyễn Công Ninh (Nghệ An) vẫn nhớ như in cuộc điện thoại vào một ngày cuối năm. Ông nói vanh vách với chúng tôi: “Chính xác là vào lúc 9 giờ 51 phút ngày 15-12-2022, tôi đang trên đường đi làm thì nhận được một cuộc gọi của một người phụ nữ.

Chị ấy giới thiệu mình đến từ một trung tâm gì đó mà nghe tên loảng xoảng như gió Lào. Chị cho biết mộ của bố tôi đang an táng tại xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi”.

Người gọi điện cho ông Ninh chính là chị Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Marin. Cuộc điện thoại đó khiến cho ông chuyển từ bất ngờ sang ánh lên một tia hi vọng.

Bởi hàng chục năm nay, cầm trên tay giấy báo tử của bố, với mong mỏi đưa thi hài bố trở về với quê hương, dấu chân ông đã đặt đến khắp mọi miền tổ quốc. Thế nhưng đi đến đâu ông cũng nhận về cái lắc đầu.

ang-marin-nguoi-di-tim-than-nhan-cho-liet-si.jpg
Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Công Nam từ Nghĩa trang xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện nhà. Ảnh: GĐCC.

Điều đó càng được nhen nhóm trong ông khi chị Hằng gửi cho ông những bức ảnh chụp lại mộ bố ông, liệt sĩ Nguyễn Công Nam ở một nghĩa trang của tỉnh Quảng Ngãi.

Năm tháng trôi qua, người con trai xa bố từ lúc hai tuổi tưởng như không thể hoàn thành được tâm nguyện của mình. Thế mà cuộc gọi ngày cuối năm ấy đã mở ra cho ông một hành trình mới, một hành trình đầy niềm vui.

“Thú thật lúc đó trong gia đình chúng tôi cũng có người hồ nghi. Tại sao lại có một người đi làm một việc không công như thế. Nhưng cũng có người bảo, người ta có đòi hỏi gì đâu mà mình sợ. Thế là tôi càng vững tin” - ông Ninh nói.

Chỉ sau cuộc gọi hai ngày, ngày 17-12-2022 gia đình ông Ninh gồm có con, cháu, chắt cùng khăn gói lên đường từ tỉnh Nghệ An đến đúng nghĩa trang nơi bố ông an nghỉ.

“Đó là một ngày trời đổ mưa tầm tã. Nhìn thấy mộ bố, tôi chỉ biết oà khóc rồi hét to bố ơi, bố đây rồi. 55 năm qua con vẫn đi tìm bố khắp nơi. Bố ơi!” - ông Ninh xúc động kể.

Tìm thấy mộ bố, nhưng để đưa được thi hài ông về với quê nhà Nghệ An lại không hề đơn giản. Ông Ninh kể lúc đó cũng chính chị Hằng và Trung tâm Marin đã thay mặt gia đình ông gửi đi các văn bản, giấy tờ để xác định mộ phần bằng phương pháp thực chứng và loại trừ.

Đến ngày 11-6-2023, giấy báo tìm mộ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi đã bổ sung phần còn thiếu thông tin.

Niềm vui của gia đình trở nên trọn vẹn khi ngày 20-3-2024, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, phối hợp với xã Nghĩa Đức, cùng gia đình thân nhân đã tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Công Nam từ Nghĩa trang xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện nhà.

Trả đúng tên cho liệt sĩ

Chị Hằng lý giải một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến cho người thân không tìm được mộ liệt sĩ, nằm ở việc không khớp nối đúng thông tin trên mộ phần và giấy báo tử.

“Như trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Công Nam, khi tôi rà soát dữ liệu ở Nghĩa trang tỉnh Quảng Ngãi thì có tên chú và đơn vị nhưng lại không ghi quê quán. Mất một thời gian tôi mới xác định được quê chú ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, sau đó, tôi tìm thông tin và liên hệ với gia đình để cung cấp thông tin” - chị Hằng kể.

Cầm đống hồ sơ, giấy tờ nặng trịch trên tay, chị Hằng mô tả rất nhiều ngôi mộ các liệt sĩ ở trên đất nước ta sai thông tin trên bia mộ với giấy báo tử, đó chính là nguyên nhân khiến cho gia đình thân nhân liệt sĩ không tìm được nơi mà người thân mình đã được chôn cất.

hang-marin-nguoi-di-tim-than-nhan-cho-liet-si-4.jpg
Chị Ngô Thị Thúy Hằng, giám đốc Trung tâm Marin trong một lần tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ. Ảnh: NVCC.

“Có người tên là Đỗ Văn Liệu, trên mộ lại ghi Đỗ Văn Liên, có liệt sĩ tên là Trần Văn Hưởng mà trên mộ ghi Trần Văn Ương” - chị Hằng dẫn chứng.

Chị Ngô Thị Thuý Hằng cũng nhớ lại một trường hợp vào năm 2009, đó là ông Đoàn Trình Toại ở TP Hải Phòng.

Dù đang sống sờ sờ và đang điều hành một công ty, nhưng bỗng một ngày ông nhận được điện thoại của đồng đội cho biết họ nhìn thấy ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Tân, Hoài Nhơn, Bình Định có một ngôi mộ ghi đúng tên ông với đầy đủ thông tin.

Khi xác định đó là "ngôi mộ" của mình, ông Đoàn Trình Toại đã phải bắt đầu một hành trình để chứng minh mình còn sống và thôi làm liệt sĩ.

Nhưng hành trình này cũng không hề đơn giản. Ông Hoàng Quang Khang lúc đó đã làm bài thơ Viếng bạn, tặng Đoàn Trình Toại, trong đó có những câu:

"Ngậm ngùi trước mộ bạn tôi/ Vui buồn trộn với đắng cay sự đời/ Hỡi người “Liệt sĩ bia” ơi/ Vẫn đang khỏe mạnh sao ngồi ở đây/ Còn ai ngủ dưới mồ sâu?"

Ông Đoàn Trình Toại giờ đã không còn nữa, ông đã về với đồng đội ở bên kia thế giới. Chị Hằng kể thêm: "Lúc ông còn sống, tôi đã có dịp trò chuyện với ông để hỏi thêm về nguồn cơn có mộ khi đang còn sống".

Theo lời kể của ông Toại, ông vốn là lính đặc công, đêm hôm ấy lính đặc công và bộ đội địa phương kết hợp với nhau để đánh trận.

Trước khi bị bắt, ông Toại đã vứt lại hết giấy tờ bên xác một người. Có thể khi được đưa đi chôn trong đêm có sự nhầm lẫn giữa thông tin trên giấy tờ và thi thể.

ang-marin-nguoi-di-tim-than-nhan-cho-liet-si-5.jpg
Chị Hằng trong một lần tư vấn cho thân nhân liệt sĩ. Ảnh: NVCC.

Kể thêm về một trường hợp gần đây nhất, chị Hằng nhắc đến câu chuyện tìm thân nhân cho liệt sĩ Nguyễn Hữu Quynh.

Trung tâm Marin đã dành nhiều công sức thu thập, xác minh thông tin trong gần hai năm để có đủ cơ sở chứng minh ngôi mộ số 02, hàng 6B, lô 2B, khu B Nghĩa trang liệt sĩ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước ghi tên liệt sĩ Vũ Đức Huynh, nguyên quán Kiến Xương, Thái Bình chính là mộ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Quynh, nguyên quán xã Quang Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Căn cứ được xác lập từ các tài liệu sau: Danh sách và sơ đồ chôn cất 89 liệt sĩ tại Viện K59 do Viện 175 lập năm 1981;

Biên bản bàn giao quy tập giữa Sư đoàn bộ binh 5 và Phòng Thương binh -Xã hội huyện Lộc Ninh, ngày 20-9-1985;

Giấy tờ có liên quan của cựu chiến binh Đặng Văn Miên, người chứng kiến trường hợp hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Hữu Quynh;

Giấy xác nhận nơi liệt sĩ Nguyễn Hữu Quynh hy sinh tại Viện K59 do Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cấp.

Tuy nhiên đến nay việc trả lại tên cho liệt sĩ vẫn chưa đi đến hồi kết.

Dò theo bước chân liệt sĩ

Nói về nguồn cơn bắt đầu công việc tìm thân nhân cho liệt sĩ đầy ý nghĩa này, chị Hằng chỉ cho chúng tôi bức ảnh một liệt sĩ treo trong phòng và bảo: “Bác tôi đấy. Bác là một người lính đã hi sinh vì tổ quốc. Tôi chỉ biết mình có một người thân là liệt sĩ khi đã lớn và được nghe mẹ kể lại”.

Như có một sự thúc giục vô hình nào đó, tôi tìm các kênh tiếp nhận đi tìm liệt sĩ để gửi thông tin về bác mình đi. Tôi cũng hỏi mẹ thông tin về bác, nhưng chính mẹ, một người em gắn bó với anh mình cũng lơ mơ về thông tin” - chị Hằng kể.

tìm thân nhân cho liệt sĩ
Chị Ngô Thị Thuý Hằng bên một bia mộ liệt sĩ. Ảnh: NVCC.

“Mẹ mình còn lơ mơ thì nhiều gia đình khác cũng như vậy” - chị Hằng thầm nghĩ. Trong dằng dặc nhiều năm, chị Hằng đã theo các đoàn quy tập liệt sĩ có mặt ở nhiều nơi trên đất nước ta, đã tận mắt nhìn thấy không biết bao nhiêu hài cốt, nhìn nhiều đến nỗi đã có lúc chị thấy sợ và ám ảnh.

Bao nhiêu nỗ lực để tìm mộ bác ruột mình nhưng mộ bác vẫn đâu đó như sương khói trên núi đồi - những nơi chị đã đi qua. Tìm hiểu và thực tế nhiều, chị hiểu rằng có những liệt sĩ không thể tìm được mộ.

Thời gian có sức tàn phá kinh khủng. Có những ngôi mộ khi được khai quật, tờ giấy được ghi tên liệt sĩ được đựng trong lọ thuốc cũng đã biến thành bột giấy. Chỉ có những ngôi mộ được lính pháo binh chôn cất thì tờ giấy ghi tên liệt sĩ mới đọc được thông tin.

Bởi lẽ, lính pháo binh thường có mỡ để bôi vào quân khí, sau khi viết tên đồng đội mình, họ lấy mỡ đó bôi lên mặt giấy rồi bỏ vào lọ thuốc, nhờ vậy thông tin trên tờ giấy vẫn còn có thể đọc được.

Mải miết đi tìm mộ bác một thời gian, đến năm 2009, chị mới chợt nhận ra rằng cứ đi tìm thế này cũng không bao giờ tìm được mộ bác. Bác cũng như rất nhiều đồng đội khác trên đất nước ta đã nằm lại mà không ai biết tới.

Việc đi tìm mộ liệt sĩ không chỉ là đi tìm hài cốt mà người thân hãy tìm hiểu thông tin, đi theo bước chân hành quân của liệt sĩ, để biết được rằng liệt sĩ đó đã chiến đấu với ai, đã hy sinh thế nào để có bức tranh chung về liệt sĩ.

Nhiều gia đình chỉ đi tìm ngọn mà không tìm gốc. Bức tranh chung về liệt sĩ có thể phải cần tới 10 mảnh ghép, nhưng nếu chúng ta chỉ có 9 mảnh ghép thôi cũng phải chấp nhận.

Chị Ngô Thị Thúy Hằng nói.

Xuất phát từ quan điểm cá nhân đó, chị ngưng việc đi tìm mộ bác mà chuyển sang việc số hoá toàn bộ thông tin về liệt sĩ trên một trang web. Chị cũng xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ trên nền tảng mạng và cuối cùng, chị làm một công việc như bao nhiêu năm nay vẫn làm - tìm thân nhân cho liệt sĩ.

“Thân nhân đi tìm liệt sĩ có thể tìm sai, nhưng chúng tôi đi tìm thân nhân cho liệt sĩ không bao giờ tìm sai được và điều đó mang niềm vui cho gia đình ngay lập tức.

Có những liệt sĩ mà trong hồ sơ ghi tan xác, không làm được công tác tử sĩ thì gia đình liệt sĩ rất đau, còn chúng tôi tìm được liệt sĩ rồi, tìm được mộ và báo cho thân nhân thì họ nhận lại niềm vui rất lớn” - chị Hằng nói.

Quá trình tìm thân nhân cho liệt sĩ, tính đến nay, chị Hằng và Trung tâm đã tìm được 1.070 hài cốt là những mộ thiếu thông tin, sai thông tin và liên hệ với gia đình để đến nhận.

Khi được hỏi về việc không nhận bất cứ khoản hỗ trợ nào từ hoạt động tìm thân nhân cho liệt sĩ, chị và Trung tâm Marin lấy đâu ra kinh phí để duy trì, chị Hằng đưa tay khoát một vòng xung quanh căn phòng nhỏ này nói:

“Đây, chỗ này chính là nơi làm việc của tôi. Tôi là giám đốc không có nhân viên. Tôi không có tiền để trả cho họ. Lúc trước tôi thuê phòng làm việc cho Trung tâm tháng mất 10 triệu, đó là một áp lực rất lớn. Bởi vậy tôi mới quyết định chuyển Trung tâm về nhà mình”.

hang-marin-nguoi-di-tim-than-nhan-cho-liet-si-3.jpg
Để tiết kiệm chi phí hoạt động của Trung tâm, những năm gần đây chị đã chuyển phòng làm việc của Trung tâm về nhà riêng. Ảnh: VT.

Không có nhân viên, nhưng chị Hằng trân trọng những tình nguyện viên, những người đã có mặt giúp đỡ chị trong hành trình tìm thân nhân cho liệt sĩ.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và chị thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại từ thân nhân liệt sĩ. Nghe xong điện thoại chị lại buông tiếng thở dài.

“Có những gia đình không chấp nhận thực tế khi hồ sơ đã ghi hài cốt đã phân huỷ, nhưng họ vẫn đi tìm, tìm một cách vô vọng. Thậm chí còn năn nỉ chúng tôi giúp họ” - chị Hằng kể.

Câu chuyện tìm thân nhân cho liệt sĩ của chị Hằng Marin lại chuyển sang những trăn trở khác. Chị băn khoăn, thậm chí bất bình khi thân nhân liệt sĩ phải đi chứng minh ngôi mộ là người thân của mình, khi họ không có dữ liệu trong tay...

Đọc thêm