Nay đổi tên là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện VN với chủ mới - thâu tóm 65% cổ phần và kiểm soát hãng phim - vốn là những người làm nghề vận tải thủy (Tổng Công ty Vận tải thủy - Vivaso). Mặc dù việc cổ phần hóa Hãng phim truyện VN đã thông qua mấy tháng nay nhưng dư luận xã hội vẫn râm ran thắc mắc về chuyện có lợi ích nhóm hay không? Tại sao định giá hãng phim với bốn khu đất vàng ở Hà Nội và TP.HCM rẻ mạt vậy? Và cả những chuyện lùm xùm trong cách điều hành gây phẫn nộ của chủ mới.
Có lẽ muốn tai nghe mắt thấy nên ngày 20-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi bộ “vi hành” đến hãng phim, gặp gỡ và trò chuyện với các nghệ sĩ, nhân viên để lắng nghe các phản ánh của họ. Ngày hôm sau, 21-9, ông đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện VN. Phó Thủ tướng nói: “Cái gì Nhà nước bán thì định giá thấp, cái gì Nhà nước mua thì định giá cao”. Có lẽ ông muốn nói việc định giá hãng phim rẻ mạt đã bị dư luận xã hội phản ứng. Hy vọng đợt thanh tra này sẽ làm minh bạch, rõ ràng việc cổ phần hóa hãng phim.
Mấy ngày trước đó đã có buổi đối thoại giữa nhà đầu tư (chủ mới), ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso - đơn vị chiếm cổ phần kiểm soát hãng phim, với các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ của hãng như đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Nhuệ Giang, Lê Hồng Sơn, Quốc Tuấn... Ai có theo dõi cuộc đối thoại này chắc sẽ cười ra nước mắt. Ông Thủy Nguyên cho biết sẽ dọn những phòng bên ngoài (trước đó ông đã cho sáp nhập bốn phòng ban thành “Phòng Nghệ thuật”) - rồi phá đi để dựng tấm biển quảng cáo thật lớn “cho mọi người biết là hãng phim có nhận viết kịch bản thuê, về dòng họ, lịch sử tỉnh này, huyện nọ, thậm chí xã thuê hay nhân vật nào thuê cũng làm”! Ông Nguyên còn nói sẽ mời cả diễn viên, đạo diễn Hollywood về giao lưu hoặc làm phim! Thật bi hài khi ông chủ mới của hãng phim chẳng biết gì về chuyện phim ảnh mà lãnh đạo cả dàn đạo diễn, diễn viên, họa sĩ thiết kế kỳ cựu! Đáng nói, trong cuộc tranh luận, ông Thủy Nguyên phát biểu: “Hãng phim truyện VN mà có bốn người như NSND-đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì đúng là phá sản”. Ông muốn nhắc chuyện đạo diễn phimSống cùng lịch sử làm tốn hết mấy chục tỉ đồng nhưng không bán được vé nào!
Tôi là kẻ ngoại đạo với điện ảnh nhưng vẫn thấy xót xa khi một hãng phim có bề dày lịch sử 60 năm, đã từng sản xuất những phim thuộc loại kinh điển của điện ảnh VN như Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm, Đến hẹn lại lên, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Mối tình đầu... lại lọt vào tay những người không có chút kinh nghiệm hay hiểu biết gì về phim ảnh. Huống chi những nghệ sĩ kỳ cựu đã có nhiều năm gắn bó với Hãng phim truyện VN, họ vô cùng bức xúc, nhiều người rơi nước mắt khi phát biểu. NSND Trà Giang nói: “Hãng phim truyện VN rất thiêng liêng, luôn ở trong trái tim tôi. Nghe tin về hãng phim hiện nay tôi rất đau đớn”. NSND Minh Châu, Chi hội trưởng Chi hội Hãng phim truyện VN, bảo: “Hãng phim truyện VN - địa chỉ vàng của điện ảnh cách mạng nước nhà sẽ trở thành nỗi nhục. Các nghệ sĩ thật sự rất nhục!”.
Vì đâu nên nỗi?