Phú Yên:

Hát “nhạc sống” gây ồn sẽ bị xử phạt, nêu tên trên báo đài

Ngày 23-7, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, xác nhận đã ký ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động hát “nhạc sống” trên địa bàn tỉnh này nhằm chấn chỉnh các hành vi phản văn hóa gây bức xúc trong nhân dân.

Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các sở ngành liên quan, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến việc hát “nhạc sống"; tăng cường kiểm tra, xử phạt hành chính các vi phạm liên quan đến việc hát “nhạc sống”. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giao Sở VH-TT&DL chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, các ngành liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động hát “nhạc sống”, hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố công tác quản lý hoạt động hát “nhạc sống” và các hình thức sinh hoạt văn hóa tương tự. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong hoạt động hát “nhạc sống”; tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp để tăng cường quản lý hoạt động này.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đưa ra kiểm điểm, nhắc nhở trước nhân dân hoặc xử lý theo pháp luật đối với các gia đình, cá nhân tổ chức hát “nhạc sống” không đúng quy định; không xét công nhận các danh hiệu thôn, buôn, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa đối với các địa phương, gia đình để xảy ra vi phạm trong hát “nhạc sống”, gây bức xúc trong nhân dân; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân ở địa phương cho thuê các thiết bị chuyên dùng phục vụ hát “nhạc sống” thực hiện đúng các quy định về hoạt động văn hóa, an ninh trật tự công cộng, bảo vệ môi trường trong việc tổ chức hát “nhạc sống”; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương những tổ chức, gia đình, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý vi phạm.

Chỉ thị trên cũng quy định cụ thể về tổ chức hát “nhạc sống”. Theo đó, khi tổ chức hát không được để âm thanh phát ra vượt quá mức ồn tối đa cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn như: cường độ âm thanh quy định ở khu vực đặc biệt từ 6g đến 21g không quá 55 dBA, từ 21g đến 6g hôm sau không quá 45 dBA. Ở khu vực thông thường từ 6g đến 21g không quá 70 dBA, từ 21g đến 6g hôm sau không quá 55 dBA. Mức xử phạt đối với mỗi trường hợp vi phạm là 100.000-300.000 đồng. Ngoài ra, khi hát “nhạc sống” không được hát những bài hát không được phép phổ biến, cấm những hành vi phản văn hóa trong khi hát…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Đình Cự cho biết thêm: “Thời gian qua, hoạt động hát “nhạc sống” có chiều hướng gia tăng trên địa bàn Phú Yên. Đây là nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần chính đáng của người dân. Tuy nhiên, hoạt động này đã có nhiều hành vi vi phạm quy định về hoạt động văn hóa, an ninh trật tự, môi trường như âm thanh vượt quá mức cho phép, hát quá giờ quy định, hát những bài hát không được phép phổ biến, thậm chí có những hành vi phản văn hóa trong khi hát…gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì thế, chỉ thị này nằm thống nhất quản lý hoạt động hát “nhạc sống”, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, đưa hoạt động này vào nề nếp, lành mạnh”.

Còn theo ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên, trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh gần đây, nhiều cử tri bức xúc phản ánh tình trạng hát “nhạc sống” gây ồn ào, phản cảm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của những người xung quanh. Vấn đề này cũng đã được đề cập trong các kỳ họp HĐND tỉnh. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ Sở VH-TT&DL Phú Yên cũng như chính quyền các địa phương, việc xử lý đối với trường hợp vi phạm trong hoạt động hát “nhạc sống” sẽ đơn giản, thậm chí rất khó khăn vì liên quan đến yếu tố tinh thần, đạo lý. Đặc biệt, cần phải có thiết bị đo cường độ âm thanh để xác định việc hát “nhạc sống” có vượt quá mức ồn tối đa cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn hay không mới có thể xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm