Cuốn sách có đề tựa “Hồi ức của một sĩ quan cảnh sát giao thông ở Hà Nội”. Với 26 câu chuyện trải dài trên 300 trang sách, "Trên những ngả đường đời" là những câu chuyện từ thực tế về văn hóa ứng xử của những người công tác trong lực lượng CSGT TP Hà Nội.
Nhà văn Chu Lai bày tỏ: "Trên những ngả đường đời” không phải là tự truyện mà là cuốn sách của những ân tình được tác giả dành tặng bạn bè, đồng nghiệp. Mỗi trang sách đều có một triết lý nhẹ nhàng. Cách chọn tình tiết, chi tiết trong cuốn sách rất đắt. Khả năng miêu tả của tác giả rất chuyên nghiệp tạo nhiều điểm nhấn. Điều này cho thấy tác giả đã viết từ trái tim, bởi vậy cuốn sách dễ dàng chạm vào trái tim người đọc".
Minh chứng cụ thể cho những đánh giá kể trên phải kể đến bài viết mang tên "Những người trưởng phòng". Trong đó có mục mang tiêu đề “Cách mạng văn hóa ứng xử”. Đây chính là cuộc cách mạng ứng xử dành cho CSGT Hà Nội của Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Thượng tá Sỹ cho biết việc CGSGT nhiều nơi ăn nói trống không với dân, có trường hợp hoạnh họe, dọa nạt người dân. Nhiều trường hợp ứng xử, sử dụng ngôn ngữ của CSGT không phù hợp đã được phản ánh với ông Ngọc ở thời điểm đó.
Cũng chính vì vậy chủ tương làm thay đổi cách ứng xử của CSGT để người dân hài lòng đã được triển khai. Đây được coi là cuộc “cách mạng văn hóa ứng xử” của CSGT Hà Nội.
Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, nguyên Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một chuyến thăm của bà tới Việt Nam
Trong sách, tác giả cũng trích dẫn những màn đối thoại “xin vi phạm” của người dân với CSGT như:
- Người vi phạm: Tôi là người nhà anh N.
+ CSGT: N nào?.
- Anh N phó phòng ấy.
+ Anh N hết "đát" rồi nhé.
Hay như:
- Em là người nhà anh NG.
+ NG nào?.
- Anh NG trước làm đội trưởng, bây giờ anh ấy là phó phòng CSGT đường sông.
+ Xuống sông mà xin NG nhé.
Tác giả bày tỏ, nghe được những cuộc đối đáp giữa CSGT và người vi phạm như vậy khiến anh buồn mãi.
Cũng trong cuốn sách, tác giả đã trích dẫn lại những câu nói của Đại tá Đào Vịnh Thắng dặn dò lính của mình, trong đó có những câu như: Chúng ta (CSGT) chỉ có chỗ đứng trong lòng dân khi chúng ta lễ độ với nhân dân, thân thiện và giúp đỡ người dân.