Ngày 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho hay tình trạng ức hiếp giữa các quân nhân với nhau trong doanh trại có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ một lính nghĩa vụ xả súng sát hại 5 đồng đội xảy ra cuối tuần trước.
Hôm thứ Bảy tuần trước, một trung sĩ 22 tuổi họ Lim đã ném lựu đạn và nổ súng bắn vào các đồng đội tại một tiền đồn giáp biên giới với Triều Tiên, khiến 5 binh sĩ thiệt mạng và 7 người khác bị thương.
Sau đó, Lim mang theo khẩu súng trường K-2 cùng 60 viên đạn bỏ trốn. Quân đội Hàn Quốc đã huy động hàng ngàn binh sĩ tham gia chiến dịch truy lùng quy mô lớn và cuối cùng đã bắt được Lim sau 2 ngày bao vây, đọ súng. Trước khi bị bắt, Lim đã dùng súng bắn vào ngực tự sát nhưng bất thành. Hiện Lim đang được điều trị trong bệnh viện.
Binh sĩ Hàn Quốc đọ súng với người đồng đội chạy trốn
Trong một phiên điều trần khẩn cấp trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan-jin nói: “Phần lớn các vụ bạo lực xảy ra trong quân đội là do các binh nhất hoặc binh nhì mới nhập ngũ gây ra, nhưng Lim lại là một trung sĩ. Quân đội nhận thấy tình trạng bắt nạt, ức hiếp đang rất phổ biến trong nhiều đơn vị.”
Được biết Lim đã nhập ngũ được gần 2 năm và sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào tháng 9 tới đây.
Ông Kim nói tiếp: “Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành để xác định xem đây có phải là nguyên nhân duy nhất gây ra vụ xả súng hay không.”
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cũng bày tỏ lời xin lỗi vì “sự quản lý yếu kém đối với đơn vị tiền tiêu làm xảy ra bi kịch trên”, đồng thời cam kết sẽ có những biện pháp căn bản để ngăn chặn tình trạng này tái diễn.
Một sĩ quan giấu tên cho biết trong lá thư viết vội trước khi tìm cách tự sát, trung sĩ Lim bày tỏ: “Bất cứ ai cũng sẽ tuyệt vọng nếu rơi vào hoàn cảnh của tôi.” Bộ Quốc phòng Hàn Quốc quyết định chưa sớm công bố nội dung lá thư này vì vấp phải sự phản đối của các gia đình nạn nhân.
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Kim Min-seok cho biết trung sĩ Lim xin lỗi gia đình mình và gia quyến các nạn nhân, đồng thời bày tỏ sự hối tiếc trước những gì mình đã làm.
Tình trạng quân nhân bắt nạt lẫn nhau còn phổ biến trong quân đội Hàn Quốc (Ảnh minh họa)
Sau khi được phẫu thuật để lấy viên đạn ra, hiện Lim đang trong tình trạng ổn định và có thể tự ăn uống cũng như trò chuyện được. Tuy nhiên lực lượng quân cảnh Hàn Quốc vẫn chưa bắt đầu thẩm vấn Lim vì anh ta đang được chăm sóc đặc biệt.
Sư đoàn bộ binh 22, đơn vị nơi Lim công tác, từng bị phát hiện nhiều bê bối về cách thức quản lý trước khi vụ xả súng xảy ra. Một quan chức quốc phòng cho biết chỉ huy trung đội của Lim vừa mới mất chức hồi tháng Tư sau khi làm mất thiết bị do thám và hủy hoại cơ sở vật chất trong doanh trại.
Quan chức này nói thêm: “Quân đội phải tiếp tục điều tra xem vụ xả súng này có liên quan tới những biến cố xảy ra với trung đội cách đây vài tháng hay không.”
Quân đội Hàn Quốc cũng sẽ cử đoàn thanh tra tới kiểm tra những vấn đề trong công tác quản lý và đánh giá binh sĩ trong toàn quân, đặc biệt là với các quân nhân bị liệt vào danh sách “cần chú ý đặc biệt”.
Lim từng bị đánh giá là quân nhân “cần chú ý đặc biệt” sau các bài kiểm tra về tính cách, tuy nhiên sau đó anh này lại được thay đổi cách xếp hạng để bố trí ra đơn vị tiền tuyến, nơi các binh sĩ được cấp phát vũ khí khi tuần tra.