Hé lộ mạng lưới bí mật giúp cảnh sát Myanmar trốn sang Ấn Độ

Trải dài khắp khu vực miền núi hẻo lánh, một mạng lưới bí mật các nhà hoạt động và tình nguyện viên đang hỗ trợ tinh thần cho hàng trăm cảnh sát Myanmar, những người trốn khỏi cuộc trấn áp tàn bạo của quân đội nhằm vào người biểu tình để chạy sang một nơi khá an toàn ở đông bắc Ấn Độ.

Theo hãng tin Reuters, dựa vào lời kể của ít nhất 10 người tham gia mạng lưới trên, các cảnh sát Myanmar chạy trốn bằng xe hơi, môtô và đi bộ xuyên qua địa hình rừng rậm và dưới dự hướng dẫn của các nhóm tình nguyện viên có mặt ở cả hai bên biên giới.

Một người biểu tình phản đối chính biến xả bình cứu hỏa để chống lại hơi cay mà cảnh sát sử dụng trong một cuộc biểu tình ở Yangon (Myanmar). Ảnh: AP

Những người này cho biết khi đến Ấn Độ, các nhà hoạt động địa phương và người dân cung cấp thực phẩm và nơi ở cho những người đào tẩu.

Một số cảnh sát cho biết họ trốn khỏi Myanmar vì lo sợ bị kỷ luật sau khi không tuân thủ lệnh bắn người biểu tình của chính quyền quân sự.

Hơn 1.000 người trốn khỏi bạo lực ở Myanmar đã vượt biên đi vào bang Mizoram thuộc đông bắc Ấn Độ kể từ cuối tháng 2, nghị sĩ Ấn Độ K Vanlalvena nói với Reuters. Con số đó bao gồm khoảng 280 cảnh sát Myanmar và hơn 20 nhân viên sở cứu hỏa, một quan chức cảnh sát cấp cao ở Mizoram tiết lộ.

Công cụ được các thành viên của mạng lưới sử dụng rất đơn giản: ứng dụng tin nhắn trên mạng xã hội, thẻ sim điện thoại di động từ hai nước, xe jeep chắc chắn cùng sự am hiểu về các tuyến đường buôn lậu dọc sông Tiau, một dải nước hẹp chảy giữa những ngọn núi thưa thớt chia cách Ấn Độ và Myanmar.

Một số cảnh sát Myanmar nói với Reuters họ sợ bị bỏ tù nếu bị nhà chức trách bắt được.

 “Đó là vấn đề sinh tử” – nhà hoạt động 29 tuổi tên Puia, người đang hỗ trợ những người từ Myanmar đi vào thị trấn Champhai của Mizoram.

“Đôi lúc tôi thấy lo sợ”

Biên giới dài 510 km giữa Mizoram và Myanmar từ lâu đã nhộn nhịp với dòng người và hàng hóa liên tục qua lại nhờ quy chế đi lại không cần thị thực tại khu vực biên giới.

Một người đàn ông quản lý một bộ phận quan trọng của mạng lưới tại một thị trấn biên giới ở bang Mizoram là một giáo viên 60 tuổi, gốc Myanmar. Người này nói tiếng Myanmar và một vài phương ngữ. Ông mô tả vai trò của mình trong mạng lưới với điều kiện giấu tên.

Thầy giáo 60 tuổi cho biết ông rời khỏi Myanmar sau khi quân đội đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1988. Khoảng 3.000 người được cho đã thiệt mạng trong những cuộc đụng độ thời gian đó.

Một thầy giáo 51 tuổi, người đã giúp những người tị nạn Myanmar vượt biên sang Ấn Độ trả lời phỏng vấn Reuters tại một địa điểm bí mật ở Mizoram. Ảnh: Rupak de Chowdhuri/REUTERS

Là một người có vóc dáng thấp bé với mái tóc xoăn cắt sát, thầy giáo này cho biết lời kêu gọi giúp đỡ từ những người ở bên kia biên giới bắt đầu vào ngày 26-2, khi lực lượng an ninh Myanmar tăng cường trấn áp những người biểu tình phản đối chính biến. Ông cho hay một ngày ông nhận được ít nhất sáu yêu cầu hỗ trợ, một số yêu cầu thông qua điện thoại, một số thông qua Facebook.

“Tôi giúp đỡ họ nhiều nhất có thể. Đôi khi tôi thấy lo sợ” – người này nói. Ông nói rằng ông sợ sự tham gia của ông vào mạng lưới có thể hủy hoại công việc của mình tại một trường công.

Tính đến ngày 11-3, ngày mà Reuters phỏng vấn ông, ông cho biết ông đã giúp hướng dẫn 80 người đi vào Mizoram thời gian gần đây. Ba nhà hoạt động địa phương khác chứng thực con số này và tin rằng con số hiện giờ có lẽ đã gấp đôi.

Người trẻ tuổi

Thầy giáo trên nói rằng nhiều người từ bên kia biên giới được một nhóm cộng đồng ở bang Chin của Myanmar giới thiệu tới ông. Người này cho hay một trong những người thân của ông đã kết hôn sống ở bang Chin là thành viên của nhóm.

Hai cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ gần đây nói với Reuters rằng họ cũng được các nhóm do tình nguyện viên dẫn đầu ở Myanmar hướng dẫn. Hai nhớ lại hành trình đi qua các thị trấn ở tây bắc Myanmar.

Một trong hai người này tên là Peng và trốn khỏi Myanmar hồi đầu tháng 3. Peng kể anh đã tiếp cận nhiều người trẻ ở bang Chin để nhờ giúp anh rời khỏi đất nước. Peng không nêu đầy đủ họ tên của mình để bảo vệ bản thân. Reuters đã nhìn thấy thẻ cảnh sát và căn cước của anh.

Bốn cảnh sát khác đi vào Ấn Độ hồi đầu tháng 3 cho biết họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ một nhóm cộng đồng ở Myanmar. Họ đã đi qua vùng Sagaing và bang Chin của Myanmar trước khi sang Ấn Độ. Lời kể của họ được nêu trong một tuyên bố chung nằm trong tài liệu mật của cảnh sát Ấn Độ mà Reuters thu được.

Một cảnh sát khác tên là Ngun đã mô tả cuộc vượt biên tương tự với Reuters. Reuters đã nhìn thấy thẻ căn cước xác nhận danh tính của anh. Người đàn ông này cho hay anh không mang theo thẻ cảnh sát.

Peng và Ngun cho biết chi phí cho hành trình qua Myanmar đến biên giới Ấn Độ là 29 USD-143 USD, phụ thuộc vào khoảng cách di chuyển. Hai cảnh sát cho hay số tiền trên chủ yếu là để tra chi phí vận chuyển, chẳng hạn như thuê xe hay sử dụng  taxi chia sẻ.

Dịch vụ đón người

Anh Ngun cho biết anh đến Ấn Độ vào đầu tháng 3, gần một ngôi làng hẻo lánh nằm trên sườn núi dốc bao quanh là rừng rậm ở bang Mizoram, cách sông Tiau một giờ lái xe.

Một công dân Myanmar nhận mình là cảnh sát và gần đây trốn sang Ấn Độ khoe huy hiệu của mình khi ông đến bang Mizoram của Ấn Độ. Ảnh: Rupak de Chowdhuri/REUTERS

Từ ngày 25-2, hơn hai chục cảnh sát, trong đó có bốn người mặc đồng phục, đã được những người lãnh đạo cộng đồng đón về từ con sông, theo một giáo viên 51 tuổi sống ở đó. Ngôi làng này nằm cách thủ phủ bang Mizoram 200 km.

Các thành viên của mạng lưới ở Mizoram nhận được thông báo từ phía Myanmar về thời gian và địa điểm mọi người dự định đi qua, theo thầy giáo 51 tuổi và nhà hoạt động Puia. Sau đó, lãnh đạo cộng động địa phương ở phía Ấn Độ điều xe dọc các tuyến đường buôn lậu len lỏi xung quanh các chốt kiểm soát bán quân sự. Nhiều người rời Myanmar đã nghỉ ngơi tại làng trước khi tiến sâu hơn vào Mizoram.

“Vì họ giống chúng tôi. Họ có thể đi mà không bị ai phát hiện” – thầy giáo 51 tuổi nói về những người Myanmar trốn sang Ấn Độ.

 “Tôi sẽ không trở về”

Hôm 12-3, khoảng 116 người đến từ Myanmar lợi dụng biên giới không có hàng rào đã đổ về phía đông Mizoram, theo quan chức cảnh sát cao cấp của Mizoram.

Tại một ngôi làng gần đó hôm 15-3, một nhóm khoảng chục người mới đến từ Myanmar ngồi uể oải trong phòng khách của nhà một lãnh đạo cộng đồng. Hầu hết những người này nói họ là cảnh sát và lính cứu hỏa.

Mặc chiếc áo bóng đá màu đỏ của Manchester United, người đàn ông tự nhận minh là nhân viên sở cứu hỏa đã mô tả một hành trình khó khăn trên moto và đi bộ vào Ấn Độ từ bang Chin của Myanmar. Người này cho biết mình tên Khaw, kể anh và bạn đồng hành đã trốn trong rừng vì sợ bị lực lượng an ninh Myanmar bắt lại. Họ đã không chợp mắt nhiều ngày liền.

Khaw nói rằng anh không thôi lo lắng cho vợ và bốn đứa con mà anh đã để lại quê hương. Tuy nhiên, nếu các cuộc trấn áp của quân đội cứ kéo dài tại Myanmar, anh nói “Tôi sẽ không trở về”.

Đặt ra thách thức ngoại giao cho Ấn Độ

Làn sóng người di cư từ Myanmar có thể đặt ra thách thức ngoại giao cho Ấn Độ, quốc gia vốn có quan hệ thân thiết với quân đội Myanmar. Những người đào tẩu Myanmar cũng gây ra một số bất đồng giữa chính phủ liên bang Ấn Độ vốn không muốn giữ những người này và chính quyền bang Mizoram muốn cung cấp hỗ trợ cho họ vì tình cảm của người dân địa phương.

Quang cảnh một ngôi làng biên giới ở quận Champhai thuộc bang Mizoram, đông bắc Ấn Độ. Ảnh: Rupak de Chowdhuri/REUTERS

Bộ Ngoại giao Ấn Độ và chính quyền bang Mizoram không phản hồi.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ trước đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc chính biến Myanmar, nói rằng nền dân chủ và pháp quyền phải được duy trì. Chính phủ Ấn Độ đã ban hành chỉ thị cho bốn bang có chung biên giới với Myanmar, trong đó có Mizoram, để thắt chặt an ninh.

Thủ hiến Zoramthanga của bang Mizoram yêu cầu Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cấp quyền tị nạn cho những người tị nạn chính trị đến từ Myanmar. Trong thư gửi ông Modi đề ngày 18-3, ông Zoramthanga viết tình hình tại nước láng giềng Myanmar là thảm họa nhân loại lớn mà Ấn Độ không thể phớt lờ.

Theo số liệu của Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), hơn 280 người đã thiệt mạng tại Myanmar trong các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi. AAPP cho biết hàng ngàn người đã bị bắt kể từ cuộc chính biến hôm 1-2.

Hôm 24-3, chính quyền quân sự Myanmar thả hàng trăm người bị bắt trong các cuộc biểu tình, theo các nhân chứng và AAPP. Quân đội Myanmar không bình luận về thông tin trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm