Để giúp bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về tổ chức này, xin giới thiệu một số tư liệu liên quan tới ISIL
Thời gian gần đây, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant” (ISIL) đã liên tục thay đổi tên gọi của mình với tần suất thậm chí còn nhiều hơn một ban nhạc. Tổ chức Hồi giáo cực đoan theo dòng Sunni này đang hoạt động ở Syria, thực hiện các cuộc tấn công vào Saudi Arabia và Liban, và nay họ đã tuyên bố thành lập ra “Nhà nước Hồi giáo” (IS) sau khi giành được những thắng lợi lớn ở Iraq. Đây là một tổ chức có cách thức hoạt động hết sức tàn bạo, khiến người ta không thể lường trước hết được mục tiêu cũng như sự nguy hiểm của chúng, cho dù những sự thật bí hiểm về nó đã dần dần được hé lộ.
1. Nhà nước Hồi giáo (IS) là một phần của al-Qaeda
Trên thực tế, IS và tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda có mối quan hệ khá dài và rất phức tạp, đã từng là đồng minh của nhau, nhưng nay đã trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Việc ISIL hay IS liên tục thay đổi tên gọi đã thể hiện sự phức tạp này. Sau khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, các nhóm thánh chiến bắt đầu tập trung tại đây, và trong số đó có nhiều chiến binh tập hợp xung quanh Abu Musab Al-Zarqawi, một công dân Jordan đang hợp tác với al-Qaeda.
Đến tháng 10/2014, Al-Zarqawi tuyên thệ trung thành với Thủ lĩnh tối cao Osama bin Laden của al-Qaeda, đồng thời thành lập ra tổ chức với tên gọi "al-Qaeda ở Iraq." Nhưng ngay sau khi thành lập, tổ chức”con” này đã bất hòa với ban lãnh đạo al-Qaeda, do trong khi Ayman Al-Zawahiri (thủ lĩnh hiện nay của al-Qaeda) và Bin Laden tập trung vào các mục tiêu là lợi ích của Mỹ thì Al-Zarqawi cùng các cộng sự lại tập trung phát động một cuộc chiến tranh sắc tộc, đồng thời hai bên cũng có những sự khác biệt lớn về chiến lược phát triển và thể thức chỉ huy.
Trong khi thủ lĩnh của ISIL là Abu Bakr Al-Baghdadi, một học trò của Abu Musab Al-Zarqawi tập trung vào tấn công các đối thủ ở trong lòng Iraq cũng như chính quyền nước này thì al-Qaeda của bin Laden và bây giờ là Al-Zawahiri lại muốn tấn công vào "đối thủ phương xa," tức Mỹ.
Sự khác biệt này đã lên đến đỉnh điểm ở Syria, khi Al-Zawahiri thành lập ra Mặt trận Al-Nursa (JN), một mắt xích của al-Qaeda tại Syria, thế nhưng, Baghdadi lại cho rằng tổ chức của hắn xứng đáng hơn được chỉ huy các chiến dịch cảm tử ở Iraq, Syria, Liban và Jordan. Vì lẽ đó mà hai nhóm (IS và JN) đã quay sang đối đầu nhau, khiến hàng nghìn người đã bị thiệt mạng.
2. IS đã sẵn sàng điều hành đất nước
Hiện nay IS đang kiểm soát được các khu vực ở phía Đông Syria và phía Tây Iraq, trong đó phần lớn là sa mạc. Ngoài ra, cũng có một số thành phố lớn khác nằm dưới quyền kiểm soát của tổ chức này như Raqqah ở Syria và Mosul ở Iraq. Mang tên một Nhà nước, IS đang hy vọng sẽ điều hành thể chế của mình dựa trên cách giải thích có phần cực đoan bộ luật Hồi giáo Sharia, và từ đó có thể thu hút thêm sự ủng hộ về người cũng như tài chính.
Đã từng có nhiều tổ chức khủng bố Hồi giáo thành công trong việc điều hành một chính phủ, thí dụ Phong trào Hamas đang kiểm soát Dải Gaza trong suốt 7 năm qua, hay Phong trào Hezbollah đang thực hiện quyền kiểm soát một cách không chính thức đối với nhiều khu vực ở Liban. Cả hai tổ chức trên đều thành lập các trường học, bệnh viện cùng với những dịch vụ cơ bản khác.
Mặc dù IS có thể tận dụng các chính sách phân biệt đối xử của Chính phủ trung ương Iraq đối với cộng đồng người Sunni để thu hút sự ủng hộ, nhưng thực tế cho thấy không ít người trong các khu vực bị IS chiếm đóng đều muốn chạy trốn nếu có điều kiện. Trong số này có cả các doanh nhân và các kỹ sư, những người đóng vai trò quan trọng giúp duy trì các dịch vụ xã hội cơ bản.
Mặc dù IS có thể khai thác dầu lửa để bán ra thị trường chợ đen và duy trì các ngành dịch vụ thô sơ để tránh không cho các khu vực do chúng chiếm đóng rơi vào tình trạng khủng hoảng, nhưng điều này sẽ không giúp tạo ra một nhà nước thật sự.
3. Chính quyền Syria là kẻ thù số 1 của IS
Chính quyền Damascus đã tuyên bố họ đang thực hiện một cuộc chiến chống khủng bố, trong khi IS lại tự tạo dựng hình ảnh của mình như một người bảo vệ cho cộng đồng Hồi giáo Sunni ở Syria trước chế độ này.
Đã nhiều lần chính quyền Syria kiềm chế không tấn công vào các khu vực do IS kiểm soát, mà thay vào đó là tiến hành không kích nhằm vào lực lượng ôn hòa trong phe nổi dậy, vốn đang chiến đấu chống lại IS. Thế nhưng, Damascus lại mua dầu lửa của IS, điều đó cho thấy, nếu không có IS, thì chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cũng sẽ phải tạo ra một lực lượng tương tự, để vừa chống, vừa làm chỗ dựa cả về kinh tế, lẫn dùng nó để chống lại một lực lượng khác.
Khi mà tình trạng bạo lực ở Syria bắt đầu bùng phát vào năm 2011, người ta liên tưởng ngay đến một cuộc chiến đấu của những người dân đã quá phẫn nộ với tình trạng bất công và sự tàn bạo của chính phủ. Tuy nhiên, ông al-Assad đã miêu tả đây như một cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Với sự tham gia ngày càng sâu rộng của những tổ chức như IS, cuộc chiến ở Syria cuối cùng đã phần nào biến chuyển theo những gì mà Damascus mong muốn. Người dân Syria buộc phải đứng trước hai sự lựa chọn đều không lấy gì làm tốt đẹp: chính quyền của ông al-Assad hoặc chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, những thắng lợi của IS tại Iraq có thể sẽ làm cho mối quan hệ đầy tính toán này chấm dứt. Việc chính quyền Iraq đánh mất quyền kiểm soát khu vực biên giới vào tay IS sẽ làm chặn mất nguồn cung cấp cả về vật chất và con người cho chính quyền Syria thông qua nước này.
4. IS là một lực lượng rất mạnh
Những thành công của IS ở Iraq như chiếm được Mosul và tiến sát đến thủ đô Baghdad đã khiến cho người ta nghĩ rằng đây là một đội quân hùng mạnh. Trên thực tế, IS chỉ có khoảng 10.000 chiến binh, và trong các chiến dịch tấn công vào những thành phố lớn như Mosul, chỉ có khoảng 1.000 trong số đó tham chiến.
Những chiến thắng của IS đã phản ánh sự yếu kém của quân đội Iraq cũng như những chính sách sai lầm của Thủ tướng Nouri Al-Maliki. Mỹ đã đầu tư lượng khí tài trị giá nhiều tỷ USD cho quân đội Iraq, tuy nhiên vấn đề là ở chỗ quân đội Iraq không hề chiến đấu.
Ông Maliki đã bổ nhiệm những người trung thành, chứ không phải những người có năng lực vào đội ngũ tướng lĩnh và quan chức cao cấp. Trong khi đó, sự phân biệt đối xử đối với cộng đồng người Sunni đã lầm mất đi nhuệ khí chiến đấu để báo vệ chính quyền của các binh sỹ theo dòng này.
5. IS muốn tấn công vào nước Mỹ
Sau khi được trả tự do vào năm 2009 tại Iraq, Baghdadi đã nói với các binh sĩ Mỹ bắt giam mình một cách đầy mỉa mai: "Tôi sẽ gặp lại các ông tại New York" và câu nói này hiện đang gây lo sợ cho Mỹ.
Hồi cuối tháng Năm vừa qua, Moner Mohammad Abusalha, một công dân Mỹ đã tiến hành một cuộc đánh bom tự sát tại Syria, gây ra những lo ngại mới cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ bởi trong hàng ngũ của IS có hàng ngàn thành viên đến từ các quốc gia châu Âu, và những người này với hộ chiếu của mình có thể dễ dàng vào Mỹ.
Rõ ràng là IS có thể gây ra những mối đe dọa tiềm tàng ngay trên lãnh thổ Mỹ, và các cơ quan tình báo cũng như an ninh Mỹ đang hết sức đề cao cảnh giác. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mục tiêu chính của IS không phải là Mỹ và phương Tây, và đây cũng chính là lý do của những mâu thuẫn giữa IS và al-Qaeda.
Có thể tuyên bố năm 2009 của Baghdadi chỉ là một câu nói đùa, bởi trọng tâm hoạt động của IS là việc thành lập một nhà nước Hồi giáo thật sự, chiến đấu chống lại các phần tử mà họ coi là phản đạo ở các nước Arab do đi theo Mỹ và phương Tây./.
Theo Phạm Phú Phúc /Vietnam+