Hẻm Sài Gòn còn rặt tình quê

(PLO)-  Bên cạnh các tòa chung cư cao tầng, những dãy phố sang trọng, Sài Gòn còn có những con hẻm - một không gian sống rặt hồn quê…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Giật cả mình khi tưởng tượng một ngày nào đó bỗng dưng Sài Gòn chẳng còn con hẻm nào, như kiểu cắt bỏ một phần hồn vía của đô thị gần 200 năm kể từ khi người Pháp quy hoạch Sài Gòn và xây dựng những con phố đầu tiên…

Nếu nói hẻm phố là một phần hữu cơ của cơ thể đô thị thì đó cũng chính là phần rất quan trọng mà công việc thiết kế ý tưởng đô thị không thể bỏ qua, bởi đó là không gian văn hóa đặc trưng của đô thị Việt Nam. Hẻm - như là cái còn lại của văn hóa làng xã trong lòng đô thị. Đặc điểm của không gian này là nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo, không có lề đường, vừa gần gũi vừa bí ẩn - một thứ văn hóa được nhiều thế hệ trú ngụ tạo thành: Nhà ở thế nào, đi lại thế nào, sinh nhai ra sao, từ vùng, miền nào tới, tín ngưỡng gì…

Sài Gòn vẫn còn đó các không gian sống hẹp, sống chậm của những con hẻm đang dần văn minh hơn nhưng không đánh mất nét độc đáo của đời sống hẻm đã định hình từ gần trăm năm, thậm chí lâu hơn nữa. Thật may là dù cho vòng xoáy hoành tráng hóa phố phường đã làm biến dạng vài di sản quý giá của Sài Gòn, đã xóa đi vài địa chỉ từng có dấu ấn văn hóa thì vẫn còn những ngóc ngách dễ thương, độc đáo đáng để người yêu Sài Gòn tìm hiểu và lui tới…

Hẻm cụt 41 đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 dài chưa tới 50 m, rộng đủ cho một xe hơi nhỏ ra vô. Một bên là tường, một bên là vài ngôi biệt thự hai tầng xinh xắn, thân thiện. Mở ra lối đi của hẻm là những ô cửa sổ không khung sắt và những bậc thang thấp dẫn vào nhà. Quán ăn vài bàn bên trong yên ắng. Cà phê ngoài trời trong ngách nhỏ, hờ hững chừng hai, ba bàn lấp ló sau tán cây xanh. Ăn và uống, dù ngon nhưng hình như chỉ là phụ, rất phụ. Cái chính bao trùm nơi đây là sự yên tịnh, đi rất nhẹ, nói rất khẽ. Chủ muốn thế và khách càng muốn thế khi tìm đến đây... (Ảnh 1 và 2)

Hẻm có chức năng kết nối hai con đường như hẻm 339 đường Lê Văn Sỹ, quận 3 không quá dài, không quá hẹp, không ngoằn ngoèo. Gần 200 căn nhà phố đâu mặt vào nhau, xe hơi, xe máy thường xuyên ra vô nhưng hiếm khi tắc đường. Hẻm chủ yếu làm vai trò kết nối cho hai con đường Lê Văn Sỹ và Hoàng Sa, cư dân phần lớn là viên chức nên trong hẻm hầu như không có hàng quán, ngoại trừ vài tiệm tạp hóa nhỏ. Hẻm luôn sạch sẽ và khá yên tĩnh.

Một công nương nhà Nguyễn - thi sĩ Tôn Nữ Hỉ Khương sinh thời từng ngụ tại 339/10 trong hẻm này. Vị trí trang trọng nhất trong căn nhà nhỏ này đặt bàn thờ Vua Gia Long - người sáng lập nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. (Ảnh 3)

Trong những hẻm có cấu trúc lạ và phức tạp có thể kể đến hẻm 400 đường Lê Văn Sỹ, quận 3. Ở đầu hẻm này, thay vào khoảng trời bên trên như các hẻm khác lại là lầu 1 của một dãy nhà phố mặt chính ngoảnh ra đường Lê Văn Sỹ, nhác nhìn không ai nghĩ đó là hẻm. Bên trong hẻm là một đoạn dài chưa tới 100 m, hai xe hơi bảy chỗ có thể tránh nhau nếu không có xe máy đậu, nhà cửa khang trang, có vài quán nhỏ bán cà phê và thức ăn, có cả các tiệm bán quần áo, túi xách thời trang…

Sau đoạn dài khá rộng đó là một ngách dẫn sang hẻm 386, nơi có gần trăm hộ dân bậc trung lưu, có Trường Tiểu học Bạch Đằng và chùa Thích Ca; rồi lại một ngách nữa (cư dân đa phần là hộ nghèo, mưu sinh hầu hết bằng công việc phi chính thức), ngách này nhỏ hẹp hơn, ngoắt ngoéo hơn dẫn ra đường Hồ Biểu Chánh, theo đó mà đi tới các đường Trần Hữu Trang, Nguyễn Đình Chính… Một lối hẻm kỳ bí và thú vị. (Ảnh 4 và 5)

Chưa hết, còn những loại hẻm “độc, lạ” khác: Hẻm chỉ vừa cho một người đi xe máy như hẻm 726 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5; hẻm 343 đường Phan Văn Trị, phường 12, quận 5; hẻm tuổi đời suýt soát trăm năm như hẻm 24 đường Thủ Khoa Huân, quận 1: Có hộ đến bốn đời cư ngụ, nhiều nhà diện tích vỏn vẹn 3 m2, nhà rộng nhất 23 m2… Hẻm vừa ngắn vừa hẹp như hẻm 59 đường Nguyễn Du, quận 1 mà cũng duy trì được một dịch vụ chăm sóc thú cưng sạch sẽ khá đắt khách…

Nhắc đến hẻm Sài Gòn không chỉ là nhắc đến một không gian định cư lâu đời của thị dân, hình thành sau khi người Pháp quy hoạch đô thị này từ năm 1865 và làm những đường phố đầu tiên vào năm 1870. Đó còn là trách nhiệm bảo tồn một giá trị phi vật thể trong đó: Ký ức cuộc đời của những con người.

Trong ký ức ấy, những nghề nghiệp mưu sinh lương thiện lâu đời, cách ứng xử dung dị, nghĩa tình của người sống trong hẻm luôn là những điểm sáng ấm áp cần giữ lại. Những tối tăm, thô kệch có thể xóa bỏ, đổi thay bằng cách chiếu sáng, giữ sạch và cải thiện hài hòa không gian riêng và chung, bằng ý thức an ninh trật tự, ý thức thẩm mỹ… Như cách Sài Gòn hôm nay đang phấn đấu xây dựng các khu dân cư sạch đẹp (KDCSĐ): 500 KDCSĐ vào cuối năm 2022, 1.000 KDCSĐ vào năm 2023, 1.500 KDCSĐ vào năm 2024. Đã bắt đầu xuất hiện những con hẻm sạch, xanh và an toàn như thế, gần nhất là quận 3: Hẻm 629 đường Nguyễn Đình Chiểu, hẻm 153 đường Nguyễn Thị Minh Khai, hẻm 80 đường Cao Thắng. (Ảnh 5)

Và như thế, bên cạnh các tòa chung cư cao tầng, bên cạnh những con phố, những ngôi biệt thự sang trọng, Sài Gòn làm sao có thể thiếu hẻm - không gian sống hồn quê nơi phố thị, nhà sát nhà, ai cũng biết ai, gần gũi, quen thuộc và ngày càng trở nên đáng sống…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm