Trong dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Corona, tôi thấy nhiều cửa hàng, thậm chí báo đài đăng tin tại nhiều nơi đã đồng loạt tăng giá khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn… lên gấp nhiều lần. Vậy xin hỏi, việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá các mặt hàng trên sẽ bị xử phạt như thế nào?
Bạn đọc Trương Văn Tài (truongtai…@gmail.com).
Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 11 Luật Giá 2012, khẩu trang y tế, các mặt hàng nước rửa tay sát khuẩn không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa trên có trách nhiệm niêm yết giá được thể hiện bằng cách in, dán, ghi giá bằng đồng Việt Nam trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước.
Theo khoản 1, 2, 3 Điều 12 Nghị định 109/2013 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016), hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ như sau:
Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng lần đầu.
Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm hành vi trên trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần thì bị phạt tiền 1-3 triệu đồng.
Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết.
Riêng hành vi lợi dụng dịch bệnh, thiên tai để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị xử phạt tiền 20-30 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất chính.
Các mức phạt tiền trên được áp dụng với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt gấp đôi mức phạt tiền của cá nhân.
Người dân khi phát hiện cửa hàng, tổ chức kinh doanh có hành vi lợi dụng dịch bệnh để bán giá cao hơn giá niêm yết thì có thể trình báo cho cơ quan có thẩm quyền như: Cục Quản lý thị trường, UBND các cấp, công an… để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.