Sân Thống Nhất đã bảy năm kể từ sau thời gian CLB Sài Gòn Xuân Thành đưa ca sĩ nổi tiếng và dàn hot girl làm nóng sân cỏ lẫn khán đài, nay khán giả chen chúc nhau xem TP.HCM đá Hà Nội mà chẳng cần phải chiêu trò gì để “câu” các “thượng đế”.
Sân Thiên Trường những trận gần đây gợi nhớ lại cái tên Chùa Cuối ngày nào được xem là thánh địa của thành Nam thời anh em nhà Dũng - Sĩ còn khoác áo ra sân. Bất chấp cơn bão số 3, sân Thiên Trường vừa qua đúng là ngày hội bóng đá thực sự, không thua gì không khí đội tuyển Việt Nam (VN) thi đấu ở AFF Cup…
Nếu so sánh với một vài mùa trước, sân Thống Nhất vắng như chùa Bà Đanh hay sân Bình Dương “xả cửa” để “thượng đế” đến sân mà khán đài vẫn vắng lạnh thì hiện tượng các “thượng đế” chen chúc đến sân vừa qua là tín hiệu đáng mừng.
Bất chấp cơn bão số 3, khán giả Nam Định đến kín sân xem những hình ảnh đẹp của một trận đấu thật giữa đội nhà và HA Gia Lai. Ảnh: CTV
Giải mã hiện tượng này, nhiều nhà chuyên môn đưa ra những lý do và lý do nào cũng hợp lý. Nào là V-League bây giờ có những ngôi sao để xem, để thần tượng như Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Duy Mạnh…, hay đám trẻ nhà bầu Đức như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, hoặc những học trò cưng của thầy Park…; nào là V-League giờ đã có chất bắt nguồn từ những chiến tích của đội tuyển VN và U-23… Nhưng có một điều rất đáng để suy nghĩ đó là tỉ lệ đá giả, đá trên bàn hay đá theo kèo nhà cái giờ đã giảm đi rất nhiều và “thượng đế” cũng rất tinh để nhận ra những trận đấu thật mà đổ xô vào xem.
Chưa bao giờ bóng đá VN có hai đại diện gặp nhau ở chung kết khu vực ASEAN giải AFC Cup - vốn được xem là Cúp C2 châu Á. Cũng chưa bao giờ các cầu thủ VN được các công ty, các doanh nghiệp tìm đến và khai thác nhiều như thế. Như hình ảnh Quang Hải, Công Phượng hay các cầu thủ đội tuyển nhan nhản trên những nhãn hàng có uy tín với cái giá cát xê cao ngất.
Giá trị của cầu thủ được nâng lên từ chính giá trị của bóng đá VN mà bản thân từng cầu thủ và cả CLB biết giữ gìn mình bằng sự khổ luyện, sự khẳng định. Và quan trọng hơn là duy trì những phẩm chất của người cầu thủ được tin-yêu.
HA Gia Lai sau khi bị chính các cổ động viên giăng biểu ngữ đề nghị thay đổi đã có những chuyển biến tích cực và tiếp tục là đội bóng có khán giả. Hà Nội ít “làm màu” hơn và cũng ít PR cho cầu thủ hơn nhưng chính sự khẳng định của dàn cầu thủ chất lượng khiến họ đi đến đâu cũng được chào đón.
Người thành Nam gây sốt và cả gây bão trên sân Thiên Trường thì tự hào: “Chúng tôi không đến sân vì cầu thủ HA Gia Lai, mà đến sân để cổ vũ, tiếp sức cho đội Nam Định của chúng tôi đá với một đội bóng mạnh hơn và có nhiều điều kiện hơn”.
V-League đáng mừng vì không chỉ “ăn theo” đội tuyển mà còn lấy lại được tính địa phương từng nguội lạnh trên nhiều sân cỏ.
Rõ nhất là TP.HCM, nơi có đến hai đội bóng mà vài năm trước có trận đá chỉ có người nhà cầu thủ đi xem vì khán giả không nhận thấy cái gì là của bóng đá TP.HCM ở đấy cả. Nay thì đã khác, mà sống động nhất là trận TP.HCM - Hà Nội làm người xem nhớ đến thời hoàng kim mỗi khi Công an TP.HCM hay Cảng Sài Gòn đá với Thể Công, với Công an Hà Nội.
Bóng đá không có khán giả là bóng đá chết.
Nhưng để giữ được khán giả thì cầu thủ và đội bóng phải đá thật và phải giữ được giá trị thật của mình.
Bởi cầu thủ và đội bóng có thể lừa nhau trên sân chứ không thể “lừa” khán giả.