Hiện vật “kể chuyện” nữ quân nhân mũ nồi xanh

(PLO)-  77 tài liệu hiện vật, trong đó có 56 hiện vật, một clip và 25 ảnh của năm nữ chiến sĩ tham gia gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Nam Sudan và Trung Phi đã được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-4, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra lễ tiếp nhận hiện vật và giao lưu “Những trái tim vì hòa bình”.

Hiện vật đầy kỷ niệm

Trong số rất nhiều cán bộ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có mặt tại lễ tiếp nhận, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga (Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc BV dã chiến số cấp 2 số 4) là một trong những người có nhiều hiện vật trao tặng nhất.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga tặng một số hộp màu, giấy để các em vẽ những ước mơ về tương lai của mình. Ảnh: GGHBVN

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga tặng một số hộp màu, giấy để các em vẽ những ước mơ về tương lai của mình. Ảnh: GGHBVN

Năm 2018, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ quân nhân Việt Nam đầu tiên tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc bên ngoài lãnh thổ đất nước. Chị nói: “Mỗi kỷ vật đều gắn liền với tôi với rất nhiều kỷ niệm. Trong đó có chiếc áo dài hình bông sen mà tôi mặc mỗi khi có dịp lễ. Thông qua trang phục đó, tôi muốn bạn bè quốc tế hiểu hơn về trang phục của người Việt Nam”.

Chị cũng tặng lại cho bảo tàng chiếc khăn mà chị đưa cho con trước khi bước chân lên máy bay, bắt đầu một hành trình xa Tổ quốc. Chiếc khăn ấy với chị thấm đẫm tình mẫu tử. Bởi lẽ ngày chị đi, con chị mới học lớp 4, đứa con xa mẹ đã quàng chiếc khăn đó mỗi khi đi ngủ mới ngon giấc. “Cháu đã quàng chiếc khăn đó đi ngủ trong một tháng trời mới quen với cảm giác xa mẹ” - chị Hằng Nga tâm sự.

Cách đây gần tám năm (tháng 7-2014), Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Bốn năm sau (tháng 1-2018), Việt Nam triển khai nữ sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Kể từ đó đến nay, số nữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ngày càng tăng, nhất là sau khi Việt Nam triển khai thành công Bệnh viện dã chiến 2 tại Ben Tiu, Nam Sudan.

Một hiện vật nhỏ nhưng gợi cho người xem nhiều xúc động đó là chiếc đèn sạc. Chiếc đèn sạc đã theo hành trang của Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh trở về nước. Đó chính là món quà của Trung tá Đỗ Anh tặng để chị sử dụng, do đặc thù nơi chị công tác thường xuyên mất điện. Chiếc đèn sạc đã hoàn thành nhiệm vụ mà người tặng trao gởi nhưng Trung tá Đỗ Anh đã không còn nữa, anh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Trong số hiện vật còn có chiếc máy khâu của Trung tá Nguyễn Thị Liên. Với chiếc máy khâu này, chị đã dùng để may khẩu trang cấp phát miễn phí cho toàn bộ nhân viên Sở chỉ huy phái bộ và một số người dân ở thủ đô Bangui, Chính phủ Cộng hòa Trung Phi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020.

Các hiện vật được trao tặng cho bảo tàng còn có những bức tranh, chiếc vòng tay hay một lá cờ của những em nhỏ châu Phi tặng các nữ chiến sĩ Việt Nam.

“Nhìn lá cờ mắt rưng rưng rớm lệ”

Khoảnh khắc xa gia đình, xa Tổ quốc với mỗi nữ chiến sĩ luôn là một kỷ niệm khó quên. Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh nhớ mãi hình ảnh hai cha con đứng lại trên sân bay vắng người, khi chị bước chân lên máy bay.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga đến thăm người dân ở các khu dân cư nghèo. Ảnh: GGHBVN

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga đến thăm người dân ở các khu dân cư nghèo. Ảnh: GGHBVN

“Tôi biết nhiệm vụ của mình được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao phó nhưng nhìn chồng và con lúc đó tôi không sao ngăn được nước mắt rơi. Mọi người khi nhìn thấy chúng tôi, những người phụ nữ lên đường làm nhiệm vụ sẽ nghĩ được sự dũng cảm nhưng không biết rằng đằng sau lưng người phụ nữ đó còn phải có sự hy sinh và ủng hộ của chồng nữa” - Thiếu tá Hạnh nói.

Nói về cảm xúc của mình, Trung tá Nguyễn Thị Liên diễn tả bằng một số câu thơ mà chị đã làm mỗi khi nhớ nhà. Trong đó có câu: Cờ Tổ quốc tung bay trước gió/ Giữa đại ngàn bát ngát Trung Phi/ Nhìn lá cờ mắt rưng rưng rớm lệ… Vất vả, gian lao và thậm chí đối mặt với hiểm nguy nhưng chị Liên nói chính những lúc đó các chị mới thấy trân quý hơn những giá trị của hòa bình trên đất nước mình. “Trên mảnh đất còn bao đau khổ/Mới thấy được tột cùng giá trị của tự do…” - chị nối tiếp câu chuyện bằng câu thơ của mình.

Tâm sự với những người có mặt tại sự kiện, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga cho biết khi các chị đang ở đây, rất nhiều đồng đội của mình vẫn đang hối hả chuẩn bị để ngày 27-4 tới đây, 30 cán bộ của ta sẽ lại xuất quân sang Nam Sudan làm nhiệm vụ. Còn riêng chị, đến tháng 5 chị cũng sẽ lên đường với một nhiệm vụ khác ở nước bạn.

Chị nói nhiệm vụ của các chị ở nước bạn vẫn còn nhiều. Chị kể những ngày đầu đặt chân đến Nam Sudan, người dân nơi đây chỉ biết đến Việt Nam là một đất nước có chiến tranh và kiên cường trong chiến đấu. Chỉ khi có những chiến sĩ “mũ nồi xanh” từ nước Việt, người dân mới biết rằng Việt Nam đã là một đất nước hòa bình với nhiều thành tựu phát triển.

Vinh dự đánh đổi bằng mồ hôi,nước mắt

Là phụ nữ, tôi hiểu vinh dự ngày các chị trở về được đánh đổi bằng cả mồ hôi của lao động, nước mắt của nhớ thương, tình yêu của người mẹ. Tôi hy vọng rằng sự kiện nhỏ hôm nay sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, để mỗi chúng ta cùng nhìn lại quá khứ để sống cuộc sống hôm nay, cùng chung tay đấu tranh và vun đắp vì một nền hòa bình chung cho mọi quốc gia, dân tộc, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trên toàn thế giới.

NGUYỄN THỊ MINH HƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm