Hiệu trưởng trường giáo dưỡng không nên can thiệp quá sâu

Nhìn chung chưa có vướng mắc gì lớn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định liên quan, tôi góp ý thêm một nội dung.

Theo khoản 3 Điều 132 Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng quy định tại khoản 1 điều này (tức trường hợp bỏ trốn, đang bị truy tìm), nếu khi truy tìm được mà người đó đã đủ 18 tuổi thì hiệu trưởng trường giáo dưỡng đề nghị TAND cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc nếu có đủ điều kiện thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Với quy định trên, luật chưa đề cập cụ thể thủ tục tiến hành tiếp theo như thế nào, ngay cả Nghị định số 02/2014 cũng chưa quy định chi tiết về trường hợp này. Có ý kiến cho rằng với quy định trên thì phía trường giáo dưỡng sẽ là người tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc tại tòa án với tư cách là cơ quan đề nghị. Và như vậy trường giáo dưỡng sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp như tranh luận, đề nghị tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính… tại phiên họp. Điều này sẽ không phù hợp với chức năng của trường là một đơn vị sự nghiệp. Mặt khác, sẽ không phù hợp với Điều 110 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về việc thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc…; trong đó quy định: “Cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị có trách nhiệm tổ chức thi hành như sau: a) Công an cấp huyện đưa người phải chấp hành quyết định vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với công an cấp huyện đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…”.

Do vậy, để hoàn thiện về mặt pháp luật, cần có quy định chi tiết về thủ tục tiến hành đối với trường hợp trên. Chúng ta có thể vận dụng tinh thần Điều 118 Luật Xử lý vi phạm hành chính để quy định rõ về vấn đề này; có thể quy định bổ sung như sau:

“Hiệu trưởng trường giáo dưỡng tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc trên cơ sở hồ sơ hiện có và các tài liệu liên quan mới, chuyển đến trưởng công an cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng. Trưởng công an cấp huyện có trách nhiệm lấy ý kiến của trưởng phòng tư pháp về tính pháp lý của hồ sơ trước khi xem xét, gửi hồ sơ đề nghị TAND nơi có trường giáo dưỡng quyết định biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Thủ tục xem xét, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với trường hợp này thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Có như vậy, công an cấp huyện mới là cơ quan đề nghị, tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc tại tòa án và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp tại tòa án. đồng thời sẽ là cơ quan tổ chức thi hành quyết định của tòa án, hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 110 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 1 Điều 102 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Trưởng công an cấp huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị TAND cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc…”.

TS LẠI VĂN TRÌNH, Chánh án TAND quận 10 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm