Hình ảnh trong “Người con gái Đà Nẵng” (2002) - Heidi (phải) và người mẹ ruột - bà Mai Thị Kim
Tại giải Oscar năm 2003, ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất, có 5 bộ phim được đề cử, gồm Bowling for Columbine kể về vụ thảm sát ở trường trung học Columbine hồi năm 1999 và những tội phạm liên quan tới súng đạn trên đất Mỹ, đây cũng chính là bộ phim giành giải;Prisoner of Paradise kể về câu chuyện có thật của một người đàn ông Đức gốc Do Thái - một nam diễn viên - từng phải sống trong trại tập trung và bị buộc phải làm phim để tuyên truyền cho quân Phát-xít Đức;Spellbound kể về cuộc sống của những thí sinh tham gia một cuộc thi đánh vần của Mỹ, Winged Migration kể về chặng hành trình được thực hiện đều đặn mỗi năm của những chú chim khi mùa di cư tới.
Cuối cùng, bộ phim thứ 5 xuất hiện trong danh sách đề cử ở trên chính là Daughter from Danang (Người con gái Đà Nẵng) được thực hiện bởi hai đạo diễn - Gail Dolgin và Vicente Franco. Phim kể về một phụ nữ người Mỹ gốc Việt, tên là Heidu Bub (tên tiếng Việt - Mai Thị Hiệp), sinh ngày 10/12/1968 ở Đà Nẵng.
Heidi là một trong những đứa trẻ được đưa sang Mỹ hồi tháng 4/1975 trong chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Xét trong bối cảnh nước Mỹ tại thời điểm năm 2003, khi những vấn đề liên quan tới tội phạm súng đạn đang trở nên nóng hổi, khả năng để “Người con gái Đà Nẵng” giành giải Oscar là không cao.
Tuy vậy, dù không nhận được giải Oscar, phim đã nhận được nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan phim, như giải của ban giám khảo tại LHP Sundance, giải Cổng Vàng tại LHP Quốc tế San Francisco, giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại LHP Ojai, LHP Texas, LHP Quốc tế New Jersey…
Khi hai nhà làm phim tài liệu - Gail Dolgin và Vicente Franco cùng Heidi quay trở về Đà Nẵng - “quay trở về nhà” như lời Heidi nói, để ghi lại cuộc đoàn tụ sau 22 năm với bao nhiêu mong đợi từ cả hai phía, họ đã rất tin rằng cuộc đoàn tụ sẽ mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc…
Tuy vậy, kết thúc của cuộc đoàn tụ kéo dài 7 ngày hồi năm 1997 là một cái kết làm nặng lòng người, khi những nụ cười cuối cùng khép lại bằng nước mắt, khi những rào cản ngôn ngữ, những khác biệt văn hóa, những kỳ vọng khác nhau đến từ hai phía… đã khiến cả hai bên đều phải chịu đựng những tổn thương.
Chia sẻ với tờ Los Angeles Times, hai nhà làm phim cho biết họ đã rất khó khăn khi phải quyết định có tiếp tục ghi hình những khoảnh khắc làm tan nát trái tim người trong cuộc và cả người xem hay không… Và rồi họ vẫn tiếp tục ghi hình…
Nhà làm phim tài liệu Gail Dolgin cho biết: “Đó là một khoảnh khắc khó khăn đối với chúng tôi. Chúng tôi bị giằng xé giữa việc bỏ máy quay xuống để chạy lại an ủi, dàn xếp, hay tiếp tục giữ máy quay để đưa câu chuyện mà chúng tôi đã bắt đầu tới hồi kết. Chúng tôi không giành vinh quang bằng cách khai thác bi kịch của người khác, nhưng bằng cách trung thực ghi lại những gì đã xảy ra, chúng tôi hy vọng người xem sẽ có thể trưởng thành, học hỏi và hàn gắn chính mình từ những gì được thấy”.
Heidi và mẹ đẻ người Việt
Heidi và mẹ nuôi người Mỹ
Điều người xem có thể dễ dàng nhận ra đó là cả hai phía - Heidi và gia đình gốc Việt của cô - đều đang phải trải qua những căng thẳng của cuộc đoàn tụ sau 22 năm xa cách, bên cạnh đó là những khác biệt về văn hóa, lối sống… Heidi lại đang phải xa hai cô con gái nhỏ để đến một vùng đất mà cô chỉ còn mơ hồ nhớ tới bằng những ký ức vụn vặt còn lưu lại từ khi rời xa quê hương năm lên 6.
Tất cả những áp lực, dồn nén tâm lý được giấu kín để chỉ có những cái ôm, cái hôn, cái siết tay và những nụ cười rạng rỡ… Nước mắt chỉ đến ở phút giây đầu gặp gỡ và phút giây chia tay sau cùng, nhưng gây ấn tượng mạnh nhất đối với người xem.
Heidi là một cô gái đã bị tổn thương vì không được mẹ nuôi yêu thương đúng nghĩa, cô chờ đợi để được hàn gắn bằng sợi dây liên lạc với những người ruột thịt, nhưng rồi khi bản thân cô có quá nhiều kỳ vọng và lại không chuẩn bị sẵn sàng cho những sự khác biệt, bất đồng, Heidi đã bị sốc văn hóa.
Khi kết thúc chuyến thăm trở về Mỹ, Heidi đã nói với hai nhà làm phim tài liệu rằng cô cảm thấy mình đã phơi bày tất cả những cảm xúc của bản thân và không muốn họ tiếp tục thực hiện bộ phim tài liệu này, để rồi đem cho cả thế giới xem.
Vì vậy, họ đã cắt đi 17 phút cảm xúc cao trào nhất phim và hứa nếu cô vẫn không thay đổi quyết định, họ sẽ bỏ dở dự án, trao lại cho cô tất cả băng ghi hình. Dù cảm thấy xấu hổ vì cách hành xử của mình ở một số thời điểm và cũng lo lắng sẽ bị người xem phán xét khắc nghiệt, nhưng cuối cùng Heidi vẫn cho phép hai nhà làm phim tiếp tục dự án.
Khi phim hoàn tất, hai nhà làm phim đã gửi đĩa phim tới cho Heidi nhưng cô không dám xem. Mãi về sau khi được thuyết phục rất nhiều, Heidi mới dũng cảm xem một lần và nhận xét rằng: “Đây là một bộ phim đầy sức mạnh thông điệp. Một bộ phim hay. Tôi chỉ ước phim đừng nói về mình”.
Phim được quay bằng camera mini với thành viên đoàn làm phim chỉ có 3 người - hai quay phim và một người điều chỉnh thiết bị âm thanh. Họ tối giản mọi thứ để sự hiện diện của mình không làm căng thẳng những người trong cuộc. Bộ phim được thực hiện với kinh phí chỉ vào khoảng 350.000 đô la (7,6 tỉ đồng; bao gồm cả tiền vé máy bay và chi phí sinh hoạt khi tới Việt Nam).
Trong phim, ban đầu, Heidi đã giải thích rằng mối quan hệ giữa cô và mẹ nuôi gặp căng thẳng bởi bà luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ ở cô, muốn nuôi dạy cô như một người Mỹ đích thực và không hề muốn nhìn nhận tới yếu tố Việt Nam trong cô. Mỗi khi cô hỏi về quá khứ, xuất thân của mình, bà đều lảng tránh và muốn cô thôi không hỏi về chuyện này nữa.
Thế rồi, khi Heidi đoàn tụ với gia đình ruột của mình, họ lại chỉ muốn nhìn nhận cô như một người con gái Việt Nam và không để ý nhiều tới lối sống Mỹ của Heidi. Khi kết thúc chuyến thăm, trở về với gia đình, chính Heidi lại là người không muốn nói về quá khứ của mình, cố gắng lảng tránh và không còn trò chuyện với chồng về đề tài này nữa.
Đó là một vòng tròn, không hẳn là bi kịch nhưng đã khiến người trong cuộc và người xem nặng lòng, buồn bã. Có những vết thương mãi mãi khó lành, ngay cả khi người ta đã trưởng thành. Vết thương ấy, đối với Heidi, bắt đầu hình thành từ năm cô lên 6 và mãi 22 năm sau, nó vẫn còn khiến cô bật khóc, nhức nhối. Chiến tranh giống như một vết thương, hòa bình vẫn còn vết sẹo.
Trong phim, người ta thấy xuất hiện khá nhiều hình ảnh những chiếc máy bay, những chuyến bay… Những chuyến bay ấy có thể chở trong mình cả số phận một con người, vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời một con người.
Hình ảnh trong phim về chiến dịch không vận trẻ em được đề cử Oscar:
Những "đứa trẻ không vận" năm ấy
Những đứa trẻ gốc Việt trong những ngày đầu ở Mỹ
Những chuyến không vận vĩnh viễn thay đổi cuộc đời của những đứa trẻ
Những đứa trẻ rời xa vòng tay mẹ
Bắt đầu học tiếng Anh và những ngày tháng hòa nhập cộng đồng mới ở Mỹ
Heidi trở về Việt Nam để tìm gia đình ruột thịt
Những cảnh quay ở Việt Nam trong phim