Hình dung chính sách đối ngoại Mỹ tại châu Á một khi bà Harris thắng cử

(PLO)- Nếu đắc cử, liệu Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp nối quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về chính sách đối ngoại Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương hay sẽ mang đến những đột phá mới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cùng với thế giới, các nước châu Á đang hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cùng nhiều dự đoán về tương lai chính sách đối ngoại Mỹ tại khu vực khi tân tổng thống Mỹ bước vào Phòng Bầu Dục.

Nếu đắc cử, liệu Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp nối quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về chính sách đối ngoại Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương hay sẽ mang đến những đột phá mới?

Sự kế thừa từ chính quyền ông Biden

Theo các nhà quan sát, trong thời gian làm phó tổng thống cũng như thời gian công tác tại thượng viện Mỹ, bà Harris không đặc biệt nổi bật trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại nói chung và chính sách đối ngoại ở châu Á nói riêng.

Các chuyên gia cho rằng nếu đắc cử, bà Harris khả năng cao sẽ duy trì tính liên tục với chính quyền Tổng thống Biden hơn là đưa ra thay đổi.

“Vì chính sách đối với châu Á được coi là một trong những thành công của chính quyền ông Biden, nên bà Harris có khả năng sẽ gắn bó với chính sách này” - theo GS David Capie, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS, Mỹ)

Chuyên gia này cho rằng chính quyền Harris-Walz sẽ tiếp tục tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với các đồng minh và đối tác. Dưới thời ông Biden, “mạng lưới” các liên minh và thỏa thuận an ninh của Mỹ đã tăng lên đáng kể.

“Tôi sẽ sát cánh cùng những người bạn của chúng ta, vì tôi biết rằng liên minh của chúng ta sẽ giúp người dân Mỹ được an toàn và khiến nước Mỹ mạnh mẽ và an toàn hơn” - bà Harris phát biểu ở thủ đô Washington D.C, (Mỹ) hôm 29-10.

Một thành tựu quan trọng của chính quyền ông Biden là đưa Nhật và Hàn Quốc lại gần nhau thông qua thỏa thuận ở Trại David (Mỹ) vào tháng 8-2023. Bà Harris được cho sẽ duy trì cách tiếp cận này. Hồi tháng 9-2022, trong chuyến thăm Seoul, phó Tổng thống Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với liên minh với Nhật-Hàn để ứng phó Triều Tiên. Trong các bài phát biểu vận động tranh cử, ứng viên của đảng Dân chủ cũng tuyên bố rằng bà sẽ không “làm thân” với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

neu-ba-harris-thang-cu-tuong-lai-chinh-sach-doi-ngoai-my-tai-chau-a-thai-binh-duong-se-the-nao (2).jpg
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) tháng 9-2022. Ảnh: YONHAP

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng bà Harris gần như chắc chắn sẽ khuyến khích Tokyo đóng vai trò lớn hơn trong hợp tác quốc phòng với các đối tác chủ chốt ở Đông Nam Á và tăng cường hợp tác với Đài Loan.

Nhiệm kỳ của ông Biden chứng kiến sự gia tăng của các thỏa thuận đa phương nhỏ như Bộ tứ Quad (Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Úc), đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) và sự ủng hộ “tính trung tâm của ASEAN”. Bà Harris được cho là sẽ tiếp tục củng cố Quad, đề cao ASEAN và đưa AUKUS trở nên thực chất hơn nữa ở vùng biển châu Á.

Theo trang Council on Foreign Relations, tương tự như ông Biden, chính quyền của bà Harris khó có thể “mềm mỏng” với Trung Quốc nhưng cũng không áp đặt các biện pháp kinh tế đơn phương và mạnh mẽ với Bắc Kinh như chính quyền của ông Donald Trump.

Với vấn đề Đài Loan, các chuyên gia dự đoán chính quyền tiềm năng của bà Harris vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Đài Bắc như chính quyền tiền nhiệm. “Tôi xin nhắc lại quan điểm mà tôi đã nêu ra nhiều lần. Tôi tin vào chính sách ‘một Trung Quốc’, và tôi tin rằng Đài Loan có quyền tự vệ” - bà Harris nói hôm 16-10, sau cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc gần đảo Đài Loan.

Tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, chính quyền bà Harris sẽ tiếp tục chính sách của ông Biden là chuẩn bị rõ ràng hơn cho các cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra nhưng không ép khu vực phải chọn phe.

Vẫn có chỗ cho những đổi mới

Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng nếu bà Harris lên nắm quyền, nữ chính trị gia này sẽ đưa ra một số điều chỉnh trong chính sách của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương so với chính quyền tiền nhiệm.

Đầu tiên là trong quan hệ với Trung Quốc, bà Harris có thể đi xa hơn con đường dễ đoán mà Tổng thống Biden vạch ra. Phó tướng của bà Harris - ông Tim Walz nổi tiếng là người rất cứng rắn với Trung Quốc trong quốc hội Mỹ.

Thế nên, chính quyền mới do đảng Dân chủ lãnh đạo có thể sẽ nhắm mục tiêu trừng phạt một số ngành công nghiệp được coi là quan trọng đối với an ninh kinh tế Mỹ. Chính quyền Harris-Walz có khả năng sẽ tăng cường áp lực lên Trung Quốc để ngăn Bắc Kinh tiếp cận các con chip quan trọng và cạnh tranh quyết liệt hơn với Trung Quốc trong các ngành công nghiệp tiên tiến.

Bên cạnh đó, chính quyền này cũng có thể ủng hộ các bước đi của quốc hội nhằm hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các trang mạng xã hội quan trọng như WeChat và TikTok.

Ngoài ra, vì là người gốc Nam Á, bà Harris được dự đoán sẽ cố gắng nhấn mạnh mối liên hệ của bà với khu vực này.

“Tôi nghĩ bà ấy sẽ nói về việc trở thành tổng thống đầu tiên có nguồn gốc Nam Á và bà ấy sẽ hiểu được nguyện vọng và hy vọng của khu vực này. Mỹ sẽ muốn tiếp cận khu vực để đối phó với bất kỳ sự bất an nào khi nói đến các mối đe dọa mới nổi trong khu vực” - kênh CNA dẫn lời ông Ngoei Wen-Qing, PGS Lịch sử tại ĐH Quản lý Singapore.

Chuyên gia cho rằng chính quyền Harris-Walz sẽ xây dựng mối quan hệ đặc biệt hơn với Ấn Độ so với bất kỳ chính quyền nào trước đây, xét đến tầm quan trọng chiến lược của New Delhi như một đối tác khu vực quan trọng và là đối trọng với Trung Quốc.

Nếu bà Harris thắng cử, tương lai chính sách đối ngoại Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương sẽ thế nào?
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần thứ 11 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia ngày 6-9-2023. Ảnh: REUTERS

Cùng với đó, bà Harris có thể sẽ thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với khu vực Đông Nam Á. So với các khu vực khác, sự hiểu biết của bà Harris về Đông Nam Á có phần nhỉnh hơn khi nữ phó tổng thống đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện chính sách châu Á trong chính quyền ông Biden và đảm nhiệm vai trò ngoại giao với các nước Đông Nam Á.

Trong nhiệm kỳ phó tổng thống, bà đã đi đến tổng cộng năm quốc gia (Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia) trong ba chuyến đi đến khu vực này và cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Theo PGS Ngoei, bà Harris từng nhấn mạnh rằng các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “có khả năng quyết định tương lai của thế giới trong 10 đến 30 năm tới”.

“Và như hiện tại, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào những nơi như Đông Nam Á đã lớn hơn những gì Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ cộng lại. Vì vậy, tôi nghĩ chắc chắn đối với bà Harris, cần phải thúc đẩy ở khu vực này nhiều hơn nữa” - ông Ngoei nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm