Những ngày này HLV Calisto đang ở Việt Nam thăm bầu Thắng và những học trò cũ thế hệ vô địch AFF Cup 2008. Tối 16-11, tuyển Việt Nam tại tiếp Malaysia, đối thủ từng làm buồn lòng thầy trò HLV Calisto ở hai thế hệ.
HLV Calisto trên phố Sài Gòn tối 14-11
Câu chuyện này được viết ra trong hoàn cảnh tuyển Việt Nam đang dè chừng đối thủ khó chịu này dẫu rằng hiện nay bóng đá Việt Nam đang xếp thứ 102 theo bảng xếp hạng FIFA còn Malaysia thì tới tận…169.
Năm 2008, tuyển Việt Nam đánh bại tuyển Malaysia ở Phukhet trong khuôn khổ lượt trận thứ nhì vòng bảng AFF Cup 2008 sau trận đầu thua Thái Lan. Hai bàn thắng của Vũ Phong, trong đó có một pha sút xa từ giữa sân nhờ “cơn gió thần” và gờ đất mấp mô của mặt sân ở Phukhet giúp tuyển Việt Nam đánh bại Malaysia 3-2 để vào bán kết đánh bại Singapore, rồi chung kết thắng luôn Thái Lan lên ngôi vô địch.
HLV Calisto gặp lại các học trò và phóng viên
Đến năm 2009, HLV Calisto tiếp tục dẫn dắt bóng đá Việt Nam, cụ thể là U-23 sang Lào dự SEA Games. Hành trình vào đến trận chung kết, U-23 Việt Nam đã đánh bại U-23 Malaysia 3-1 ở vòng bảng nhưng lại thua đau đớn 0-1 trong trận đấu quan trọng nhất, trận chung kết trước Malaysia do HLV Rajagobal dẫn dắt.
Cuộc tái đấu đó, U-23 Malaysia đã thể hiện bộ mặt rất khác so với ít ngày trước đó họ thua toàn diện Việt Nam 1-3.
HLV Calisto cùng cánh báo chí trên phố tối 14-11
Rajagobal đã tìm ra “ẩn số” đánh bại U-23 Việt Nam bằng việc thay đổi hẳn lối chơi. Đó là chơi quyết liệt, vào bóng rất cứng rắn, không ngại va chạm, đá rát, đá đau đối phương… và họ đã thành công. Trận chung kết đó U-23 Việt Nam không còn là mình nữa. Bị đá đau, đá rát, va chạm nặng khiến cầu thủ Việt Nam chùn chân.
Bàn thắng duy nhất của U-23 Malaysia cũng là một pha bóng va chạm quyết liệt dẫn đến pha đá phản lưới nhà của Việt Nam. Khi đó thủ môn của U-23 Việt Nam là Bùi Tấn Trường.
Bầu Thắng và Phan Văn Tài Em cùng "kỷ niệm quý giá" là quốc kỳ và hình ảnh thầy trò Calisto có chữ ký của đội vô địch AFF Cup 2008
Cái thua thật đau, hàng ngàn khán giả Việt Nam rũ rượi thơ thẩn rời sân quốc gia Lào ra về trong yên lặng và thất vọng.
Với người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến của HLV Calisto, tức Rajagobal đã đúc kết được “nguyên lý chiến thắng” khi đối đầu tuyển Việt Nam. Và đến AFF Cup 2010, khi đó Việt Nam là chủ nhà một bảng đấu. Bảng ở Việt Nam thì Việt Nam và Philippines vào bán kết. Việt Nam lại đối đầu với Malaysia nhưng lần này là cấp độ đội tuyển (chứ không phải U-23)…
HLV Calisto, bầu Thắng và báo chí cùng học trò cũ dự buổi liên hoan gặp mặt tối 14-11
HLV Rajagobal có cơ hội thể hiện “nguyên lý chiến thắng” của mình cũng bằng thứ bóng đá “hard rock”, thô bạo, vào bóng cứng rắn, dữ dằn, va chạm đối phương thật đau, thật nặng. Mà điều này thì Malaysia lợi thế hơn bởi thể hình, độ dày cơ thể lẫn sức mạnh và sức va chạm thì Malaysia lấn lướt hơn. Lần đó Malaysia chơi thứ bóng đá đó và họ đã thắng Việt Nam 2-0 lượt đi, lượt về họ cầm hòa 0-0. Malaysia vào chung kết và đánh bại Indonesia để lên ngôi vô địch.
HLV Rajagobal, một "bạn-thù" khó chịu của HLV Calisto
HLV Calisto hai lần ngậm đắng trước đồng nghiệp Rajagonal ở hai cấp độ đội tuyển khác nhau.
Đến AFF Cup 2014 hai đội lại gặp nhau ở bán kết. Phía Malaysia dù không còn Rajagobal làm thuyền trưởng nữa nhưng còn đó những cầu thủ thời Rajagobal thi đấu. Thuyền trưởng Malaysia lần đó là Dollah Salleh. Tuyển Malaysia thua 1-2 trước Việt Nam trên sân nhà Shah Slam. Nhưng họ đã bất ngờ đánh bại tuyển Việt Nam do HLV Toshiya Miura dẫn dắt 4-2 trên sân Mỹ Đình để thắng chung cuộc 5-4 vào chung kết…
HLV Calisto hiện nay đang là giám đốc kỹ thuật của CLB Đại Liên, Trung Quốc
Nói thế để thấy rằng thế hệ hôm nay, cụ thể là trận đấu tối 16-11, Việt Nam lại tiếp Malaysia rất khó chơi.
Tuyển Malaysia thì vẫn còn đó ít nhất năm trụ cột từng thắng các đội Việt Nam thời Calisto và Miura, đó là Talaha, anh em Zaquan, Zafuan, thủ môn Che Ma Fahmi, Marlias…