. Phóng viên:Hiện có nhiều người quan ngại về hậu quả pháp lý của việc Trung Quốc in bản đồ "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu phổ thông cấp cho công dân nước họ. Ông đánh giá như thế nào về sự lo ngại này?
+ Ông Nguyễn Hùng Cường: Việc Trung Quốc in "đường lưỡi bò" trên hộ chiếu phổ thông của họ, phải đánh giá xem điều đó có tạo nên căn cứ pháp lý cho câu chuyện họ đòi sở hữu đến 80% diện tích biển Đông như vậy hay không. Theo luật quốc tế hiện nay, việc anh in một cái "đường lưỡi bò" trên hộ chiếu như vậy không hề có giá trị pháp lý, bởi nó không dựa trên một nguyên tắc nào cả. Trung Quốc đã làm như vậy vào năm 2009 khi họ đưa ra công hàm phản đối bộ hồ sơ của Việt Nam gửi lên Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa. Vụ hộ chiếu lần này về bản chất không khác gì việc họ đưa ra công hàm lần trước.
Chỉ là hành vi công bố đơn phương
. Nhưng việc này có gây ra bất lợi gì về pháp lý cho Việt Nam không?
+ Đó chỉ là hành vi công bố đơn phương của Trung Quốc. Nhìn một cách rộng hơn, Trung Quốc đang muốn nói rằng chúng tôi đang thực sự quản lý cái mảnh đất này, bằng cách in nó lên hộ chiếu.
Mặc dù bản đồ này không có giá trị pháp lý với cộng đồng quốc tế nhưng sau này nếu Trung Quốc công bố với thế giới, họ sẽ sử dụng tất cả các loại bản đồ, công hàm, các tài liệu, biện pháp, ví dụ Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... làm chứng cứ. Ý nghĩa của việc in "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu là như vậy. Nó chỉ là một hành động tiếp theo một chuỗi các hành động rất có tính hệ thống để khẳng định một điều rằng Trung Quốc đang quản lý vùng đấy. Còn quản lý có đúng không, có phù hợp với luật quốc tế không thì đó là câu chuyện hoàn toàn khác.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc in “đường lưỡi bò” không có giá trị pháp lý, bị thế giới phản đối. Ảnh: XINHUA.NET
Nói cách khác, họ đang cố gắng hiện thực hóa một trong bốn yếu tố của nguyên tắc chiếm hữu thực sự bằng việc tạo ra các chứng cứ. Nhưng chứng cứ này đang bị phản đối, còn các điều kiện khác họ không thỏa mãn: chiếm hữu hòa bình - không có; chiếm hữu liên tục, lâu dài - không có, cơ sở lịch sử - không có.
. Giả sử Việt Nam, Philippines hoặc một nước thứ ba nào đó đóng dấu lên hộ chiếu có "đường lưỡi bò"của Trung Quốc thì có được xem là công nhận bản đồ đó không?
+ Nhiều người lo ngại việc đóng dấu hải quan lên hộ chiếu Trung Quốc là thể hiện sự công nhận "đường lưỡi bò". Thực ra việc đóng dấu này chỉ có nghĩa là tôi chấp nhận cho công dân của nước anh vào lãnh thổ của tôi, không có nghĩa rằng tôi công nhận những nội dung in trên hộ chiếu của anh. Việt Nam đóng dấu hay nước nào đóng dấu cũng vậy. Tất nhiên ta có thể cẩn thận hơn bằng cách cấp thị thực rời.
Phải có chiến lược bài bản
. Hiện nay, ngoài việc gửi công hàm phản đối, chúng ta có cách nào khác để đối phó với động thái này của Trung Quốc không?
+ Theo nguyên tắc có đi có lại của tư pháp quốc tế, khi anh đối xử với công dân của tôi như thế nào thì tôi có thể đối xử tương tự với công dân của anh.
Chúng ta không thể chỉ phản đối, mà còn phải có biện pháp đáp trả lại và ở mức độ nào, hàm lượng nào thì phải cân nhắc. Như cách của Ấn Độ trong vụ này là tấn công.
. Nhiều người sẽ lập luận rằng việc trả đũa sẽ làm tình hình thêm căng thẳng?
+ Theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông - DOC 2002 và Tuyên bố sáu điểm của cộng đồng ASEAN và đặc biệt trong Tuyên bố 10 năm DOC vừa mới đây, có một nội dung là các nước hạn chế việc làm phức tạp thêm tình hình. Có nhiều người nghi ngại rằng nếu Trung Quốc làm như vậy, rồi Việt Nam cũng đưa ra một hộ chiếu khác, điều đó có làm phức tạp thêm tình hình không?
Theo quan điểm của tôi, lợi ích quốc gia là vấn đề số một. Chúng ta nhún nhường để đổi lấy hòa bình, yên ổn nhưng nếu lợi ích quốc gia bị đe dọa thì phải có những hành động thích hợp. Chúng ta luôn luôn có thể mở rộng lòng vị tha của mình để tìm kiếm hòa bình. Bởi vậy, chúng ta phải có chiến lược bài bản, hệ thống.
. Xin cảm ơn ông.
Trung Quốc lại in bản đồ sai trái Theo Thông tấn xã Việt Nam, kể từ ngày 24-11, nhà xuất bản Bản đồ Tinh Cầu của Trung Quốc sẽ xuất bản bản đồ cái gọi là thành phố Tam Sa và đưa vào lưu thông tại các nhà sách lớn. Đây là hành động leo thang tiếp theo của Trung Quốc xung quanh vấn đề biển Đông, khi các nước Việt Nam, Philippines vừa tuyên bố phản đối mẫu hộ chiếu mới của họ. Cái Trung Quốc gọi là “thành phố Tam Sa”, vốn bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, được Trung Quốc thành lập tháng 7-2012 bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bản đồ “Tam Sa” xuất bản lần này được Trung Quốc cho là bản đồ chuyên đề đầu tiên ghi chi tiết vị trí địa lý của “Tam Sa”, do Cục Định vị, đo đạc và bản đồ, thuộc Ban Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa xét duyệt. |
HOÀNG THƯthực hiện