Cho đến gần đây, chị quay ngoắt thái độ, chẳng ngại ngần khi ai đó nói đến việc chị đang là một single-mom.
Trở thành Hoa hậu Việt Nam năm 1994, một nữ doanh nhân thành đạt, bà mẹ trẻ của những đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn, nhưng Thu Thủy bảo rằng, sau những điều bề nổi mà ai cũng thấy đó, tảng băng chìm của chị cũng nặng trĩu.
Người đàn bà gánh nặng
Mớ bòng bong của phụ nữ, không ai là không phải trải qua, người ít, người nhiều. Như Thu bảo: Thuyền to sóng cả, càng nổi tiếng, càng liên quan đến nhiều người, càng chịu nhiều trách nhiệm với nhân viên, stress càng lớn và kéo dài.
Kinh doanh đã gần chục năm, nhưng năm nào nghe báo đài thông báo “bán vé tàu Tết” là tim chị cũng thắt lại. Nỗi lo tiền lương, tiền thưởng cho nhân viên trở thành một áp lực nặng nề đến mức mãi chẳng thể quen và thấy nhẹ nhõm cho được.
Rồi những sức ép trong kinh doanh, gần như thường trực, luyện mãi vẫn không thể tưng tưng vỗ ngực “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Nhiều đàn anh khuyên chị hoặc lờ đi, hoặc đeo mặt nạ vào, hoặc nghỉ hẳn ở nhà cho yên thân. Nhưng mỗi lần vậy, thiếu phụ trẻ đều nghĩ câu chuyện ngụ ngôn: Có người nọ thương con bướm nhỏ chui ra khỏi cái kén quá nhọc nhằn, bèn cắt cái kén để giúp bướm. Thế nhưng con bướm được giúp đỡ ấy đã chết vì không kịp thích nghi với môi trường mới. Cái gì cũng cần thời gian, Thủy muốn được tự do bay lượn, nhưng chị hiểu trước đó mình phải tự trải nghiệm. Không thể nhờ sự giúp đỡ của bất cứ ai.
Sau khi gia đình nhỏ tan vỡ, sinh con thứ hai một mình, Thủy bị trầm cảm. Béo, xấu và ử ê. Lại thêm bệnh tật hành hạ, Thủy buông thả hình thức đến nỗi người bạn trai thân thiết nhận xét thẳng thừng: ngày xưa Thủy là thần tượng của vợ họ, bây giờ sao trông cứ... chảy ra thế này?
Không phải Thủy không ý thức được điều đó, nhưng cơn stress dường như kéo tụt cô xuống. Mệt mỏi, hoang mang, mất ý chí và nghị lực sống, cơ thể yếu và rệu rã đến mức lúc nào cũng chỉ muốn nằm yên một chỗ.
Chẳng biết thoát ra bằng cách nào, bắt đầu từ đâu. Cách của Thủy là cứ để cho bi kịch chạm đáy của nó. Rồi một buổi sáng tỉnh dậy đi làm tóc và trang điểm trước khi ra đường. Ai đó bâng quơ: Xinh hơn rồi! Thế là có thêm một cái gậy chống để lần lần từng việc nhỏ tí xíu tự đỡ mình lên. Mất nhiều thời gian, công sức và nghị lực nữa. Nhưng đổi lại, những giá trị mà cô nhận được tự nhiên trở nên ý nghĩa hơn, biết cách trân trọng và nâng niu cuộc sống hơn. Cái câu “khi một cánh cửa đóng lại, lập tức có một cánh cửa khác ở đâu đó được mở ra” tưởng sáo mòn hóa ra chẳng khi nào sai lệch.
Chẳng giấu chuyện buồn nữa
Thủy đã cố gắng không nhắc đến chuyện ly hôn với phóng viên trong vài ba năm. Khi người ta hỏi đến chuyện gia đình chị thường đánh trống lảng. Ngay đối với bạn bè, Thủy cũng không sẵn sàng thừa nhận thất bại của mình. Cho đến gần đây, chị quay ngoắt thái độ, chẳng ngại ngần khi ai đó nói đến việc chị đang là một single-mom.
Thủy giải thích đơn giản về sự thay đổi ấy: Con người ai cũng cố che phần khiếm khuyết của mình để sống theo một tiêu chuẩn nào đó của xã hội, làm theo cách của số đông thường là an toàn. Bởi vì nếu phản ứng ngược lại, họ sợ cảm giác bị cô độc, bị ghét. Họ co mình với ý nghĩ phải cố gắng giấu đi cái mà số đông cho là chưa hoàn thiện, và càng cố thì họ càng xa bản chất thật của mình.
Thủy đã quyết định không giấu nữa từ sau khi gặp một nhà sản xuất phim người nước ngoài. Khi ông bảo ông thích trò chuyện với chị vì những phẩm chất mà chính chị không nhìn ra, Thủy bắt đầu nghi ngờ những thứ cố gắng của mình trước đây. Tại sao khi mình thích cười mình lại cố nghiêm nghị, thích khóc lại cố nín? Để làm gì, thỏa mãn cho ai?
Để phá cái vỏ bọc bên ngoài, Thủy cũng mất nhiều thời gian. Giai đoạn mới bắt đầu sống thật, vẫn có cảm giác gai gai khó chịu khi thừa nhận yếu đuối và thất bại, chỉ sợ người ta đánh giá. Giờ thì hoàn toàn thoải mái, kể cả giữa những người quen rất thành đạt.
Thủy bảo dường như có hai con người trước và sau khi mình quyết định thay đổi thái độ sống. Nếu trước kia gặp các đại gia bàn về một dự án mới và mời tham gia, Thủy “cũ” sẽ trả lời: Từ từ em xem xét. Còn bây giờ Thủy “mới” dõng dạc: Em không có tiền. Đại gia bĩu môi, Hoa hậu như em, kinh doanh như em nói không có tiền ai tin. Thủy “mới” nhún vai: Không có tiền là không có tiền, tin hay không tùy. Vả lại vốn để hùn vào các dự án lớn đều là những con số không nhỏ, là cơm áo của các con, của nhân viên, cô không dám liều.
Lại nói về con, khi Thủy chấp nhận vừa làm bố vừa làm mẹ và ngẩng cao đầu, cô bị nhiều người phẫn nộ. Theo ý số đông, một bà mẹ đơn thân thì không nên kiêu hãnh đến thế, cô ta nên biết thân biết phận và buồn bã hơn cho hợp vai. Thủy cười, mắt xa vắng, giữa có bố và không có bố với bọn trẻ nhà cô chẳng khác nhau nhiều. Và thà không sống chung còn hơn để trẻ con chứng kiến hình ảnh xấu của bố mẹ khi cãi vã.
Thủy không ngạo nghễ khi một mình duy trì gia đình, tự nhận có lúc rất mệt mỏi, trống vắng và khó khăn. Nhưng chị cố gắng sống mạnh mẽ và học cách hài lòng với cuộc sống. Biết sao được khi ta ao ước rất nhiều mà số phận chỉ cho ta một trái chanh. Thay vì ngồi than vãn và thất vọng, thì hãy cứ làm một ly nước mát để lại sức đã.
Chỉ tốt thôi chưa đủ
Gần Tết vừa rồi, Thủy tổ chức một cuộc đấu giá từ thiện để uyên góp tiền cho những gia đình miền núi khó khăn. Cuộc đấu giá thành công nhưng những ong ve của nó khiến chị rất đau đầu.
Có dư luận cho là Thủy lợi dụng để đánh bóng tên tuổi. Việc chị chọn hình ảnh của một số người nổi tiếng để đưa ra bán đấu giá cũng bị coi là lố, là phản cảm, bởi văn hóa đó không phổ biến ở Việt Nam.
Trước đó, khi chị âm thầm nuôi hai con nuôi thì không gặp rắc rối gì. Chỉ đến khi mong ước kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp người nghèo và mở rộng phạm vi truyền thông, mọi chuyện mới bắt đầu trở nên rắc rối.
Nhưng Thủy khẳng định, chị sẽ không bỏ cuộc. Giúp đỡ người khác là điều hiển nhiên đến nỗi chẳng bao giờ chị băn khoăn xem có nên hay không, rằng có lẽ chị đã nhầm ở một khâu nào đó. Chị phải nghiên cứu kĩ hơn về truyền thông, về phương pháp làm từ thiện. Nhất định chị sẽ tìm ra cách “đi vào lòng người”.
Thủy là hoa hậu, là người đàn bà thành công nhưng có vài khiếm khuyết về nhan sắc chị vẫn ngoan cố không can thiệp dù chị kinh doanh dịch vụ làm đẹp. Chị bảo, để thế để người ta thấy gần gũi hơn, người nghèo nhìn đỡ xa cách hơn.
Nhưng cái chính, chị có lý do để “bảo thủ”. Chẳng hạn như răng xỉn màu do ngày trước uống nhiều tetraxycline, tẩy trắng rất dễ nhưng Thủy không làm vậy, giữ màu răng ấy để nhắc đến những vất vả của bố mẹ, đến một thời cuộc sống khó khăn, khi cả nhà cũng là một hộ trí thức nghèo.
Hoặc như những nếp nhăn ở mắt, tiêm botox vèo một cái là hết, nhưng cũng không làm. Lý do này lãng mạn hơn: Thủy xem một chương trình đối thoại của một sao Hollywood, cô ấy kể rằng có thừa tiền cho mẹ cô đi giải phẫu thẩm mỹ để xóa nếp nhăn quanh mắt nhưng cô đã không làm vậy vì biết rằng: nếp nhăn này của mẹ xuất hiện khi bà ngoại mất, nếp nhăn kia là những nhọc nhằn mưu sinh khi ba mất việc làm, nếp nhăn nữa là tuổi thanh xuân của mẹ đã qua đi để con cái lớn khôn... Nếu xóa hết những nếp nhăn ấy chị em cô sẽ không còn nhận ra mẹ nữa. Rằng nhìn vào những nếp nhăn quanh mắt các con thấy gương mặt người mẹ. Thủy khăng khăng lý do ấy để không xóa nếp nhăn, bởi vì nếu xóa sẽ là một gương mặt không có quá khứ, không có giá trị.
Theo CAND/Người Đẹp