Họa sĩ của lòng nhân ái

Thoáng nhìn qua họa sĩ Phạm Lực ai cũng có cảm giác khó gần nhưng khi tiếp xúc mới biết anh đơn giản, hồn hậu đến ngây thơ. Suốt 65 năm cuộc đời, cũng đã có không ít cô gái mê tác phẩm chứa đựng mồ hôi, nước mắt đọng lại suốt 45 năm cầm cọ của anh rồi yêu luôn tác giả.

Yêu tranh, yêu người vẽ!

Sức thu hút của anh không phải từ hình thức, dáng vẻ con người hay từ sự mỹ miều, tài hoa trong những bức tranh mà chính từ tình yêu nghệ thuật nồng nhiệt, từ tình yêu cuộc sống thiết tha, cháy bỏng truyền vào tác phẩm.

Ngoài người vợ đầu đã chia tay thì mối tình với một phụ nữ Pháp thường được anh nhắc nhiều nhất. “Chính bà là người đã thay đổi một phần cuộc đời cầm bút của tôi” - họa sĩ Phạm Lực tâm sự.

Chị Francois Flane lúc đó là trưởng đại diện UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) tại Hà Nội. Chị thường lui tới phòng tranh của anh vì mê những bức tranh miêu tả cuộc sống đơn giản mà cho người xem cảm giác thảnh thơi, ấm áp. Từ mê tranh bà mê luôn người họa sĩ. Hai người nhanh chóng đến với nhau bằng một “thứ tình cảm bắt nguồn từ những bức tranh”. Nhờ bà anh đã được đi khắp trời Tây để vẽ và có một gallery tranh Phạm Lực, để rồi sau đó những bức tranh lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước.

Họa sĩ của lòng nhân ái ảnh 1

Họa sĩ Phạm Lực bên những bức tranh được vẽ trên bao đựng gạo.

Tranh vẽ trên bao tải đựng gạo

Trong kháng chiến chống Mỹ, giữa bom bầy, lửa đạn, Phạm Lực tay cầm súng, tay cầm cọ vẽ tranh phản ánh đời sống chiến trường. Anh ghi hàng trăm bức tranh vẽ trên bao tải đựng gạo (được đan bằng sợi dù của Liên Xô và Trung Quốc). Mỗi nhân vật, mỗi hình ảnh, mỗi không gian trong tranh gắn bó với những tình cảm đồng đội, đồng chí. Có bức còn in cả vết cháy lửa bom, lỗ thủng do vết đạn…

Hai đồng đội cõng thương binh về đơn vị, người vợ đang mang thai với gương mặt sầu muộn nhìn lên di ảnh người chồng đã hy sinh, mấy cô gái đang thu hoạch lúa trong đó có một cô bị cụt chân… Những bức tranh trên bao tải thô kệch có thể chưa là đỉnh cao nghệ thuật nhưng nó phản ánh chân thực cuộc sống của người lính, chính bản thân chất liệu này đã nói lên những vất vả, gian khổ, hy sinh của họ trong cuộc chiến.

Những bức tranh vẽ trên bao gạo đều có một gam màu tối, lấy từ màu sơn của súng, tạo cho người xem một cái gì đó trầm lắng. Những đường nét trong tranh mạnh mẽ, táo bạo, vẽ nét nào được nét đó chứ không xóa được đem lại cho người xem một cảm giác thảnh thơi, ấm áp. Ông Ben Wilkinson, đại diện của Trường Quản lý nhà nước Kennedy (ĐH Harvard) tại VN, là một nhà sưu tập tranh Phạm Lực, đã kết luận: “Tranh Phạm Lực như những ô cửa sổ mà nhìn qua đó người ta hiểu thêm về đất nước và người dân VN cả trong quá khứ chiến tranh và hiện tại”.

Trăn trở, đồng cảm với người bất hạnh

Xem tranh anh người ta thấy được cuộc sống của những số phận cơ cực Xe ôm vắng khách trong mùa hè nắng chói chang, ông xe ôm gương mặt khắc khổ đang ngủ ngon lành trên xe, hoặc Thành phố lên đèn, khi mọi người hối hả về nhà để quây quần bên tổ ấm thì vẫn có một cô gái bán hoa ế bối rối, lo lắng giữa cái cảnh cuối thu đầu đông và mặt trời sắp tắt.

Với Biển mưa, khi người mẹ bồng con hối hả mang rổ cá đi về dưới cơn mưa chiều vội vã, sau lưng họ những người dân biển đang tiếp tục buông lưới. Chính những hình ảnh rất thực được anh chấm phá vẽ tranh đã nâng cao ý thức hướng thiện trong con người anh. Mỗi lần bán được tranh, anh dành một phần để giúp đỡ cho những số phận, những mảnh đời bất hạnh. Trong năm 2009, họa sĩ đã tặng 15.000 USD ủng hộ Quỹ Trẻ em bị chất độc da cam VN được lấy từ việc bán đấu giá hai bức tranh của mình; tặng ba bức tranh bán đấu giá thu được 27.000 USD ủng hộ Quỹ Phẫu thuật nụ cười. Tháng 10-2008, họa sĩ Phạm Lực cùng hội BAMBU mở triển lãm tại Nantes (Pháp). Trong sáu ngày anh bán được 34 bức tranh, anh gửi tặng Trung tâm Mồ côi huyện Bình Lục (Hà Nam) 5.000 euro…

Hành trình để trở thành một họa sĩ đã khó và trở thành một họa sĩ luôn trăn trở với đời như Phạm Lực lại càng khó hơn. Đã có người từng ca ngợi anh: “Làm việc không mệt mỏi, một mình Phạm Lực làm việc có thể bằng năm người khác gộp lại…”.

Người họa sĩ nhiều kỷ lục

Họa sĩ Phạm Lực sinh ra tại TP Huế, quê cha. (Mẹ là bà Nguyễn Thị Chương, là chắt của đại thi hào Nguyễn Du) Phạm Lực tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật VN, sau đó tham gia quân đội và trở thành thiếu tá Quân đội nhân dân VN.

Trong khoảng giữa năm 2007, triển lãm “Cuộc sống muôn màu 1” của anh gặt hái được nhiều thành công với hơn 300 bức tranh. Giới đồng nghiệp đã xem triển lãm này như là một kỷ lục Guinness về “người triển lãm nhiều tranh nhất VN” (hiện tại đang làm hồ sơ để được công nhận). Năm 2004, Phạm Lực là họa sĩ đầu tiên ở VN có một CLB sưu tập tranh với hơn 60 thành viên. Từ đó đến nay, CLB đã tìm kiếm lại được hơn 4.000 bức tranh của anh ở VN và hơn 2.000 bức tranh đang phiêu lưu trên khắp thế giới.

“Mỗi bức tranh của họa sĩ Phạm Lực mà tôi sưu tập được là tay vịn giúp tôi vượt lên tật nguyền, hòa nhập với cuộc sống. Tranh của anh cho tôi niềm tin yêu cuộc sống và khát vọng vươn lên trong cuộc đời”. Đó là tâm sự của anh Ngô Quang Tuấn, một người sưu tập tranh Phạm Lực. Anh vốn là người bị tàn tật, đã đồng cảm cùng nhiều nhân vật trong tranh, anh xem tranh của Phạm Lực như động lực sống của mình.

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm