Thoạt nhìn, những bức tranh cực kỳ đơn giản. Một bức là hình ảnh ba cậu bé chạy theo người đàn ông đang đạp chiếc xích lô. Bức còn lại là cảnh người phụ nữ bán hàng rong bên hè phố, bên cạnh là chiếc xe 67, chiếc xe lam... Chỉ chừng đó thôi mà bao kỷ niệm về hình ảnh của một Sài Gòn xưa, một thời đầy nhọc nhằn, tuy tất bật với cơm áo gạo tiền nhưng vẫn hào sảng, giản dị cứ ùa về trong tâm trí của nhiều người.
Có lẽ những hình ảnh này dễ dàng níu giữ bước chân của bất kỳ người nào đi qua đây vì đơn giản nó mang lại cảm giác bình dị và thân quen giữa những tòa nhà cao tầng, giữa những nhà hàng Nhật, Hàn... đang mọc lên ở gần đó. Người thuê vẽ những bức họa ấy là chủ nhân của quán bún đậu mắm tôm ngay bên cạnh những bức tranh. Tiểu Trâm, chủ quán Xưa, tâm sự chị chọn cách thể hiện như vậy là muốn mọi người có thể tìm lại chút ký ức của mình trong cái ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống hiện đại.
Một chút hoài niệm về Sài Gòn xưa tại góc đường Cao Bá Quát - Thái Văn Lung (quận 1, TP.HCM) níu giữ bước chân của nhiều người. Ảnh: THANH TUYỀN
Còn anh Đỗ Nam Chung, người cùng chị Trâm thực hiện ý tưởng này, tâm sự để khắc họa nên những hình ảnh này, anh cùng các bạn sinh viên của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM phải đọc nhiều tài liệu về Sài Gòn để tìm hiểu, để thể hiện bức tranh bằng sự cảm nhận của mình nhưng vẫn khắc họa rõ nét hình ảnh Sài Gòn xưa. Bức tranh mà chị Tiểu Trâm cùng những người bạn của mình đang thực hiện vẫn chưa xong, thời gian tới còn nhiều bức cần được vẽ thêm. Chị nói chị muốn thể hiện rõ hơn mọi ngóc ngách của đời sống Sài Gòn để bất cứ ai đi ngang qua cũng có thể bắt gặp lại chính họ trong một khoảnh khắc nào đó.
Giữa cái náo nhiệt, tấp nập của một đô thị đang dần chuyển mình, góc tường đó lại dễ dàng khiến con người ta phải ngoái lại một lần, hai lần, cũng có thể là nhiều lần hơn nữa. Vì đơn giản từng góc phố tưởng đã rêu xanh màu, phủ kín lớp bụi thời gian nay lại hiện lên một cách lặng lẽ, âm thầm mà bình dị như vậy...