Hồi xưa, dân Sài Gòn gọi bồ là... con ghệ

Sáng 4-3, tại Hội Sách cũ TP.HCM ở công viên 23-9 TP.HCM đã diễn ra tọa đàm “Ký ức Sài Gòn qua ngôn ngữ Sài gòn xưa” do nhà văn Lê Văn Nghĩa làm diễn giả đã thu hút đông đảo bạn đọc và nhiều đồng nghiệp văn chương đến tham dự.

Có mặt tại buổi tọa đàm có những nhà văn tên tuổi như Trầm Hương, Trần Nhã Thụy, nhà thơ Trần Tiến Dũng...

Chủ đề Sài Gòn thu hút nhiều bạn đọc và giới văn chương

Nhắc nhớ ngôn ngữ Sài Gòn một thuở

Nhà văn Lê Văn Nghĩa ngay từ đầu tọa đàm đã chia sẻ rằng ông không phải là nhà nghiên cứu ngôn ngữ hay văn hóa Sài Gòn. Ông bảo mình chỉ là một người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, quen thuộc với lời ăn tiếng nói của một Sài Gòn hồi đó nên sử dụng nó trong các tác phẩm của mình một cách tự nhiên bằng những ký ức đã từng sống qua. Nhưng chính vì tự nhiên, chân thật như thế nên những tác phẩm viết về đời sống Sài Gòn một thời của nhà văn Lê Văn Nghĩa như Mùa hè năm Petrus, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy của Lê Văn Nghĩa đã chạm vào ký ức của những người Sài Gòn cùng thời lẫn con tim nhiều thế hệ bạn đọc. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng viết: “Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển”. Riêng nhiều bạn đọc và đồng nghiệp tại tọa đàm cũng đã bày tỏ sự tin tưởng, gần gũi, chính xác với những gì Lê Văn Nghĩa viết về Sài Gòn trước 1975.

Nhà báo Ngân Hà và nhà văn Lê Văn Nghĩa tại  tọa đàm.

Từ sự tin tưởng đó nhà văn Lê Văn Nghĩa chia sẻ rằng theo ông ngôn ngữ người Sài Gòn nói riêng và ngôn ngữ người miền Nam nói chung thường dân dã, nôm na chứ không bóng bẩy. Người Sài Gòn có những tiếng lóng rất đặc trưng một thời nhưng nay không còn thấy nữa. Như ba má được kêu là ông bà Bô. Con gái hay bồ thì kêu là ghệ. Đi uống bia nói là đi uống lade. Nhìn trộm bài của bạn gọi là cọp dê. Đi coi hát trốn vé gọi là coi cọp. Làm điệu bộ sang trọng gọi là lấy le, giựt le...

Nhà văn Trầm Hương chia sẻ về ngôn ngữ Sài Gòn - Nam bộ tại tọa đàm.

Từ những sự biến mất ngôn ngữ này, nhà báo Ngân Hà đã đề xuất nên chăng kêu gọi nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn làm thành một bộ Từ điển ngôn ngữ Sài Gòn.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa thì cho rằng bản thân ông và rất nhiều người khác đã và đang âm thầm hay đã công khai viết về những gì đã có, đã mất đi, đang mất đi hay sắp mất đi của Sài Gòn như một cách giữ gìn Sài Gòn, lưu lại hình ảnh một Sài Gòn rất đẹp.

Đời sống người Sài Gòn 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa và nhiều độc giả đã hoài niệm về đời sống Sài Gòn xưa với những người thầy rất giỏi, nhất mực yêu thương, bảo ban, bảo vệ học trò. Học trò thì học ra học, chơi ra chơi, được dạy dỗ toàn diện các mặt văn -thể - mỹ. Học trò học rất giỏi nhưng chơi văn nghệ, thể thao cũng rất giỏi ngay từ thời học sinh.

Hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh vô cùng thực tế, hiệu quả, tự chủ, độc lập. Học sinh tự bầu ban đại diện, tự lập ban nhạc, tự tổ chức làm báo, bán báo, tự tổ chức hoạt động thiện nguyện.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng hoài nhớ người Sài Gòn xưa sống tình cảm, tự trọng về nhân cách, nghèo nhưng giữ thể diện với những câu cửa miệng như "Dù hèn cũng thể" - tức có nghèo vẫn phải có thể diện không để người ta khinh.

Ông bày tỏ sự lo ngại trẻ con Sài Gòn hôm nay sẽ không còn có những tình cảm, tâm hồn như trẻ con Sài Gòn xưa nếu chỉ làm bạn với cái điện thoại, máy tính bảng thông minh.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa ký tặng bạn đọc.

Nói về người Sài Gòn, một độc giả đặt câu hỏi nhà văn Lê Văn Nghĩa nghĩ gì về việc phân biệt người Sài Gòn gốc, làm sao để nhận diện một người Sài Gòn gốc. Nhà văn Lê Văn Nghĩa bảo rằng ông không có quyền đại diện cho ai, điều gì để trả lời câu hỏi này. Ông chỉ chia sẻ quan điểm cá nhân: "Người Sài Gòn gốc có thể hiểu là người sinh ra và lớn lên, sống lâu năm ở Sài Gòn. Nếu những người như thế mà có cha mẹ, ông bà sống lâu năm, lâu đời hơn nữa thì càng có thể gọi là người Sài Gòn gốc do người từ tỉnh khác đến Sài Gòn. Nhưng nếu là người Sài Gòn dù cũ hay mới thì cũng đều cần có những đức tính tốt đẹp kế thừa từ người Sài Gòn xưa như đi đầu làm từ thiện, chia sẻ nỗi đau cùng đồng bào".

Chia sẻ này từ nhà văn Lê Văn Nghĩa nhận được nhiều sự đồng tình từ độc giả.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm