Hoài niệm về rạp chiếu phim Hòa Bình, rạp lâu đời nhất ở Quảng Ngãi

(PLO)- Thông tin rạp chiếu phim Hòa Bình được Sở Tài chính đấu giá thành công với số tiền trên 33 tỉ (cho thuê 49 năm) đã khiến cho nhiều người dân Quảng Ngãi cảm thấy luyến tiếc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nói đến rạp chiếu phim Hòa Bình (đường Duy Tân, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi), hầu như ai cũng biết đến bởi đây là rạp chiếu phim lâu đời nhất nơi này. Nay được cho thuê 49 năm, khiến người ta tiếc nhớ về một thời vàng son của nó.

Trước năm 1975, rạp này mang tên rạp chiếu phim Kiến Thành (rạp Kiến Thành), có quy mô 3 tầng, diện tích sàn sử dụng là 1.197,86m2.

Phim màn ảnh rộng từng gây sốt ở nhiều miền quê. Ảnh tư liệu

Phim màn ảnh rộng từng gây sốt ở nhiều miền quê. Ảnh tư liệu

Dòng phim trắng đen vào những năm 1950

Rạp Kiến Thành do ông Huỳnh Dân xây dựng vào năm 1950 tại trung tâm thị xã Quảng Ngãi. Thời đó, phim ảnh vẫn còn khá xa lạ đối với người dân.

Các bậc cao niên kể lại, thời Pháp thuộc, khắp miền quê Quảng Ngãi chỉ “chiếu phim miệng”, phần lớn là câu chuyện về 2 đại võ sĩ đang nổi danh ở đất Quảng là Bảo Truy Phong và Đỗ Hy Sinh.

Ông Sinh có thể vận nội công, đặt ván trên người cho xe Renault của Pháp lăn bánh qua.

Năm 1958, tuyến đường từ một số huyện ra thị xã Quảng Ngãi mới bắt đầu có xe Lambette 3 bánh. Hôm nay ở rạp Kiến Thành chiếu phim gì, ngày mai sẽ chiếu phim gì theo những câu chuyện trò trên những chuyến xe đi xa hơn, làm người dân phần nào quên đi mình đang trong thời chiến.

Trước đó vài năm, bà con đến rạp đều mặc quần áo màu đen để sẵn sàng ẩn mình vào bụi rậm khi nghe tiếng máy bay của Pháp từ hướng Tourane (Đà Nẵng) đánh phá (Quảng Ngãi là vùng tự do). Rồi các kiểu ăn mặc được thay đổi khi những người đẹp trên màn ảnh tác động đến đời sống của mỗi người.

Ông Nguyễn Ngọc Cư (sinh năm 1940) kể lại, rạp Kiến Thành thực sự nhộn nhịp từ năm 1965.

Thỉnh thoảng người mẹ là bà Nguyễn Thị Xuân Phương lại gặng hỏi cậu con út: “Xin thêm 1 đồng bạc nữa để làm chi?”. Cậu Cư thú thật là để mua vé vô xem phim tại rạp Kiến Thành. Cậu cầm tờ 1 đồng có in hình diêm dân cào muối và nông dân đập lúa rồi suy nghĩ, “biết bao giờ mới tự làm ra tiền để ngày nào cũng tới rạp xem phim”.

Quanh rạp chiếu phim luôn thấp thoáng bóng người giữ xe, tiếng rao bánh mì nóng giòn nghe lanh lảnh, rồi nước chè, các loại thuốc lá Pall Mall, Capstan, Craven A, Roman; xe Jeep của quân cảnh, cảnh sát, quan chức địa phương, các cô gái có gia thế giàu có, xinh đẹp dập dìu tới rạp. Những người này thường được ngồi hàng ghế đầu.

Giai đoạn này có nhiều hãng phim ra đời ở Sài Gòn như Cinevina, Giao Chỉ, Cosunam, Việt Nam Film, Liên Ảnh…Những bộ phim xuất hiện người đẹp như Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Kiều Chinh cũng khiến bà con mê mệt. Khi vô rạp nếu được ngồi hàng ghế đầu để nhìn cho rõ phim là một vinh dự. Có thời gian, hàng ghế đầu được xem là hàng ghế nguy hiểm, vì đã có vài vụ nổ ngay ở hàng ghế đầu, mọi người dẫm đạp lên nhau.

Đến thập niên 70, ông Huỳnh Dân thực sự ăn nên làm ra nhờ dòng phim của minh tinh màn bạc Lý Tiểu Long.

Những tấm quảng cáo in hình võ sư Lý Tiểu Long với dòng chữ Bruce Lee thực sự làm điên đảo hàng ngàn người. Trẻ nhỏ từ các miền quê nếu không có được 1 đồng mua vé vô cổng thì cũng mong được đến để nhìn những tấm ảnh quảng cáo phim Mãnh long quá giang, Long tranh Hổ đấu, Tử vong du hí, Đường Sơn đại huynh. Do rạp Kiến Thành không chứa nổi dòng khán giả cuồng nhiệt chen chúc từ mờ sáng, vì vậy thêm rạp Mỹ Vân (sau năm 1975 đổi tên thành rạp 1-5) ra đời.

Rạp chiếu phim Hòa Bình ngày nay (đường Duy Tân, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi). Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Rạp chiếu phim Hòa Bình ngày nay (đường Duy Tân, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi). Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Đổi tên thành rạp chiếu phim Hòa Bình

Ngày 24-3-1975, Quảng Ngãi được giải phóng, những người lính trong đội tuyên truyền trên núi xuống thị xã Quảng Ngãi để tiếp quản nhiều cơ quan hành chính, trong đó có 2 rạp phim.

Ông Nguyễn Duy Sấc, một người lính thời đó kể lại, ngôi nhà của ông Huỳnh Dân nằm sát rạp Kiến Thành, ông Dân luôn lo lắng về tương lai của rạp phim. Lúc đó, đã gần 70 tuổi nhưng ông Dân lúc nào cũng đau đáu về số phận của rạp chiếu phim Kiến Thành.

Năm 1976, tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định nhập chung gọi là tỉnh Nghĩa Bình (ông Trần Anh ở Quy Nhơn là cán bộ phụ trách phim ảnh), hai rạp phim trực thuộc quản lý của chính quyền thị xã Quảng Ngãi. Rạp tiếp tục chiếu phim và quầy thu ngân luôn đầy ắp tờ tiền 1 đồng có hình nhà máy gang thép Thái Nguyên (1 đồng/vé tại rạp và 5 hào/vé ngoài sân bãi).

Từ sau năm 1979, gia đình ông Dân sang Mỹ định cư vào thời điểm rạp phim Hòa Bình (rạp Kiến Thành) vẫn luôn đông khách. Đoàn người nối thành hàng rồng rắn từ ngoài cổng vô trong rạp có sức chứa 650 người, cán bộ quản lý rạp phải gân cổ nói to để điều hành. Bởi vì rạp quá đông, khi chiếu phim hay thì có tới 50-70 người chuyên làm nghề vé chợ đen cũng góp mặt để bán lại vé kiếm lời vài hào.

Năm 1986, sê ri phim Biệt động Sài Gòn bao gồm các tập “Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em” tiếp tục làm điên đảo khán giả ở Quảng Ngãi, sau đó là 8 tập phim “Ván bài lật ngửa” cũng thu hút người xem.

Ông Nguyễn Duy Sấc, nguyên là trưởng rạp 1-5, đội trưởng đội chiếu bóng số 1 kể lại, lúc đó bắt đầu có phim màu, UBND thị xã Quảng Ngãi là đơn vị kết nghĩa với thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã mang 8 tấn đường trị giá 800.000 đồng ra Quảng Trị để quy đổi, mang về bộ đầu VCR chạy băng VHS.

Các bộ phim màu hút khách đến nỗi rạp phải chiếu 8 suất phim/ngày, từ sáng tới tối. Các phim đầu tiên được chiếu là “Điệp viên 027, Trộm mắt Phật, Tên trộm thành Bát Đa”.

UBND thị xã Quảng Ngãi đang lo ngay ngáy món nợ 8 tấn đường biết bao giờ hoàn vốn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, doanh thu từ phim đã thu về được 300.000 đồng.

Khi khán giả ý kiến về việc rạp rộng lớn nhưng chỉ xem phim từ màn hình 21 inches, ngồi xa nhìn như quyển vở học sinh, anh em quản lý rạp đã góp tiền mua bổ sung màn hình 100 inches để chiếu ở rạp, còn màn hình 21 inches chuyển sang đội phim cơ động. Và chỉ một thời gian ngắn, rạp đã thu hồi được toàn bộ vốn đầu tư đầu máy VCR từng quy đổi ra 8 tấn đường mía.

Năm 1993, Bộ VH-TT đã đầu tư 1 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa rạp nhưng hoạt động một thời gian thì rạp dần vắng bóng người xem.

Năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi chủ trương xã hội hóa rạp Hòa Bình nhưng không thực hiện được, 2 năm sau rạp đóng cửa.

Đầu năm 2015, rạp nằm trong danh sách đấu giá tài sản công dôi, dư, không có nhu cầu sử dụng. Tháng 7-2023, Sở Tài chính đưa ra đấu giá thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm